Quốc tế

Cúm gia cầm bùng phát ở Mỹ

Hà Anh 31/01/2024 09:50

Chủ trang trại Mike Weber ở San Francisco (Mỹ) nhận được tin mà mọi người chăn nuôi gia cầm đều lo sợ: Đàn gà của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm.

anh-bai-chinh-30-1.jpg
Trang trại gà của bà Ettamarie Peterson - một giáo viên nghỉ hưu - ở Petaluma, California, Mỹ. Nguồn: AP.

Theo quy định của chính phủ Mỹ, trang trại Sunrise Farms của ông Weber đã phải tiêu hủy toàn bộ đàn gà mái đẻ trứng gồm 550.000 con để ngăn chặn căn bệnh này lây lan sang các trang trại khác ở Hạt Sonoma phía Bắc San Francisco, Mỹ.

Một năm sau khi dịch cúm gia cầm khiến giá trứng tăng cao kỷ lục và gây thiếu nguồn cung trứng trên diện rộng, dịch bệnh cúm gia cầm có độc lực cao đang tàn phá California, vượt qua làn sóng bùng phát trước đó, đã tàn phá các trang trại gia cầm ở Trung Tây.

Loại virus cúm gia cầm có độc lực cao (H5 HPAI) đã tàn phá Hạt Sonoma, buộc các quan chức phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong hai tháng qua, gần chục trang trại thương mại đã phải tiêu hủy hơn 1 triệu con gia cầm để kiểm soát dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho nông dân, công nhân và khách hàng. Hạt Merced ở miền Trung California cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch bệnh bùng phát tại một số trang trại sản xuất trứng thương mại lớn trong những tuần gần đây.

Các nhà khoa học thông tin, cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm rất cao, một con chim có thể lây nhiễm cho 100 con khác, virus có trong phân, chất nhầy, máu và nước bọt. Virus lây lan qua vịt, ngỗng và các loài chim di cư khác. Chim có thể mang virus mà không nhiễm bệnh và dễ dàng lây truyền mầm bệnh đến các trang trại gà cũng như đàn gia cầm.

Sự lây lan của cúm gia cầm trong ngành chăn nuôi được xác định bởi hoạt động của con người và cách thức buôn bán gia cầm. Ở các loài chim hoang dã, các đường bay di cư là những dấu hiệu chính cho thấy, bệnh sẽ lây lan ở đâu. Các tuyến đường di cư chính dọc theo những đường bay phía Đông Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, có nghĩa là nó có thể lây lan sang các khu vực mới chưa từng xuất hiện cúm gia cầm trước đây.

Các trang trại gia cầm ở California đang thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bác sĩ thú y của bang Annette Jones kêu gọi nông dân giữ đàn gia súc của họ trong chuồng cho đến tháng 6, kể cả những đàn gà nuôi hữu cơ bắt buộc phải được ra ngoài trời.

“Vẫn còn quá trình di cư trong vài tháng nữa, vì vậy, chúng ta phải cảnh giác nhất có thể để bảo vệ đàn gia cầm của mình” – ông Bill Mattos, Chủ tịch Liên đoàn Gia cầm California cho biết.

Việc tổn thất đàn gà mái ở địa phương đã khiến giá trứng tăng đột biến ở khu vực Vịnh San Francisco trong những ngày nghỉ lễ trước khi các siêu thị và nhà hàng tìm được nhà cung cấp từ bên ngoài khu vực.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, cúm gia cầm đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, nhưng đợt bùng phát hiện nay – do loại virus mới bắt đầu lây lan vào đầu năm 2022 - đã khiến các quan chức phải tiêu hủy gần 82 triệu con gia cầm, chủ yếu là gà đẻ trứng ở 47 tiểu bang của Mỹ. Bất cứ khi nào phát hiện mầm bệnh, toàn bộ đàn gia cầm sẽ bị tiêu huỷ.

Giá của một chục quả trứng đã tăng hơn gấp đôi lên 4,82 USD vào đợt cao điểm tháng 1/2023. Giá trứng trở lại mức bình thường khi các nhà sản xuất trứng tăng đàn và sự bùng phát của dịch bệnh được kiểm soát. Giá gà tây và thịt gà cũng tăng vọt, một phần do virus.

“Tôi nghĩ đây là một vấn đề tồn tại đối với ngành chăn nuôi gia cầm thương mại. Virus này có mặt ở mọi châu lục vào thời điểm này, ngoại trừ Ausstralia” – ông Maurice Pitesky, chuyên gia về gia cầm tại Đại học California cho biết.

Ông Pitesky cho biết thêm, biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi các kiểu thời tiết thay đổi làm gián đoạn mô hình di cư của các loài chim hoang dã. Ví dụ, lượng mưa đặc biệt trong năm ngoái đã tạo ra môi trường sống mới cho các loài chim nước trên khắp California, bao gồm cả những khu vực gần các trang trại gia cầm.

Tại California, đợt bùng phát đã ảnh hưởng đến hơn 7 triệu con gà ở khoảng 40 đàn gà thương phẩm và 24 đàn gà thả vườn, khi hầu hết các đợt bùng phát xảy ra trong hai tháng qua ở North Coast và Central Valley, theo USDA.

Các quan chức trong ngành đang lo lắng về số lượng ngày càng tăng của gà thả vườn có thể bị nhiễm bệnh và lây lan cúm gia cầm sang các trang trại thương mại. “Chúng ta có những con chim hoang dã mang virus. Và nếu bạn cho đàn gia cầm của mình tiếp xúc với những loài chim hoang dã này, chúng có thể bị nhiễm bệnh và bị bệnh” – ông Rodrigo Gallardo, nhà nghiên cứu về cúm gia cầm tại UC Davis - cho biết.

Ông Gallardo khuyên chủ nuôi gà thả vườn nên mặc quần áo và mang giày tiệt trùng để bảo vệ đàn gà của mình khỏi bị nhiễm bệnh. Nếu số lượng gà chết bất thường, chúng cần được xét nghiệm cúm gia cầm.

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế tại Đại học Hong Kong cho biết, bất chấp số lượng các đợt bùng phát, chỉ có 0,2% số ca được giải trình tự, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường giám sát để hiểu virus đang biến đổi như thế nào. Các nhà khoa học cho biết thêm, sự tồn tại ngày càng tăng của cúm gia cầm ở các loài chim hoang dã đang thúc đẩy sự tiến hóa và lây lan của nhiều chủng cúm mới.

Tiêu hủy hàng loạt từng là một chính sách hiệu quả để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh ở gia cầm. Tuy nhiên, do cúm gia cầm hiện nay quá phổ biến ở các quần thể chim hoang dã nên điều này tỏ ra kém hiệu quả hơn.

Trong 25 năm qua, virus cúm gia cầm thường xuất hiện ở châu Á, nhưng những thay đổi lớn về virus và sự lây lan của nó ở những loài chim hoang dã có nghĩa là các đợt bùng phát đang thay đổi. Nghiên cứu cho thấy, trong khi các đợt bùng phát cúm gia cầm vào năm 2016 và 2017 bắt đầu ở Trung Quốc, hai loại virus H5 mới đã xuất hiện vào năm 2020 ở gia cầm châu Phi và vào năm 2022 ở các loài chim hoang dã ở châu Âu và Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cúm gia cầm bùng phát ở Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO