Nhiều ông bố, bà mẹ đã hình thành thói quen đưa cho con chiếc smartphone (điện thoại thông minh) coi đó như một “bà bảo mẫu”, để chúng cắm cúi vào đó. Có lẽ vì thế mà nhiều trẻ không có thói quen đọc sách, cho dù những tháng hè không bận bịu với học hành, thi cử.
Nhiều người hẳn chưa quên một đoạn video ngắn đăng trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh đối lập tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), 2 trẻ em nước ngoài chăm chú đọc sách, trong khi ở hàng ghế bên cạnh, 2 trẻ em khác người Việt lại dán mắt vào chiếc điện thoại di động. Đoạn video ngắn đó đã thu hút được rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận.
Những tháng nghỉ hè là khoảng thời gian để các em vui chơi, khám phá thế giới xung quanh và nạp thêm nguồn năng lượng mới. Trong nhiều trải nghiệm, sách là lựa chọn hữu ích. Thế nhưng bao nhiêu người trong chúng ta sẵn sàng chọn sách cho con đọc mùa hè?
Giới chuyên gia giáo dục cho biết, tại Malaysia, học sinh phải đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Ở Hàn Quốc, cha mẹ đọc sách cùng con ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần 30 phút. Còn với người Nhật Bản, họ có riêng một ngày lễ trong năm là “Ngày trẻ em đọc sách”. Ở nhiều nước châu Âu, đọc sách với trẻ em được hình thành từ khi trẻ còn nhỏ và tạo thành thói quen hàng ngày trước khi đi ngủ mỗi tối.
Trong khi đó, ở nước ta, một thống kê từ Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã đưa ra con số rất đáng suy nghĩ. Trong năm 2023, tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%; người thỉnh thoảng đọc sách chiếm 44% và chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên.
Nhân đây cũng xin dẫn ra một khảo sát được Google thực hiện năm 2023: Trung bình trẻ em Việt sử dụng điện thoại di động vào năm 9 tuổi, sớm hơn 4 tuổi so với trẻ em thế giới. Còn theo một khảo sát vào quý 3 năm 2022 của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng từ 5-7 tiếng/ngày vào mạng xã hội.
Từ chỗ người lớn “đánh mất” thói quen đọc sách đã dẫn tới việc trẻ em xa dần với văn hóa đọc. Vậy, điều đó nếu có trách thì trách người lớn chứ không nên đổ lỗi hoàn toàn cho trẻ hoặc kết tội cho chiếc... smartphone.
Muốn con thích đọc sách, trước hết cha mẹ hãy làm gương, từ đó lan tỏa, hình thành thói quen tới con cái. Cùng con đọc sách cho mùa hè cũng chính là cách để con “tạm xa chiếc smartphone”, và đây cũng chính là một trong những lựa chọn đơn giản, ít tốn kém nhưng lại mang đến cho con một mùa hè ý nghĩa.
Thực tế thì hiện nay có nhiều ấn phẩm sách hấp dẫn, bổ ích cho con trẻ hơn so với trước đây. Trẻ em có thể được người lớn dẫn dắt vào thế giới diệu kỳ của những trang sách. Khoa học đã chứng minh lợi ích của việc đọc sách đối với trẻ em. Riêng với những cuốn sách tranh khoa học sẽ mang đến những tác động tích cực đến não bộ và sự phát triển của trẻ: phát triển ngôn ngữ; kích thích trí tưởng tượng; thôi thúc trẻ đặt thêm những câu hỏi về thế giới; trau dồi cho trẻ kỹ năng sinh tồn…
Việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ cần diễn ra thật tự nhiên, bền bỉ. Và tất nhiên phải xuất phát từ người lớn. Bất cứ đứa trẻ nào cũng bắt chước cha mẹ và người thân của mình như một phản xạ có tính bản năng. Sẽ là rất tốt nếu như cha mẹ là người có thói quen đọc sách và trong mỗi ngôi nhà phải có sách, được bài trí đẹp, trân trọng. Nếu không thì mọi cố gắng khác đều sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa.