Tại Ubang, một cộng đồng nông thôn kỳ lạ ở Nigeria, người dân tin rằng phụ nữ đến từ sao Kim, còn đàn ông đến từ sao Hỏa và họ nói hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau.
Đó là câu chuyện khó tin nhưng có thật khi mà người dân trong làng coi đó là nét văn hóa truyền thống. “Dù ngày nay lũ trẻ nói tiếng Anh khá nhiều, nhưng người lớn chúng tôi vẫn gìn giữ nét đẹp của riêng mình, ít nhất là qua tiếng nói”- một nông dân trong làng Ubang cho biết.
Tất nhiên là không phải từ nào giữa nam và nữ cũng nói khác nhau, nhưng tỉ lệ là tương đối lớn. Chẳng hạn, đối với từ “quần áo”, nam giới sẽ nói là “nki”, trong khi phụ nữ sẽ nói “ariga”, từ “cây cối” sẽ được nam giới phát âm là “kitchi”, còn phụ nữ nói là “okweng”... Đáng chú ý, những từ này không chỉ khác nhau về cách phát âm, mà còn khác nhau về cách viết, nhưng lại cùng được hiểu theo một nghĩa, miễn là ai cũng có thể nhớ được.
Cũng chính vì thế, người ta nói rằng chỉ trong một làng mà có hai... sắc tộc. Tuy nhiên, dù phát âm khác nhau, viết khác nhau nhưng cộng đồng đều hiểu cả, chính vì vậy mà cho dù có rắc rối thì việc giao tiếp trong làng Ubang vẫn dễ dàng, không gặp bất cứ trở ngại nào.
Nói như nhà nhân chủng học Chi Chi Undie thì “Nó gần giống như hai từ vựng khác nhau. Có rất nhiều từ mà đàn ông và phụ nữ nói chung. Trong khi đó, cũng có những từ khác hoàn toàn tùy thuộc vào giới tính. Chúng không phát âm giống nhau và cũng không có cách viết giống nhau. Chúng là các từ hoàn toàn khác biệt, nhưng họ vẫn hiểu nhau một cách hoàn hảo”.
Người ta biết rằng, tại Ubang, cha mẹ dạy cho con cái cả hai ngôn ngữ. Nhưng đến 10 tuổi, các bé trai sẽ phải nói bằng ngôn ngữ dành cho nam giới, điều đó cũng có nghĩa là cậu bé đã vào độ trưởng thành.
Ông Oliver Ibang, Trưởng làng Oliver Ibang cho biết, không hề một chút khó khăn nào đối với họ dù rằng gần như họ phải biết hai thứ tiếng và điều đó khiến ngôi làng này trở nên khác biệt với tất cả các cộng đồng khác trên thế giới.
Còn bà Chi Chi Undie tin rằng, việc sử dụng hai ngôn ngữ là kết quả của “nền văn hóa hai giới tính”, điều không hiếm gặp ở châu Phi. Tuy nhiên, theo thời gian nó đã mai một và có lẽ chỉ còn cộng đồng người làng Ubang vẫn duy trì được.
“Nhưng điều này sẽ phải chịu thử thách rất lớn khi mà tiếng Anh ngày càng trở nên thông dụng, khiến các thế hệ tiếp theo cảm thấy bất tiện khi phải dùng một lúc tới vài ba ngôn ngữ để giao tiếp. Nhưng tôi cũng như những nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, sức níu kéo của truyền thống là rất lớn và thêm nữa người làng này tự hào về “hai ngôn ngữ” rất độc đáo của mình. Cho nên, nét đặc biệt của cộng đồng này sẽ còn được bảo lưu”- bà Chi Chi Undie nói.
Hiệp hội ngôn ngữ Nigeria cho biết, 50 trong số 500 ngôn ngữ của quốc gia này có thể biến mất trong tương lai, nếu không thực hiện các biện pháp bảo tồn. Việc giảng dạy ngôn ngữ bản địa Nigeria trong các trường học cũng là một phần của chính sách quốc gia về giáo dục, nhằm đề cao tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa, cũng như thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc.