Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa gửi văn bản lên Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đề nghị bảo tồn Cung Thiếu nhi, sau khi Hà Nội khởi công xây dựng cung thiếu nhi mới.
Theo Hội KTS Việt Nam, dù hiện chưa có thông tin chính thức Hà Nội sẽ sử dụng Cung Văn hóa Thiếu nhi ra sao, phá hủy hay giữ nguyên trạng… nhưng với khuôn viên công trình rộng hơn 8.100m2, nằm ở vị trí đắc địa của quận Hoàn Kiếm được ví như khu đất kim cương là đích ngắm (bởi siêu lợi nhuận) của các nhà đầu tư bất động sản… thì dư luận xã hội không thể không lo ngại.
Hội KTS Việt Nam khẳng định Cung Thiếu nhi Hà Nội là công trình kiến trúc văn hóa công cộng có giá trị; là công trình tiêu biểu, có tính đại diện cho kiến trúc Việt Nam đương đại trước đổi mới ở thể loại văn hóa công cộng.
Cùng với đó, căn cứ vào Luật Thủ đô và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Cung Thiếu nhi là di sản kiến trúc đô thị trước đổi mới nên bắt buộc phải giữ nguyên, toàn bộ công trình này không được phá huỷ.
Cung Thiếu nhi Hà Nội có giá trị văn hóa phi vật thể, là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử phát triển Thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ và những năm sau này, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, tình yêu thương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô dành cho thiếu nhi dù trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước.
“Cung Văn hóa thiếu nhi là tài sản của Nhà nước nên quỹ đất này chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không xây dựng chung cư, nhà cao tầng, công trình thương mại dịch vụ” - văn bản của Hội KTS Việt Nam khẳng định.
Hội cũng nêu lên đề xuất Cung Thiếu nhi cần được tu bổ, nâng cấp trang thiết bị để tiếp tục phát huy giá trị, sử dụng làm Nhà văn hóa thiếu nhi của quận Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và vui chơi của trẻ em trong quận và khu vực lân cận.
Trong khi đó, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội cũng cho rằng, việc xây dựng cung mới là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng nhu cầu vui chơi của thiếu nhi thành phố vì Cung Thiếu nhi cũ quá chật hẹp, cơ sở hạ tầng cũng đã cũ vì sử dụng từ năm 1955, nay Hà Nội đã mở rộng, cung cũ đã không còn phù hợp để đáp ứng nhu cầu của cấp Thành phố.
Theo vị chuyên gia này thì Cung Thiếu nhi cũ vẫn nên tiếp tục được sử dụng với mục đích làm Cung Thiếu nhi, không thay đổi. Về cấp độ sử dụng của Cung Thiếu nhi cũ có thể thay đổi từ cấp Thủ đô thành cấp khu vực, vùng nhỏ trong nội đô.
Mặt khác, theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, hiện nay, căn cứ vào Luật Thủ đô, căn cứ Nghị quyết HĐND, Thành phố xác định được danh mục các công trình xây dựng bao gồm công trình công cộng và các biệt thự, có giá trị xây dựng trước năm 1954. Đối với các công trình này phải thực hiện trình tự theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, phải tuân thủ việc hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý.
“Cung Thiếu nhi cũ là một di sản đô thị trước đổi mới, nên bắt buộc phải giữ nguyên, toàn bộ công trình, kiến trúc này không được phá hủy.Đây cũng là tài sản của Nhà nước, nên quỹ đất này chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không xây dựng chung cư, nhà cao tầng, nếu công trình đã xuống cấp thì Hà Nội cần cải tạo, tu bổ lại để tiếp tục sử dụng”, ông Nghiêm nói.