Cuộc chiến chống Covid-19: Chủ quan là tự sát

Thế Tuấn 21/12/2020 07:11

Ngày 20/12, truyền thông Chile đưa tin, Tổng thống Sebastian Pinera đã phải nộp phạt 3.500 USD sau khi bị bắt gặp chụp ảnh trên bãi biển (ngày 5/12) mà không đeo khẩu trang, vi phạm các quy định phòng ngừa Covid-19 do nước này đề ra. Cùng với việc nộp phát, ông Pinera đã gửi lời xin lỗi lên mạng xã hội, gọi đây là “sai lầm” mà ông rất hối tiếc.

Bệnh viện Patton được mô tả như mồi lửa có thể lại làm bùng phát dịch Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: sbsun.com.

Việc Tổng thống Chile nộp phạt vì không đeo khẩu trang cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 hiện rất nóng, bất cứ một hành động chủ quan nào cũng có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Việc nộp phạt của vị Tổng thống được coi là “nêu gương” cho toàn dân, cho dù dịch bệnh Covid-19 với nước này cũng đã giảm so với hồi tháng 6.

1.Cũng như Chile, hiện nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Kể cả ở những quốc gia đã có được lượng vaccine cần thiết thì cũng không dám chủ quan mà nước Mỹ là điển hình, cho dù tới ngày 20/12 đã có tới 272.000 người được tiêm ngừa. Đáng chú ý, trong ngày hôm nay, 21/12, Tổng thống đắc cử Joe Biden cùng vợ là bà Jill Biden, sẽ tiêm mũi vaccine đầu tiên ở Delaware. Sau đó một tuần, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris cùng chồng là ông Doug Emhoff, cũng sẽ tiêm.

Trước đó, ngày 18/12, sau khi Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence tiêm vaccine trước ống kính truyền hình, thì Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thủ lĩnh phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell trở thành những chính khách đầu tiên tại Quốc hội tiêm vaccine Covid-19. Cả hai đều thuộc nhóm độ tuổi cao: Bà Pelosi 80 tuổi, còn ông McConnell 78 tuổi, là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bằng việc công khai tiêm vaccine, các nhà lãnh đạo Mỹ kỳ vọng sẽ tạo được niềm tin trong dân chúng về biện pháp phòng ngừa dịch bệnh này, vì rằng còn một bộ phận khá lớn thờ ơ, hoài nghi về tiêm vaccine.

“Dịch bệnh hoành hành khiến nước Mỹ “gắn kết”. Người ta có thể mâu thuẫn việc này việc khác nhưng với Covid-19 thì không thể đùa dai. Chủ quan là tự sát”- nhận xét của kênh truyền hình Fox News.

Trong khi đó, bệnh viện tâm thần lớn nhất nước Mỹ lại được coi là “mồi lửa lớn” có khả năng làm cho dịch Covid-19 bùng phát dữ dội hơn.

Đó là bệnh viện Patton (thành phố San Bernardino, phía Đông Los Angeles). Với 1.527 giường bệnh, đây là một trong những bệnh viện tâm thần lớn nhất nước Mỹ. Kể từ tháng 5 năm nay, ít nhất 335 bệnh nhân và 327 nhân viên tại Bệnh viện Patton đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, 10 bệnh nhân đã tử vong.

Nhóm luật sư bảo vệ cho một số đối tượng đang “bị giam” tại bệnh viện này đã không dưới một lần đệ đơn yêu cầu “giãn” các thân chủ của họ về các bệnh viện khác, nhưng “vì một lý do bí hiểm nào đó” nên chính quyền đã không chấp nhận. Anne Hadreas, luật sư về quyền của người khuyết tật California, cho biết cô và các đồng nghiệp đã gặp gỡ nhà chức trách nhiều lần, nhưng không thể đạt được thỏa thuận về cách giảm “dân số” của bệnh viện.

Trong đơn đề nghị gửi lên chính quyền, luật sư Hadreas đã mô tả môi trường mà những bệnh nhân tâm thần đang phải sinh sống tại Bệnh viện Patton là nơi không thể thực hiện giãn cách xã hội, khi mà 5 bệnh nhân phải ngủ chung phòng, dùng chung nhà tắm, phòng ăn. “Trong khi chắc chắn họ sẽ là những người cuối cùng được hưởng một mũi vaccine”, nữ luật sư nói.

Phó Tổng thống đương nhiệm Mỹ Mike Pence tiêm ngừa vaccine. Ảnh: AP.

2.Ở một nơi xa xôi cách xa nước Mỹ, Thái Lan, cũng đang phải gồng mình chống lại Covid-19 khi chỉ trong 1 ngày đã phát hiện hơn 500 ca nhiễm tại một thị trấn nhỏ.

Ngày 20/12, truyền thông nước này đưa tin, vào chiều tối ngày 19/12 Chính phủ chính thức thông báo phát hiện 516 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong một thị trấn đánh cá ở tỉnh Samut Sakhon, tăng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 548 ca.

Theo đó, hầu hết các ca nhiễm mới nằm trong số lao động nhập cư, với 90% ca nhiễm không có triệu chứng. Giới chức cho hay họ đang tiếp tục khẩn trương tiến hành xét nghiệm người nhập cư và công dân Thái tại tỉnh Samut Sakhon sau khi phát hiện một ca lây nhiễm mới trong cộng đồng vào tuần trước.

Bộ trưởng Bộ Y tế công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho rằng ổ dịch có thể bắt nguồn từ lao động nhập cư bất hợp pháp từ biên giới Myanmar vào tỉnh Samut Sakhon của nước này. Đây là tỉnh chỉ cách Thủ đô Bangkok khoảng 1 giờ lái xe.

Ngay lập tức, tỉnh Samut Sakhon gần như đã bị phong toả toàn bộ, chỉ cho phép các trường hợp thực sự cần thiết di chuyển. Lệnh phong toả có hiệu lực từ ngày 19/12/2020 đến ngày 3/1/2021. Các trạm kiểm soát của cảnh sát cũng đã được dựng lên ngay từ tối 19/12.

Trước đó, ngày 17/12, Bộ Y tế công cộng Thái Lan đã công bố trường hợp lây nhiễm cộng đồng là một phụ nữ bán tôm tại một chợ đầu mối cũng ở thị trấn kể trên. Đáng lo ngại là cơ quan y tế đã không xác định được nguồn lây nhiễm đối với người phụ nữ này. Và, 3 người tiếp xúc gần với ca nhiễm gồm chị gái, mẹ ruột và chị chồng đều cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 20/12, thông tin từ Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại bệnh viện Đại học Sanko ở tỉnh Gaziantep khi bình ôxy của máy thở phát nổ trong phòng chăm sóc đặc biệt. Tất cả các trường hợp tử vong do vụ nổ trên tuổi từ 56-80 đều là bệnh nhân nhập viện do nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, 14 bệnh nhân khác bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn đã được nhanh chóng chuyển sang các bệnh viện khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến chống Covid-19: Chủ quan là tự sát