Cuộc chiến chống Covid-19: Khó khăn vì thiếu thuốc

Hà Anh 10/04/2021 06:21

Cuộc chạy đua để sản xuất đủ vaccine Covid-19 cho 7 tỷ người trên thế giới sắp trở nên khó khăn hơn, khi các nhà sản xuất và các quốc gia đang sẵn sàng cho liều vaccine thứ hai để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của các biến thể. Cùng với đó, thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng đang có nguy cơ thiếu hụt.

Vận chuyển vaccine Covid-19 được coi là “sứ mệnh thế kỷ”. Ảnh: CNN.

Khan hiếm vaccine

Theo Politico, tìm ra loại vaccine có thể ngăn ngừa các biến thể SARS-CoV-2 mới chỉ là phần đầu của cuộc chiến chống Covid-19. Theo nhiều chuyên gia vaccine và các quan chức y tế của chính quyền ông Biden, Mỹ hầu như không có khả năng sản xuất vaccine sửa đổi hoặc liều nhắc lại cùng với các phiên bản gốc. Việc thiết lập các cơ sở sản xuất bổ sung có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Các nhà sản xuất vaccine như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson đã đáp ứng nhu cầu lớn trên toàn cầu đối với các liều vaccine ban đầu bằng cách sản xuất hàng triệu liều trong khi vaccine vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, đó không phải là một lựa chọn vào thời điểm hiện tại, bởi các công ty vẫn đang chạy đua để hoàn thành các đơn đặt hàng vaccine Covid-19.

Trong khi đó, chính quyền nhiều bang của Ấn Độ đang phản ánh tình trạng thiếu vaccine, khiến họ bị động trong việc ngăn chặn bước tiến của dịch bệnh. Tại bang Maharashtra - nơi đang chiếm tới hơn một nửa số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ trong vài tuần qua, tình trạng thiếu vaccine đang thấy rõ. Bộ Y tế bang này vừa đề nghị chính quyền trung ương cấp khẩn cấp 4 triệu liều vaccine mỗi tuần.

Nhiều quận của bang Maharashtra đã dừng tiêm chủng từ hôm qua 8/4 do hết thuốc. Bộ trưởng Y tế bang này phàn nàn rằng dù đang là tâm dịch của cả nước nhưng Maharashtra còn nhận được ít vaccine hơn cả các bang có tình hình khả quan hơn như: Uttar Pradesh, Madhya Pradesh, Gujarat hay Haryana. Tình hình khan hiếm vaccine cũng xuất hiện tại bang Odisha, nơi các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine vẫn đang đợi thuốc.

Cùng với đó, ngày 9/4, Bộ Y tế Indonesia thừa nhận việc triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine ngừa Covid-19 với 1 triệu liều mỗi ngày sẽ bị trì hoãn so với mục tiêu ban đầu do khó khăn về nguồn cung.

Ban đầu Bộ Y tế Indonesia lạc quan có thể đạt được mục tiêu trên vào tháng 6-7 tới. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này đã được lùi đến tháng 7-8 trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu vaccine của một số quốc gia khiến lịch trình cung ứng cho Indonesia bị trì hoãn.

Indonesia đã lỡ kế hoạch nhận khoảng 10 triệu liều vaccine của Hãng AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX trong tháng Ba và tháng Tư. Theo đó, quốc gia này sẽ chỉ nhận được 1,3-1,4 triệu liều trong tổng số 11,7 triệu liều vaccine của AstraZeneca từ cơ chế COVAX.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cũng cho biết lịch trình cung ứng 104 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho nước này đang trở nên không chắc chắn do lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này của một số quốc gia. Để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Hãng AstraZeneca, Indonesia đang đàm phán với Chính phủ Trung Quốc để Bắc Kinh cung cấp thêm khoảng 100 triệu liều vaccine cho Jakarta.

Thiếu hụt thuốc điều trị

Tại Canada, các bác sĩ ở Ontario (tỉnh đông dân nhất Canada) được khuyến nghị sử dụng hạn chế thuốc chống viêm tocilizumab - một trong hai loại thuốc được biết đến ở thời điểm này giúp giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 thể nặng.

Đây được xem là dấu hiệu cảnh báo rằng, các tỉnh khác của Canada cũng sẽ gặp phải vấn đề tương tự, nếu làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và quốc gia Bắc Mỹ này không có thêm nguồn cung thuốc thiết yếu điều trị Covid-19.

Tình trạng thiếu thuốc tocilizumab chỉ là một trong những thách thức mà các bệnh viện tại Canada phải đối mặt khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó.

Được bán dưới thương hiệu Actemra, tocilizumab là một kháng thể đơn dòng, ngăn chặn hoạt động của interleukin-6, một loại protein giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Trong một năm qua, các bác sĩ đã thử nghiệm hàng chục loại thuốc hiện có để điều trị các ca nhiễm Covid-19, nhưng chỉ có corticosteroid và tocilizumab qua các thử nghiệm lâm sàng cho thấy đủ công dụng để kê đơn cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở thể bình thường và thể nặng.

Hoffman-LaRoche Ltd. - công ty sản xuất tocilizumab - đang chật vật đáp ứng nhu cầu tăng đột biến trên toàn thế giới khi dịch Covid-19 lây lan rất nhanh với sự xuất hiện của các biến thể mới.

Vào cuối tháng 2/2021, Bộ Y tế Canada đã đưa tocilizumab vào danh sách thiếu hụt “cấp độ 3” - biểu thị sự thiếu hụt có nguy cơ tác động mạnh nhất đến hệ thống chăm sóc sức khỏe.

COVAX vẫn tiếp tục lan tỏa

Theo Liên minh vaccine toàn cầu GAVI và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 8/4, cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX đã phân phối gần 38,4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tới hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi cơ chế này bắt đầu tiến hành hoạt động cung cấp vaccine hồi tháng Hai.

Tuyên bố của WHO và Liên minh vaccine GAVI cho biết, bất chấp nguồn cung vaccine có sẵn bị giảm trong tháng Ba, tháng Tư và nhu cầu về vaccine ở Ấn Độ tăng cao, dự kiến trong khuôn khổ COVAX, các liều vaccine sẽ được phân phối tới tất cả các nền kinh tế có yêu cầu cung cấp vaccine trong sáu tháng đầu năm 2021.

Theo dự báo mới nhất về nguồn cung, COVAX dự kiến phân phối ít nhất 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2021.

Liên minh GAVI và WHO sẽ đa dạng hóa vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh chương trình COVAX do hai cơ quan này thúc đẩy, dựa chủ yếu vào các vaccine của AstraZeneca và Pfizer&BioNTech.

Cùng ngày, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Phi, John Nkengasong, cho biết Liên minh châu Phi (AU) đã từ bỏ kế hoạch mua vaccine ngừa Covid-19 do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất và đang nghiên cứu các lựa chọn khác với vaccine của Hãng Johnson&Johnson.

Phát biểu với báo giới, ông Nkengasong cho biết Viện Serum sẽ vẫn cung cấp vaccine AstraZeneca cho châu Phi theo cơ chế COVAX. Tuy nhiên, AU sẽ tìm nguồn cung bổ sung từ Hãng dược phẩm Johnson&Johnson.

AU đưa ra tuyên bố trên sau khi Cơ quan dược phẩm Anh và Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) ngày 7/4 công bố báo cáo về vaccine của AstraZeneca, theo đó khẳng định lợi ích từ vaccine AstraZeneca đối với đa số mọi người lớn hơn nhiều so với các nguy cơ.

Ngày 9/4, giới chức bang Colorado, Mỹ phải đóng cửa sớm một điểm tiêm chủng vì 13 người bị buồn nôn, chóng mặt sau khi tiêm vaccine một liều Johnson & Johnson. Tuy nhiên, theo Cơ quan y tế Colorado, tác dụng phụ này “phù hợp với những gì có thể được dự đoán” đối với loại vaccine một liều tiêm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến chống Covid-19: Khó khăn vì thiếu thuốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO