Dịch cúm gia cầm đã lan đến những nơi mới trên toàn cầu và lần đầu tiên trở thành dịch bệnh đặc hữu ở một số loài chim hoang dã truyền virus sang gia cầm. Dịch bệnh đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với nguồn cung cấp thịt toàn cầu.
Bùng phát dịch trên diện rộng
Theo hơn 20 chuyên gia và nông dân ở 4 châu lục mà Reuters đã làm việc, các đợt bùng phát vẫn tiếp diễn ở các trang trại gia cầm, làm gia tăng các mối đe dọa đối với nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, dịch bệnh diễn biến quanh năm nên bà con nông dân cần phải chủ động phòng, chống ở mọi thời điểm.
Kể từ khi một chủng virus cúm gia cầm xuất hiện tại Mỹ vào đầu năm 2022, sự bùng phát của virus đã tiếp tục ở Bắc và Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi, không hề bị ngắt quãng bởi cái nóng của mùa hè hay những đợt lạnh giá mùa đông. Tổng số chim chết ở Mỹ năm 2022 lên tới 58 triệu con.
Theo các chuyên gia, các loài chim hoang dã là tác nhân chính trong việc lây lan virus. Tại Mỹ, Rose Acre Farms - nhà sản xuất trứng lớn thứ hai của Mỹ - đã mất khoảng 1,5 triệu con gà mái tại một cơ sở sản xuất ở Guthrie County, Iowa vào năm ngoái, Giám đốc điều hành Marcus Rust cho biết.
Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản là các quốc gia bị thiệt hại kỷ lục về gia cầm trong năm qua do dịch cúm gia cầm hoành hành. "Cúm gia cầm đang xảy ra ở cả một trang trại gia cầm mới với thiết bị hiện đại và không có cửa sổ, vì vậy tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cầu xin Chúa ngăn chặn dịch bệnh bùng phát" – ông Shigeo Inaba, một nông dân chăn nuôi gà ở quận Ibaraki gần Tokyo nói trong cảm giác bất lực.
Gia cầm ở Bắc bán cầu trước đây được coi là có nguy cơ mắc bệnh cao nhất khi các loài chim hoang dã di cư mạnh trong mùa xuân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, mức độ virus tăng cao ở nhiều loại chim nước và các loài chim hoang dã khác có nghĩa là gia cầm có thể lây bệnh cúm ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào. "Đây là một cuộc chiến mới và nó kéo dài quanh năm" – ông Bret Marsh, bác sĩ thú y ở bang Indiana, Mỹ - cho biết.
Tiêm vaccine chỉ có thể làm giảm mà không loại bỏ được mối đe dọa từ virus, khiến việc phát hiện virus trong đàn gia cầm trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Mexico và EU nằm trong số những quốc gia tiến hành tiêm chủng hoặc cân nhắc tiêm phòng.
Ông Gregorio Torres - người đứng đầu bộ phận khoa học của Tổ chức Thú y thế giới, một nhóm liên chính phủ và toàn cầu - cho biết, sự lây lan virus từ các loài chim hoang dã ngày càng rộng hơn bao giờ hết, có khả năng mang theo lượng virus khổng lồ. Theo ông Gregorio Torres, loại virus này đã thay đổi từ những đợt bùng phát trước đó trở thành một dạng có khả năng lây truyền cao hơn. “Dịch bệnh này sẽ tồn tại ít nhất trong thời gian ngắn” – ông Torres nói.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, dù virus có thể lây nhiễm sang người, thường là những người tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh, nhưng nguy cơ đối với con người là rất thấp.
Nguy cơ khan nguồn cung thực phẩm
Giá trứng lập kỷ lục sau khi dịch bệnh giết chết hàng chục triệu con gà mái vào năm ngoái tại châu Âu và Mỹ, khiến một số nước nghèo không thể tiếp cận được nguồn protein giá rẻ. Giờ đây, dịch bệnh này đang có những dấu hiệu sớm lan rộng ở Nam Mỹ, và nguồn cung cấp thịt gà toàn cầu đối diện với những nguy cơ khan hiếm.
Các trường hợp cũng đã xuất hiện ở các quốc gia như Ecuador, Colombia và Bolivia. Tuần qua, virus cũng được phát hiện trên các loài chim hoang dã ở Argentina. Đáng báo động hơn, ngày 16/2, Uruguay đã báo cáo trường hợp cúm gia cầm đầu tiên. Thực tế đáng báo động này cho thấy, dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh mẽ và có thể sẽ lan đến gần Brazil - nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới.
Mặc dù Brazil vẫn chưa xuất hiện dịch cúm nhưng nếu một đợt bùng phát lớn xảy ra ở nước này có thể sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với nguồn cung cấp thịt gia cầm toàn cầu. Thực tế là ngay cả khi lạm phát thực phẩm đã được kiểm soát trong những tháng gần đây, thì giá trứng vẫn tăng mạnh vì cúm gia cầm.
Thịt gà cũng sẽ theo xu hướng trên nếu dịch cúm ảnh hưởng đến đàn gia cầm ở Brazil, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Xuất khẩu thịt gà từ quốc gia Nam Mỹ này đã tăng kỷ lục khi họ phải lấp khoảng trống nguồn cung do các nhà sản xuất khác bị ảnh hưởng bởi dịch cúm.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Favaro, dịch cúm gia cầm được phát hiện ở Uruguay là vụ việc gần nhất với Brazil được báo cáo cho đến nay. Ông Favaro cho biết: “Brazil vẫn chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào, nhưng đợt bùng phát mới nhất chỉ cách biên giới Brazil-Uruguay 180 km, đang khiến chúng tôi phải cảnh giác cao hơn”. Ông Favaro cũng cho biết, quốc gia này đang đẩy mạnh các nỗ lực giám sát và củng cố an ninh tại các biên giới.
Nguy cơ lây truyền cúm gia cầm ở Nam Mỹ hiện đang ở mức cao nhất theo mùa và sẽ duy trì mức độ này cho đến tháng 5 do các đàn chim di cư. Tập đoàn xuất khẩu thịt gà của Brazil ABPA cho biết, họ đang theo dõi tình hình sau vụ việc ở Uruguay. Các biện pháp an toàn sinh học đã được đẩy mạnh. Các chuyến thăm tới các trang trại và cơ sở sản xuất đều bị cấm.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, hơn 100 triệu con gia cầm đã chết hoặc bị tiêu hủy do cúm gia cầm từ đầu tháng 10/2022 đến ngày 3/2/2023. Con số này cao hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ mùa trước, mùa kết thúc với thiệt hại kỷ lục vì dịch bệnh. Gà đẻ trứng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong cửa hàng tạp hóa và siết chặt chi tiêu.
Một số chuyên gia nghi ngờ biến đổi khí hậu có thể góp phần vào sự lây lan toàn cầu bằng cách thay đổi môi trường sống và đường di cư của các loài chim hoang dã. Ông Carol Cardona - một chuyên gia về cúm gia cầm và là giáo sư tại Đại học Minnesota - cho biết: “Động lực học của các loài chim hoang dã đã thay đổi và điều đó cho phép các loại virus sống trong chúng cũng thay đổi theo”.