Cuộc chiến dầu mỏ trong thời điểm căng thẳng

THẾ TUẤN 16/10/2022 06:00

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+, gồm 23 thành viên) hiện đang khai thác hơn 50% tổng sản lượng dầu mỏ thế giới và nắm giữ khoảng 75% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Vì thế việc họ thống nhất cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 11 tới đã gây ra cơn “địa chấn”. Đây là đợt cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất của OPEC+ kể từ tháng 4/2020.

Quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày của OPEC+ được đưa ra tại cuộc họp ở Vienna (Áo) mới đây được cho là có thể làm suy yếu kế hoạch của nhóm các cường quốc công nghiệp G7 và EU nhằm áp trần giá dầu của Nga trên thị trường toàn cầu, một phần quan trọng trong cuộc chiến kinh tế của phương Tây với Matxcơva.

Cách đây 3 tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công du Saudi Arabia - quốc gia được cho là “thủ lĩnh không chính thức” của OPEC+, trong một nỗ lực thuyết phục nước này tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu, giúp Mỹ và đồng minh phương Tây chống lạm phát.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, Reuters cho biết, bất chấp sự hối thúc của Mỹ, nhưng Saudi Arabi cũng như OPEC+ vẫn quyết định giảm sản lượng. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz Bin Salman, nói rằng quyết định hạn chế nguồn cung sẽ được duy trì cho đến hết năm 2023, trừ khi thị trường thay đổi.

Năm 2022 đã chứng kiến sự “nhảy múa” liên tục của của giá dầu, cùng với đó là sự khan hiếm năng lượng (xăng dầu, khí đốt) của Mỹ và các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU) với 27 quốc gia thành viên. Ngày 7/3, giá dầu vọt lên gần 140 USD/thùng - mức giá lịch sử. Sau đó, nó duy trì ở mức trên 100 USD/thùng. Kể từ giữa tháng 7 tới nay, giá dầu giảm dần, khoảng 32% so với đỉnh điểm. Có thời điểm trong tháng 9, giá dầu chuẩn quốc tế Brent lần đầu tiên giảm xuống dưới 83 USD/thùng. Hiện giá dầu Brent ở London ở khoảng 93,37 USD/thùng.

Chính vì thế, OPEC+ quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày để “giữ giá” và “chỉ là phản ứng kỹ thuật trước triển vọng u ám của nền kinh tế toàn cầu”.

Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), ông Suhail al-Mazroui, cho biết “quyết định giảm sản lượng chỉ mang tính kỹ thuật, không phải chính trị”, mối lo ngại về suy thoái toàn cầu là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này. Còn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên dầu mỏ Nigeria, ông Timipre Sylva, cho biết: “OPEC+ muốn giá dầu duy trì ở mức khoảng 90 USD. Tất cả chúng ta sẽ bất ổn nếu giá dầu thô giảm xuống dưới mức đó”.

Động thái này của OPEC+ lập tức nhận được sự phản ứng gay gắt của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhà Trắng đã phải gấp rút lên kế hoạch mở tiếp một điểm dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ ở bang Texas nhằm cung cấp thêm cho thị trường 10 triệu thùng dầu ngay trong tháng 11 tới. Trước đó, vào tháng 3/2022, ông Biden đã quyết định xuất bán 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ nguồn dự trữ chiến lược, trong vòng 6 tháng, để chống lại giá khí đốt cao kỷ lục, lạm phát tăng và tình trạng gián đoạn thị trường. Thời hạn giải phóng khoảng 180 triệu thùng dầu của Mỹ dự kiến kết thúc vào ngày 31/10 này.

Như vậy, việc kể từ tháng 11 Mỹ đưa ra thị trường 10 triệu thùng dầu là lần thứ 2 Nhà Trắng mở kho dầu dự trữ chiến lược. Lần trước là để đối phó với sự leo thang của giá dầu. Còn lần này là đối phó với quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày của OPEC+.

Trong một tuyên bố chung mới đây, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng, Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, Brian Deese cho biết Tổng thống Joe Biden “thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+” nhằm cắt giảm hạn ngạch sản xuất trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tình trạng tiêu cực kéo dài. Tuyên bố cho rằng các nước có thu nhập thấp và trung bình trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nguồn cung dầu trên thị trường giảm.

Trong khi đó, phát biểu với kênh truyền hình, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC+ “là cần thiết để cân bằng thị trường” và Nga sẽ không bán dầu cho các quốc gia áp dụng giới hạn giá. Còn người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả, quyết định cắt giảm sản lượng là một công việc đã được tính toán kỹ lưỡng và đầy trách nhiệm.

2 triệu thùng dầu chiếm khoảng 2% sản lượng dầu hàng ngày của thế giới. Như vậy, OPEC+ đã cắt giảm mục tiêu sản lượng dầu thô từ 43,8 triệu thùng/ngày xuống còn 41,8 triệu thùng/ngày.

Cho dù phía Mỹ và OPEC+ đưa ra những quan điểm khác nhau, tuy nhiên các nhà phân tích thị trường quốc tế cho rằng đây là “thời điểm bất thường” cho việc cắt giảm sản lượng dầu. Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng chậm lại, nhưng nhu cầu dầu mỏ vẫn rất cao. Dự trữ dầu thương mại tại các quốc gia công nghiệp phát triển đã giảm 148 triệu thùng so với một năm trước và thấp hơn 279 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm gần nhất.

Giới quan sát cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng mà OPEC+ đưa ra ở Vienna mới đây và sẽ áp dụng ngay từ đầu tháng 11 tới có thể hích giá dầu hồi phục sau khi giảm về vùng 90 USD/thùng. Còn theo Quyền Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Mohammed al-Fares, OPEC+ hiểu mối quan tâm của người tiêu dùng về giá cả tăng vọt, tuy nhiên mối quan tâm chính của tổ chức này là “duy trì sự cân bằng giữa cung và cầu”. Đối lại, Carole Nakhle - người đứng đầu Công ty tư vấn Crystol Energy cho rằng “thị trường luôn tự cân bằng, đó là điều cơ bản của sự tương tác giữa cung và cầu”. Còn nhà phân tích năng lượng Clyde Russell nói: “OPEC+ có lẽ cảm thấy rằng nền kinh tế thế giới khó có thể tránh được suy thoái, nên đã “bảo vệ mình” trước”. Phó Chủ tịch Jorge Leon của Rystad Energy thì nói rằng: “Chúng tôi tin tác động đến giá dầu trước quyết định mà OPEC+ đã công bố sẽ rất đáng kể. Đây sẽ là một canh bạc đắt đỏ của tổ chức này”.

Ông Ole Hansen từ Ngân hàng Saxo thì bày tỏ hoài nghi khi cho rằng giá dầu mỏ bật tăng sau quyết định của OPEC+ là khó tránh khỏi, từ đó nó khiến cho những nhận định về thời điểm thoát khỏi lạm phát hay là tránh khỏi suy thoái “sẽ trở nên mơ hồ hơn”.

Tham gia vào “cuộc chiến dầu mỏ”, các chuyên gia tài chính cho rằng các nước vùng Vịnh đã từng nhiều lần được hưởng lợi nhờ các cơn bùng nổ dầu mỏ tương tự vào thập niên 1970 và 1980, và sau đó là một đợt bùng nổ khác vào đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, “thế giới đang thay đổi” với việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Ngày 12/10, Karen Young - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ), nói với CNN: “Đây chắc chắn là điểm khởi đầu cho sự kết thúc thịnh vượng bền vững nhờ dầu mỏ của các nước vùng Vịnh nói riêng và OPEC+ nói chung. Đó sẽ là một sự thay đổi lớn trong cấu trúc đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu”.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nhà xuất khẩu năng lượng Trung Đông dự kiến thu về 1.300 tỉ USD doanh thu từ dầu mỏ trong vòng 4 năm, nhờ cơn sốt dầu mỏ. Nhưng điều đó sẽ không tồn tại “như một điều tất nhiên”. Trong khi đó, các nước Vùng Vịnh lại phản đối quan điểm cho rằng nhiên liệu hóa thạch có thể bị loại bỏ dần và sẽ không còn là nguồn năng lượng chính khi các quốc gia chuyển sang các nguồn năng lượng sạch thay thế. Họ tin rằng dầu mỏ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Sultan Al Jaber - đặc phái viên về biến đổi khí hậu của UAE, nói: “Các chính sách nhằm thoát ra khỏi nhiên liệu hóa thạch quá sớm mà không có các giải pháp thay thế khả thi sẽ tự chuốc lấy thất bại. Chúng sẽ làm suy yếu an ninh năng lượng, xói mòn sự ổn định kinh tế và khiến thu nhập từ dầu không còn nhiều để đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng”.

Cuộc chiến dầu mỏ lần này bùng phát đúng vào thời điểm kinh tế toàn cầu căng thẳng. Tuy nhiên, việc làm “giảm nhiệt” nó là hết sức khó khăn.

10 QUỐC GIA CÓ TRỮ LƯỢNG DẦU HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

1.Venezuela: Trữ lượng 303 tỉ thùng, chiếm khoảng 18% tổng trữ lượng toàn cầu. Xăng dầu chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này.

2.Ả Rập Xê-út: 267,9 tỉ thùng. Công ty Standard Oil của Mỹ là công ty đầu tiên khai thác dầu ở Ả Rập Xê-út vào năm 1933. Đây là công ty có lợi nhuận cao nhất trên thế giới và là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

3.Canada: 167 tỉ thùng, tập trung phần lớn ở tỉnh Alberta, nơi có những đầm lầy lớn.

4.Iran: 155 tỉ thùng. Đây là số liệu mới kể từ năm 2019 khi nước này cho biết đã tìm thấy thêm trữ lượng khoảng 53 tỉ thùng dầu thô ở tỉnh Khuzestan.

5.Iraq: 145 tỉ thùng.

6.Kuwait: 101 tỉ thùng. Dầu mỏ cùng với khí đốt chiếm khoảng 92% doanh thu xuất khẩu của nước này. Việc khoan dầu bắt đầu được thực hiện ở nước này vào năm 1938, và xuất khẩu thương mại vào năm 1946.

7.Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất: 97 tỉ thùng. Trước khi dầu mỏ được phát hiện ở đất nước này vào những năm 1950, đánh bắt cá và bán ngọc trai mang lại thu nhập chính cho người dân và quốc gia.

8.Nga: 80 tỉ thùng, chiếm khoảng 11% tổng lượng dầu được sản xuất trên thế giới. Hầu hết dầu mỏ của Nga nằm trong các cánh đồng ở tây Siberia

9.Libya: 48 tỉ thùng, là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi.

10.Hoa Kỳ: 47 tỉ thùng. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ, 45% lượng xăng dầu tiêu thụ ở Hoa Kỳ được sử dụng làm xăng cho ô tô, 20% được sử dụng để sưởi ấm và làm nhiên liệu diesel, và khoảng 8% được sử dụng để cung cấp năng lượng cho động cơ phản lực. Texas, Bắc Dakota và New Mexico là những địa điểm sản xuất xăng dầu lớn nhất Hoa Kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến dầu mỏ trong thời điểm căng thẳng