Chính sách áp thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến nhiều nền kinh tế gặp khó và đáng nói là bản thân nước Mỹ cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Động thái đến từ Trung Quốc và EU
Tương tự như nhiều quốc gia, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang đối mặt với thách thức lớn từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Mặc dù Washington tạm hoãn áp dụng 90 ngày (kể từ ngày 9/4) để đàm phán, nhưng phần thuế cơ bản 10% vẫn đang áp dụng và kết quả đàm phán sau cùng được cho là khó khả quan.
Ngày 27/4, truyền thông Mỹ đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho rằng cuộc đối đầu thuế quan với Trung Quốc là “không thể kéo dài”. Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá ông Trump dường như đã dịu giọng về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi phát biểu tại Phòng Bầu dục rằng mức thuế cao 145% áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể “sẽ giảm đáng kể” sau khi các cuộc đàm phán thương mại hai bên kết thúc.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn cho biết, Bắc Kinh chưa tổ chức tham vấn hay đàm phán với Mỹ về vấn đề liên quan đến thuế quan, đồng thời nhấn mạnh quan điểm rằng chỉ tìm kiếm đối thoại và đàm phán dựa trên bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Ở một diễn biến khác, đại diện của Liên minh châu Âu (EU) nói với tờ The Wall Street Journal rằng khối này sẽ không từ bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) hay các khoản trợ cấp nông nghiệp mà các quốc gia thành viên đang dành cho nông dân. Theo tờ El Pais (Tây Ban Nha), ông Trump gây sức ép lên EU để đáp trả VAT - loại thuế được áp dụng cho tất cả các sản phẩm và bị Washington xem là một rào cản phi thuế quan. Ông Trump cũng từng phàn nàn rằng EU đã lạm dụng nước Mỹ suốt nhiều năm “và họ không thể tiếp tục làm vậy nữa".
NBC News bình luận, phản ứng từ Trung Quốc và EU có thể xuất phát từ cảm nhận rằng họ đang nắm trong tay đòn bẩy, mặc dù thị trường đã rung lắc trong nhiều tuần, nhưng việc "dịu giọng" gần đây của Nhà Trắng dường như cho thấy nguy cơ thiếu hụt hàng hóa trên các kệ hàng bán lẻ tại Mỹ. Còn theo ông Paul Donovan - chuyên gia kinh tế của UBS Global Wealth Management, tình trạng bất ổn đến từ chính sách thuế đối ứng của Nhà Trắng có thể không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô mà còn là các quyết định tiêu dùng và đầu tư.
Nước Mỹ cũng đối mặt với khó khăn
Với chính sách thuế đối ứng, dù là nắm thế chủ động, nhưng kinh tế Mỹ cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Vì thế, câu hỏi đặt ra là: Vậy phía Mỹ có chủ động “hạ nhiệt”cuộc chiến thuế quan?
Theo tờ The New York Times, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn tiếp đà đi xuống trong bối cảnh chính sách thuế quan đang gây nhiều xáo trộn. Một đợt bán tháo diễn ra trên thị trường trái phiếu lớn nhất kể từ năm 1987. Tới nay, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng hơn 2,5%, cao hơn mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (FED) đề ra. Theo dữ liệu do FED New York công bố, người tiêu dùng Mỹ có thể đối mặt với lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn ngay trong năm nay và có thể cả 4 năm tới.
Một động thái rất đáng chú ý nữa là mới đây liên minh gồm 12 tiểu bang đã kiện Nhà Trắng về chính sách thuế khi cho rằng Tổng thống không thể áp dụng thuế quan nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội. Liên minh này cho rằng các mức thuế sẽ là một khoản tiền lớn đánh vào người tiêu dùng Mỹ. Người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Arizona, bà Kris Mayes, nhấn mạnh kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.
Tương tự, FED cũng lên tiếng cảnh báo các yếu tố bất ổn đe dọa kinh tế Mỹ trên quy mô cả nước. Theo Wall Street Journal, chính sách thương mại đầy tham vọng của ông Trump đang làm dấy lên những mối lo ngại về một "cuộc chiến tài chính" nguy hiểm hơn nhiều so với một cuộc chiến thương mại đơn thuần.
Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng của GlobalData bày tỏ quan ngại chính sách thương mại của ông Trump cũng đe dọa làm tăng chi phí đi vay của Mỹ, làm suy yếu vị thế thống trị tài chính lâu đời của Washington, vốn đã thu hút hàng nghìn tỷ USD tiền nước ngoài vào nước này trong nhiều năm qua. Trong khi đó, Steven Kamin - cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của FED, nhận định: "Hành vi của các nhà đầu tư đã thay đổi. Thông thường, họ sẽ mua USD trong thời kỳ khủng hoảng này, nhưng thay vào đó, họ lại bán USD. Điều này cho thấy có thể các nhà đầu tư đang trở nên “ngờ vực” về tính an toàn của kinh tế Mỹ đến từ chính sách thuế đối ứng.
Còn theo TS Ingo Mainert - Giám đốc đầu tư đa tài sản tại bộ phận quản lý tài sản của Allianz, nền kinh tế Mỹ chịu tác động xấu từ chính sách thuế quan mới sẽ kéo dài khi các đối tác thương mại trên phạm vi toàn cầu tăng cường các biện pháp ứng phó.
Sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính Anh, bà Rachel Reeves, cho biết, hai bên không thống nhất được quan điểm khi phía Mỹ đưa ra những yêu cầu mới. Thực tế thì ngay từ đầu tháng 4, Anh đã tích cực đàm phán với Mỹ, hy vọng Washington sẽ giảm nhẹ các mức thuế áp dụng đối với London, bao gồm mức thuế cơ sở 10% đối với tất cả các loại hàng hóa cùng mức thuế 25% đối với ô tô và thép của Anh. Nhưng những cuộc đàm phán vẫn chưa đem lại kết quả vì Washington đang yêu cầu London cắt giảm mức thuế 10% đối với ô tô Mỹ xuống còn 2,5%.