Cơn khát vàng đã khiến hàng chục ngàn thợ tràn đến dọc theo 2 con sông Urairicoera và Mucajai của khu rừng rậm Amazon để khai thác và tìm kiếm. Những cuộc xung đột đổ máu giữa bộ lạc thổ dân lớn nhất Brazil Yanomami với những người thợ đào vàng đang là “chuyện cơm bữa” dưới tán rừng già.
Mờ mắt vì vàng
Yanomami là một bộ lạc bản địa với các tên gọi khác nhau như Yanamamo, Yanomam và Sanuma được tạo thành từ 4 nhánh của người có nguồn gốc Ấn Độ sống trong rừng mưa nhiệt đới ở Nam Venezuela và Bắc Brazil. Mỗi nhánh có một ngôn ngữ riêng, bao gồm Sanema sống ở khu vực phía Bắc, Ninam sống ở khu vực phía Nam, Yanoman sống ở Đông Nam và Yanomamo sống ở Tây Nam của khu vực Yanomami.
Được đánh giá là bộ tộc sống tương đối biệt lập lớn nhất vùng Amazon, với dân số ước tính khoảng 35.000, theo số liệu của nhóm vận động Survival International. Người Yanomami sống phụ thuộc vào rừng mưa. Họ sử dụng cách thức làm vườn chặt cây và đốt, trồng chuối, hái lượm, săn động vật và bắt cá.
Thế nhưng cuộc sống yên bình của bộ lạc này chỉ còn là quá khứ. Đầu thập niên vừa qua, cơn thèm khát vàng đã khiến nhiều người khai mỏ đến khu vực này để thăm dò và khai thác. Họ phá rừng, làm nước sông bị nhiễm độc và gây ra những căn bệnh hiểm nghèo cho dân cư của bộ lạc này.
Các quan chức địa phương ước tính hiện có hơn 20.000 người khai thác bất hợp pháp trong khu vực người Yanomami sinh sống. Theo quan sát ảnh vệ tinh của khu bảo tồn Yanomami, hoạt động khai thác bất hợp pháp đã tăng gấp 20 lần trong 5 năm qua, chủ yếu dọc theo 2 con sông, Urairicoera và Mucajai.
Vàng đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu lớn ở bang Roraima, phía Bắc Brazil, theo dữ liệu của Chính phủ. Phần lớn vàng được xuất khẩu sang Ấn Độ. Thống kê chính thức cho thấy 486 kg vàng đã được xuất khẩu từ Roraima sang Ấn Độ vào năm 2019, tăng từ 38 kg vào năm 2018.
Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng năm 2018 cho biết tại một số ngôi làng trong bộ lạc Yanomami, 92% cư dân bị ngộ độc thủy ngân, nhiều cơ quan cơ thể bị tổn thương và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ em do hoạt động khai thác vàng.
Vàng nhuốm máu
Những kẻ khai thác vàng bất hợp pháp, thường được người bản địa gọi là “garimpeiro”. Các garimpeiro này liên tục xung đột với bộ lạc Yanomami để chiếm những khu đất có vàng. Năm 2012, ít nhất 80 người của bộ lạc Yanomami tại Venezuela gần biên giới Brazil đã bị một nhóm thợ đào vàng tàn sát dã man, chỉ có 3 người sống sót sau cuộc tấn công.
Theo các nhân chứng cho biết những người đào vàng đã đốt cháy một ngôi đền sau khi bộ lạc Yanomami phàn nàn đất đai của họ đang bị xâm lấn. Do sinh sống ở một nơi hẻo lánh và hiểm trở, những người sống sót của bộ lạc phải mất nhiều ngày đi bộ mới tới được cơ quan chức năng gần nhất để báo tin - những nhà hoạt động tổ chức quốc tế Survival cho biết.
Những người đào vàng cũng phải trả một cái giá đắt. Hồi năm ngoái, các quan chức Brazil cho biết các thành viên của một bộ lạc bản địa sinh sống ở rừng mưa Amazon đã bắn chết 6 thợ mỏ đào vàng bằng cung tên. Một phát ngôn viên cảnh sát bang Roraima cho biết “nguyên nhân xung đột được làm rõ là vì vàng”
“Chúng ta biết rõ động cơ của xung đột của họ bởi những người dân bộ lạc đến từ ngôi làng nơi xảy ra vụ bắn giết nói với chúng tôi. Họ căm phẫn những người đào vàng”- ông Junior Hekuari, Chủ tịch Hiệp hội Yanomami nói.
Trước những sự việc này, bộ lạc Yanomami đã kêu gọi chính phủ các nước như Brazil, Venezuela trục xuất những người khai thác vàng. Quân đội Brazil cũng đã nỗ lực ngăn chặn các hành động xâm nhập vào khu vực bản địa bất hợp pháp, nhưng những người này quay trở lại ngay khi những người lính rời đi.
“Tình hình không hề được cải thiện”- một nhà lập pháp môi trường nói với Hãng tin Reuters. Các hình ảnh vệ tinh được chụp trong giai đoạn 2015-2016 tại khu vực này cho thấy những nơi là mỏ vàng và đá ngọc lam đã tăng từ ít nhất 10 địa điểm lên tới 207 địa điểm. Diện tích các vùng đất bị khai thác tăng gấp 32 lần.
“Cuộc chiến dưới tán rừng già sẽ khốc liệt hơn nếu chính phủ các nước liên quan đến khu vực không đồng lòng và quyết tâm bảo vệ môi trường sống của họ” - bà Fiona Watson, Giám đốc vận động của Survival International, người gắn bó với bộ lạc này trong ba thập kỷ khẳng định.