Cuộc chiến với tin giả giữa mùa dịch: Cần biện pháp cứng rắn

Minh Thư 26/07/2021 16:59

Hàng loạt tin giả về dịch Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần có các biện pháp cứng rắn hơn nữa, đẩy mạnh việc xử lý tình trạng trên.

Tin giả giữa mùa dịch gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong khi cả nước đang nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, vẫn có không ít người lợi dụng dịch bệnh, cố tình đưa tin sai sự thật, gây hoang mang, lo sợ cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định xã hội.

Mặc dù các cấp chính quyền đã tích cực phối hợp chặt chẽ, cương quyết xử lý các trường hợp tung tin giả, tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

"Ma trận" tin giả trên mạng xã hội

Mới đây, ngày 25/7, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Sở TT&TT, Công an huyện Long Hồ và Công an xã Lộc Hoà (huyện Long Hồ) đã triệu tập bà L.K.L. (32 tuổi, ngụ ấp An Hiệp, xã Lộc Hoà, huyện Long Hồ) lên làm việc.

Theo xác minh, bà L. dùng tài khoản Facebook “TanDat Cao” đăng video clip từ nước ngoài có nội dung tuyên truyền xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam. Ngoài ra, người này còn đăng bài viết về “phương pháp chữa bệnh Covid-19 tại nhà”.

Qua xác minh, lực lượng chức năng nhận thấy, những bài đăng trên chưa có căn cứ khoa học hay sự xác nhận của cơ quan chuyên môn, gây hoang mang trong dư luận xã hội và sự chủ quan cho nhân dân.

Vì vậy, cơ quan chức năng huyện Long Hồ đã triệu tập bà L. lên làm việc và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây là một trong số hàng trăm trường hợp đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, khiến dư luận hoang mang.

Thông tin sai sự thật về Covid-19.

Trước đó, đầu tháng 7/2021, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin về một đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế, cung cấp thông tin về một nghiên cứu từ Singapore, cho rằng Covid-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người.

Cũng theo bài đăng này, đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do Covid-19.

Ngày 15/7, Bộ Y tế đã phải lên tiếng khẳng định đây là thông tin sai sự thật và Bộ này không đưa ra thông tin và khuyến cáo như vậy.

Chỉ sau đó vài ngày, mạng xã hội lại xôn xao khi những hình ảnh với nội dung thi thể của bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM nhận được lượt chia sẻ, tương tác không hề nhỏ.

Để tránh gây hoang mang cho người dân, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, Bộ TT&TT đã vào cuộc, xác minh vụ việc.

Kết quả cho thấy, những bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar chứ không phải tại bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM như bài đăng trên mạng xã hội.

Chia sẻ với báo chí, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP HCM cho biết, trong những ngày gần đây, một số đối tượng lợi dụng không gian mạng để tung tin xuyên tạc, kích động gây chia rẽ chính quyền nhân dân, xuyên tạc vô căn cứ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng uy tín TP HCM và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP.

Xử phạt nghiêm các hành vi tung tin giả gây hoang mang dư luận

 Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết, theo nội dung Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 23/7/2021 của Bộ TT&TT thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng, có thể thấy, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch có dấu hiệu gia tăng; tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP HCM và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương; nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.

Việc xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã và đang làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

Vì vậy, các cơ quan chức năng, đơn vị có thẩm quyền cần phải tăng cường việc thanh tra, xử phạt các hành vi vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật, ổn định trật tự an toàn xã hội tại các địa phương, không làm ảnh hưởng và gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Việc các cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến với tin giả giữa mùa dịch: Cần biện pháp cứng rắn