Cuộc đời Edmonia Lewis: Nữ nghệ sĩ thay đổi nghệ thuật nhân loại mãi mãi

Mai Nguyễn (Theo Grunge) 13/06/2022 12:51

Qua nhiều thế kỷ, một người phụ nữ đã phá vỡ những kỳ vọng khuôn mẫu về cả giới tính và chủng tộc trong nền nghệ thuật thế giới giữa thời điểm mà nước Mỹ đang có rất nhiều xung đột với chính mình. Tên cô ấy là Edmonia Lewis.

Qua nhiều thế kỷ, nền nghệ thuật thế giới đã chứng kiến ​sự ra đời của ​nhiều nhà điêu khắc mang tính biểu tượng. Từ Michelangelo đến Picasso, Donatello đến Rodin, những nghệ sĩ này đã tạo ra một số tác phẩm cầu kỳ, phức tạp đáng kinh ngạc, chưa từng thấy. Một số tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất thế giới bao gồm bức tượng "David" của Michelangelo, "The Thinker" của Rodin, "Nike" của Samothrace và "Venus de Milo". Ngoài vẻ đẹp không thể phủ nhận của những kiệt tác này, chúng còn được cho là đã đặt ra tiêu chuẩn cao cho những nghệ sĩ đến sau.

Chân dung nhà điêu khắc Edmonia Lewis. Ảnh: Grunge.
Chân dung nhà điêu khắc Edmonia Lewis. Ảnh: Grunge.

Một điểm chung của phần lớn nghệ sĩ lịch sử vĩ đại này là họ đều là đàn ông. Điều này không có nghĩa là chỉ có nam giới mới có thể trở thành những nghệ sĩ vĩ đại. Tuy nhiên, có vẻ như phải đến thời gian gần đây, chúng ta mới biết thêm về những nữ nghệ sĩ huyền thoại trong lịch sử.

Trong khi có rất nhiều nhà điêu khắc nữ tài năng trong suốt lịch sử, có một người đã phá vỡ những kỳ vọng khuôn mẫu về cả giới tính và chủng tộc vào thời điểm mà nước Mỹ đang có rất nhiều xung đột với chính mình. Tên cô ấy là Edmonia Lewis.

Những năm tháng đầu đời

Hình ảnh nhà điêu khắc Edmonia Lewis trên tem thư. Ảnh: Grunge.
Hình ảnh nhà điêu khắc Edmonia Lewis trên tem thư. Ảnh: Grunge.

Những năm tháng thuở ấu thơ của Edmonia Lewis phần nào đó luôn được che đậy trong bí ẩn. Ngày sinh của cô không ai nhớ rõ ràng chính xác, vì Edmonia tuyên bố đã sinh vào những năm khác nhau trong cuộc đời của mình. Một số nghiên cứu cho rằng cô đã sinh ra ở Upstate New York vào năm 1844, mặc dù ngày và tháng chính xác vẫn chưa được tiết lộ. Edmonia mang hai dòng máu vì cha cô là người Mỹ gốc Phi và mẹ cô là người Mỹ bản địa thuộc bộ tộc Ojibwa. Edmonia được cho là mồ côi từ khi còn nhỏ và đã được bộ tộc của mẹ nuôi dưỡng.

Khi trưởng thành, Edmonia theo học tại trường Cao đẳng Oberlin, và chính khi ở đó, tài năng nghệ thuật và điêu khắc của cô đã trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian của cô ở Oberlin không phải là trải nghiệm tuyệt vời nhất, vì nó gần như phải trả giá bằng mạng sống của cô. Theo Tạp chí Smithsonian, năm 1862, Lewis bị một đám đông người da trắng tấn công khi cô bị buộc tội đầu độc 2 bạn học của mình. Cô đã bị đánh đập nặng nề, nhưng đã bình phục và cuối cùng được tuyên trắng án tại phiên tòa xét xử.

Chân dung Edmonia Lewis những ngày còn trẻ. Ảnh: Grunge.
Chân dung Edmonia Lewis những ngày còn trẻ. Ảnh: Grunge.

Từ Boston đến Rome

Sau những khó khăn đầu đời, Edmonia chuyển đến Boston, nơi cô quen biết với nhà điêu khắc Edward Brackett và người theo chủ nghĩa bãi nô huyền thoại William Lloyd Garrison. Chính ở đó, cô bắt đầu thực sự bước chân vào thế giới nghệ thuật thương mại.

Không giống như những nhà điêu khắc khác thời bấy giờ, Edmonia Lewis không được đào tạo một cách bài bản. Một phần là do bản thân cô là phụ nữ và là người Mỹ gốc Phi. Trong khoảng thời gian này ở Mỹ, các nhà điêu khắc nói chung phần lớn là nam giới và da trắng. Họ chủ yếu là những người được phép tham gia các lớp học về các chủ đề như giải phẫu học. Do đó, Edmonia đã bắt đầu làm việc, và có nhà điêu khắc Edward Brackett thuộc trường Đại học Tufts làm người thầy chỉ tay.

Trưởng Đại học Tufts ở Mỹ. Ảnh: Grunge.
Trưởng Đại học Tufts ở Mỹ. Ảnh: Grunge.

Sau khi có được một chút sức hút tại Mỹ, Edmonia quyết định chuyển đến sống và làm việc tại Rome, Italy. Khi đến Rome vào năm 1866, cô kết thân với một nữ điêu khắc gia người Mỹ khác tên là Harriet Hosmer, người đã ủng hộ Edmonia trước tham vọng của cô. Thời điểm đó, cô đã tạo ra một số tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất sự nghiệp của mình.

Edmonia quyết định chuyển đến sống và làm việc tại Rome, Italy. Ảnh: Grunge.
Edmonia quyết định chuyển đến sống và làm việc tại Rome, Italy. Ảnh: Grunge.

Chủ đề và nguồn cảm hứng

Mỗi nghệ sĩ cần một chủ đề cũng như một nguồn cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm đầu tiên của Edmonia xoay quanh chân dung điêu khắc của những người theo chủ nghĩa bãi nô nổi tiếng và những người ủng hộ. Theo Tạp chí Smithsonian, cô bắt đầu bán huy chương làm bằng thạch cao và đất sét có hình ảnh của Wendell Phillips, William Lloyd Garrison và John Brown.

Thành công thực sự về tài chính và thương mại đầu tiên mà Edmonia đạt được là vào năm 1864. Cô đã tạo ra bức tượng bán thân của Đại tá Robert Shaw, người phụ trách Trung đoàn bộ binh số 54 Massachusetts trong Nội chiến.

Bức tượng điêu khắc đầu tiên của Edmonia Lewis, Đại tá Robert Shaw. Ảnh: Grunge.
Bức tượng điêu khắc đầu tiên của Edmonia Lewis, Đại tá Robert Shaw. Ảnh: Grunge.

Việc bán bức tượng bán thân là điều cho phép cô có đủ tiền để chuyển đến châu Âu. Trong sự nghiệp của mình, các tác phẩm của Edmonia thường là những bức chân dung và hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng, hoặc theo một cách nào đó được lấy cảm hứng từ di sản của cô là một phụ nữ Mỹ gốc Phi và người Mỹ bản địa.

Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất

Trong sự nghiệp của mình, Edmonia đã tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Bức tượng bán thân đầu tiên của cô về Đại tá Robert Shaw đã giúp danh tiếng được phổ biến hơn, và khi cô chuyển đến Rome, tài năng của Edmonia mới thực sự tỏa sáng. Theo Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, vào năm 1867, cô đã đúc nên một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp, với tên gọi là “Mãi mãi tự do”. Tác phẩm điêu khắc đã đánh dấu sự phê chuẩn của Tu chính án thứ 13 đối với Hiến pháp Mỹ, bãi bỏ chế độ nô lệ ở quốc gia này.

Bức tượng điêu khắc “Hagar” của Edmonia Lewis. Ảnh: Grunge.
Bức tượng điêu khắc “Hagar” của Edmonia Lewis. Ảnh: Grunge.

Theo Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian, Edmonia đã tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp khác, bao gồm “Người tạo mũi tên cũ và con gái của ông”, “Hagar trong hoang dã” và “Hiawatha” tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.

Tuy nhiên, có lẽ tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của cô chính là “Cái chết của Cleopatra”. Tác phẩm này cao hơn 1,5 mét và nặng khoảng 1.400 kg. Được chạm khắc từ đá cẩm thạch trắng, tác phẩm điêu khắc đã mô tả khoảnh khắc cái chết của Cleopatra do chính tay Edmonia khắc. Cô đã chuyển tác phẩm của mình trở lại Mỹ để trưng bày trong Triển lãm Centennial năm 1876. Mặc dù bức tượng đã vấp phải những đánh giá hơi trái chiều do “tính chất đồ họa” của chủ đề, nhưng nó đã được dành một vị trí trong Đài tưởng niệm, dành riêng cho các nghệ sĩ Mỹ.

Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Edmonia - “Cái chết của Cleopatra”. Ảnh: Grunge.
Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Edmonia - “Cái chết của Cleopatra”. Ảnh: Grunge.

Thế hệ sau và di sản để lại

Mặc dù Edmonia Lewis được công nhận là một trong những nhà điêu khắc chuyên nghiệp da đen đầu tiên trong lịch sử, nhưng nhiều chi tiết về cuộc đời của Edmonia vẫn chưa được biết đến. Nửa sau cuộc đời cô dường như đã sinh sống ở Châu Âu, tiếp tục dành thời gian tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sắc sảo khác. Theo ThoughtCo, cô đã hoàn thành tác phẩm điêu khắc cuối cùng của mình vào năm 1883 và được cho là đã được Fredrick Douglass đến thăm khi cô sống ở Rome.

Mặc dù Edmonia đã tạo ra một số tác phẩm điêu khắc tuyệt vời, nhưng rất tiếc, nhiều tác phẩm trong số đó đã bị thất lạc theo thời gian. Một số tác phẩm còn sót lại của cô, chẳng hạn như “Cái chết của Cleopatra”, “Hagar” và “Mãi mãi tự do” đã tìm thấy ngôi nhà của chúng iwr những nơi như Viện Smithsonian và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.

Bức tượng điêu khắc “Mãi mãi tự do” của Edmonia Lewis. Ảnh: Grunge.
Bức tượng điêu khắc “Mãi mãi tự do” của Edmonia Lewis. Ảnh: Grunge.

Cũng giống như hồ sơ lịch sử về phần còn lại của cuộc đời Edmonia, các chi tiết xung quanh cái chết của cô còn rất mờ nhạt, vì ngày mất của cô được ghi nhận ở những năm khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, Edmonia đã qua đời vào ngày 17/9/1907. Theo New York Post, cô ban đầu được chôn cất trong một ngôi mộ không được đánh dấu và cuối cùng được khai quật vào năm 2012, tại Nghĩa trang Công giáo Thánh Mary ở thủ đô London, Anh. Edmonia bây giờ đã có một bia đá thích hợp, tưởng nhớ các nhà điêu khắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc đời Edmonia Lewis: Nữ nghệ sĩ thay đổi nghệ thuật nhân loại mãi mãi