Cuộc đời nhà báo Thái Duy: 'Sống và Viết'

Hoàng Vân 09/08/2023 19:21

Chiều 9/8, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức sự kiện ra mắt phim, tọa đàm và trưng bày chuyên đề “Thái Duy: Sống và Viết”. Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, 97 năm tuổi đời, 75 năm tuổi nghề, ông chỉ làm việc cho tờ báo Mặt trận, trải qua cả 3 thời kỳ: Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn kết.

Quang cảnh Lễ ra mắt phim, tọa đàm và trưng bày chuyên đề: "Thái Duy – Sống và Viết".

"Chỉ làm phóng viên, với tôi như thế là sung sướng lắm rồi!"

Tọa đàm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023), hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Gần 100 trăm tuổi, Nhà báo Thái Duy vẫn rất minh mẫn. Trong số 7 nhà báo lão thành được tôn vinh tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” năm 2020, chỉ có ông là người duy nhất còn giữ chức danh phóng viên trong khi những người còn lại đều đã là lãnh đạo cơ quan báo chí.

Tại tọa đàm “Thái Duy-Sống và Viết” diễn ra chiều 9/8 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ông nhắc lại câu chuyện này và khẳng định: “Chỉ làm phóng viên, với tôi như thế là sung sướng lắm rồi!”.

Nhà báo Thái Duy (áo trắng) và nhà báo lão thành Hà Đăng tại buổi lễ.

Sự kiện gồm 3 nội dung chính: Ra mắt bộ phim tài liệu về nhà báo Thái Duy: “Thái Duy - Sống và Viết”; Trưng bày 45 hiện vật, tư liệu gắn với sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy và Tọa đàm chuyên đề với sự tham gia của nhiều nhà báo lão thành, các chuyên gia báo chí…

Tại buổi lễ, bộ phim tài liệu đầu tiên về nhà báo Thái Duy được ra mắt. Với thời lượng 30 phút, cùng nhiều tư liệu, hình ảnh, bộ phim đã khắc họa câu chuyện thú vị về một nhà báo đã đi qua 3 cuộc kháng chiến và tiếp tục có những cống hiến xuất sắc trong thời bình. Bộ phim tập trung vào những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy đồng thời tri ân những đóng góp của ông, với ngòi bút sắc bén chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi, Chủ tịch Hội đồng duyệt bộ phim “Thái Duy - sống và viết” nhấn mạnh: "Sự có mặt của nhà báo Thái Duy trong buổi ra mắt phim và tọa đàm hôm nay là niềm hạnh phúc của những người làm báo hiện tại. Nhà báo Thái Duy - người đã làm nên sự nghiệp báo chí rất vẻ vang. Ngay từ lúc duyệt tác phẩm điện ảnh này đã gây cho chúng tôi niềm xúc động sâu sắc. Tuy nhiên, để cho bộ phim được hoàn thiện trọn vẹn hơn thì hội đồng đã có những ý kiến phát biểu cụ thể và thẳng thắn về những điều cần bổ sung, chỉnh sửa. Sau khi được nghe ý kiến của hội đồng, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, tác giả kịch bản và đạo diễn phim đã tiếp thu ý kiến để hoàn thiện tác phẩm".

“Tôi nghĩ rằng có nhiều điều làm nên thành công của bộ phim nhưng điều quan trọng nhất là tác phẩm điện ảnh này đã ghi được những hình ảnh sống động về nhà báo Thái Duy, về cuộc đời của ông và còn có những ý kiến phát biểu tâm huyết của những người cùng thời như nhà báo Kim Toàn, Nguyễn Hồ…”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.

Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Báo chí đã trưng bày 38 hiện vật, tư liệu gắn với sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy.

Trưng bày gồm 3 backdrop và 17 vách kể về con đường nhà báo Thái Duy đến với báo chí cách mạng Việt Nam và cống hiến cho Báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết qua các thời kỳ; hai lần vào miền Nam chiến đấu để lại dấu ấn sâu sắc qua các tác phẩm: Sống như Anh, Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi…; các cuốn sách, bài viết thể hiện tinh thần đổi mới, chống tham nhũng, tiêu cực… Một số hình ảnh và bài viết nổi bật của nhà báo Thái Duy gắn quá trình hoạt động báo chí…

Ngoài ra còn có 7 tủ trưng bày tài liệu, hiện vật gồm bản thảo đánh máy, một số bài viết trên Báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết; thư của các tử tù gửi nhà báo Thái Duy, đồ dùng trong quá trình công tác của nhà báo Thái Duy…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, suốt sự nghiệp báo chí của mình, nhà báo Thái Duy luôn chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Hình ảnh trưng bày tại sự kiện.

Đánh giá về đóng góp của nhà báo Thái Duy, dẫn lời nhà báo Hữu Thọ viết trên Báo Nhân Dân số ra ngày 22/4/2013, ông Nguyễn Đức Lợi nhắc lại: “Các bạn đồng nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này như Thái Duy, Lê Điền ở Báo Đại Đoàn Kết, Hồng Giao ở Tạp chí Học tập, Đình Cao ở Thông Tấn Xã, Đắc Hữu ở Báo Hà Sơn Bình... và những đồng chí hết lòng ủng hộ sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, ủng hộ nhà báo như các anh Nguyễn Khánh, Minh Chương, Trần Đức Nguyên ở Văn phòng Trung ương... trong đó theo tôi thì nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy”.

Một sự nghiệp báo chí to lớn

Từ một phóng viên trẻ, Thái Duy trở thành một nhà văn, nhà báo hàng đầu.

Nhà báo Thái Duy sinh năm 1926, xấp xỉ tuổi ra đời của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, còn 3 năm nữa là ông tròn 100 tuổi. Đánh giá về sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy, các đại biểu có mặt tại buổi lễ như nhà báo Hà Đăng, nhà báo Kim Toàn, Luật sư Trương Trọng Nghĩa... đều đánh giá ông có sự nghiệp báo chí đồ sộ, rất to lớn.

Ông bước vào làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949. Đầu năm 1964, ông cùng lãnh đạo Báo Cứu Quốc vào miền Nam xây dựng Báo Giải Phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam). Trong giai đoạn này, ông hoàn thành một số tác phẩm đỉnh cao “Sống như Anh”, “Người tử tù Khám lớn”, “Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi”...

Sau giải phóng, nhà báo Thái Duy công tác tại Báo Đại Đoàn Kết, bước vào mặt trận nông nghiệp, thông qua ngòi bút của mình đã tiếp tục mạnh mẽ chiến đấu trong sự nghiệp khoán mới. “Khoán chui hay là chết” là câu nói, là quyết tâm mà nhà báo Thái Duy nghe thấy, nhìn thấy từ người nông dân Việt Nam. Chính thực tiễn sinh động đã góp phần đổi mới tư duy, khuyến khích cách làm hiệu quả giúp người dân vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên.

Đến nay ông đã gần 80 năm cầm bút, từ một phóng viên trẻ trở thành một nhà văn, nhà báo hàng đầu. Với bút danh Thái Duy khi viết báo, Trần Đình Vân khi viết văn, những tác phẩm của ông không chỉ tạo nên những chuyển biến xã hội tích cực trong nước mà còn có tiếng vang xa trên trường quốc tế.

Cái tên Trần Đình Vân gắn liền với cuốn sách "Sống như Anh" - viết về cuộc đời Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi.

Bản thảo được một phóng viên Liên Xô (trước đây) mang ngay ra miền Bắc, qua đường hàng không từ Phnom Penh, tới Bác Hồ, được Bác khen ngợi, chỉ đạo in thành sách, do chính Bác viết đề tựa: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập...”

Từ cái tên ban đầu là “Những lần gặp gỡ cuối cùng,” Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành “Sống như Anh,” chữ Anh (Trỗi) viết hoa, đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở Nhà xuất bản Văn học tháng 7/1965.

“Sống như Anh” đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ, dấy lên trong cả nước phong trào noi gương Anh Trỗi thi đua sản xuất và diệt giặc. Ngoài ra, “Sống như Anh” là một tác phẩm lớn không chỉ vì đối tượng phản ánh của nó rất vĩ đại mà lao động nghệ thuật của tác giả cũng rất tinh diệu, công phu và trở thành cuốn sách gối đầu của bao thế hệ, với hàng triệu bản in, từng dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, từng tái bản rất nhiều lần.

Nhà báo Thái Duy nhớ lại: "Sau này tôi mới biết các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến cuốn sách. Chỉ khoảng 1 tháng sau khi gửi, anh em chúng tôi ở chiến trường đã được nghe đọc ‘Sống như Anh’ qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam."

Điều đặc biệt, nhà báo Thái Duy là người duy nhất chưa từng đảm nhận một chức vụ nào. Suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, nhà báo Thái Duy chỉ có một chức vụ duy nhất là phóng viên, với mục tiêu cầm bút là viết vì dân, nói đúng sự thật, tôn trọng sự thật.

Xúc động trước bộ phim "Thái Duy - Sống và viết" (kịch bản và đạo diễn: Nguyễn Sĩ Đại) được làm rất thành công, các đại biểu có mặt trong buổi lễ đều mong muốn làm thế nào để lan toả bộ phim đến các nhà báo và sinh viên báo chí trong cả nước, để biết về một thế hệ nhà báo suốt đời mình chỉ phục vụ cách mạng, phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.

Đại diện Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chúc mừng nhà báo Thái Duy.
Đại diện báo Đại Đoàn Kết chúc mừng nhà báo Thái Duy.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc đời nhà báo Thái Duy: 'Sống và Viết'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO