Cuộc đua ‘trải thảm đỏ’ dẫn đến giảm thu ngân sách

Hồ Hương 30/06/2020 07:45

Các địa phương đua nhau đưa ra các ưu đãi để hút các “ông lớn” đầu tư về tỉnh, cấp quốc gia cũng “trải thảm đỏ” thu hút vốn FDI với nhiều chính sách miễn, giảm thuế. Không phủ nhận việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư đã mang lại những lợi ích không nhỏ về kinh tế - xã hội. Song, bên cạnh đó cũng phát sinh những hệ lụy, một trong những vấn đề đáng lo ngại là thất thu thuế.

Lấp đầy các KCN, khu kinh tế là mơ ước của nhiều địa phương.
Lấp đầy các KCN, khu kinh tế là mơ ước của nhiều địa phương.

Môi trường đầu tư thiếu công bằng

Trong 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) của khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam đã giảm từ mức 25,1% năm 2010 xuống còn 21,7% năm 2020.

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến sụt giảm thuế là do các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua mời gọi đầu tư, bằng cách hạ thấp mức thuế thu nhập DN và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập DN thực nộp đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất là 8%, trong khi đối với DN trong nước ở mức hơn 14,5%. Như vậy có thể thấy, ưu đãi thuế đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho DN “nội” mà chủ yếu là các DN vừa và nhỏ. Trong khi đó theo quy định của pháp luật, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, nghĩa là chính sách ưu đãi thuế không được có sự phân biệt đối xử theo loại hình DN. Song, thực tế đang diễn ra trái ngược với quy định.

Việc các DN FDI được hưởng lợi nhiều từ các chính sách ưu đãi thuế gây tổn hại cho ngân sách nhà nước. Trong tổng số thu NSNN giảm do thực hiện ưu đãi thuế thu nhập DN, số giảm thu NSNN từ việc thực hiện ưu đãi thuế cho các DN FDI chiếm khoảng 75,5%.

Theo ông Trương Bá Tuấn, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, thời gian qua, Việt Nam thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế với mục tiêu để thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên.

“Tuy nhiên, có thể thấy hiệu quả mang lại không đạt như kỳ vọng. Các địa bàn, khu vực có trình độ phát triển thấp vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư do những hạn chế về vị trí địa lý cũng như kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực...”, ông Tuấn nhận định.

Cũng theo ông Tuấn, tỷ trọng thu hút đầu tư FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, phát triển khoa học và công nghệ...) vẫn còn thấp. Không phủ nhận các DN FDI đã mang lại những lợi ích không nhỏ cho Việt Nam và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và tạo việc làm.

Song, từ việc DN FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi về thuế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, khiến DN “nội” đã yếu lại ngày càng khó khăn hơn. Chưa kể việc ưu đãi quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế.

“Phong trào” tung ưu đãi

Ưu đãi thuế để hút đầu tư là tình trạng kéo dài nhiều năm nay tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đi kèm với nó đương nhiên là hiệu quả kinh tế - xã hội thấy rõ, nhưng cũng phát sinh những hệ lụy nhất định.

Thực tế cho thấy nhiều địa phương còn “nhìn đội bạn” để tung ra nhiều ưu đãi hơn, với mục đích mời gọi đầu tư hiệu quả hơn. Vậy là dù không “chính danh”, nhưng đã nổ ra một cuộc “đua ngầm” giữa các tỉnh, thành phố để thu hút các DN lớn về đầu tư ở địa phương mình.

Chẳng hạn như tại tỉnh Nghệ An, địa phương này đưa ra các chính sách ưu đãi cực kỳ hấp dẫn để gọi các nhà đầu tư. Tại đây, nhà đầu tư sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ đến 50% chi phí thực hiện các thủ tục đầu tư trong bước chuẩn bị đầu tư theo hợp đồng, hóa đơn, chứng từ họp lệ nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án, kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Về san lấp mặt bằng, nếu nhà đầu tư tự bỏ vốn để thực hiện, sau khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động, căn cứ hồ sơ thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí san lấp mặt bằng, tối đa không quá 30 tỷ đồng/dự án.

Đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các KCN, khu công nghệ cao trong khu kinh tế Đông Nam, sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Nghệ An còn xem xét hỗ trợ riêng đối với dự án đầu tư có số nộp ngân sách địa phương trên 300 tỷ đồng/năm, nhưng mức hỗ trợ san lấp mặt bằng không quá 60 tỷ đồng/dự án...

Song, kết quả mà Nghệ An thu về là gì? Một số KCN còn trống khá nhiều. Chẳng hạn như KCN VSIP Nghệ An, tính đến tháng 3/2020 cũng mới chỉ có 8 dự án đi vào hoạt động, 7 dự án đang triển khai xây dựng và 5 dự án đang làm thủ tục sau cấp phép.

Hiện, tổng diện tích cho thuê đất trong KCN này mới chỉ đạt 53,38ha/368ha đất. Một tỷ lệ rất thấp nếu so với những tiềm năng, thế mạnh cũng như các ưu đãi mà Nghệ An đang dành cho nhà đầu tư.

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, tính đến tháng 3/2020, khu kinh tế Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh này có 231 dự án còn hiệu lực. Tuy nhiên, mới chỉ có 137 dự án đi vào hoạt động; 37 dự án đang triển khai và có tới 57 dự án chưa triển khai. Tính đến năm 2019, các DN trong khu kinh tế, các KCN nộp ngân sách 1.962 tỷ đồng, chiếm vẻn vẹn khoảng 13% tổng thu ngân sách toàn tỉnh – một con số quá khiêm tốn so với kỳ vọng.

Tương tự Nghệ An, tỉnh Bắc Giang cũng đưa ra những ưu đãi thuế nhập khẩu và miễn giảm tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước trong nhiều trường hợp. Song, tại Bắc Giang tỷ lệ lấp đầy các KCN vẫn chưa như ý.

Tính đến thời điểm hiện tại,Việt Nam có 260/335 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 75,7%. Có thể nói nỗ lực phát triển kinh tế bằng cách thu hút đầu tư là cách thức mà nhiều địa phương đang triển khai. Nhưng,việc đón đầu tư bằng mọi giá, mở các KCN tràn lan để rồi tỷ lệ lấp đầy các KCN không cao đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả kinh tế của chính sách ưu đãi.

Nói như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nhiều địa phương đưa ra ưu đãi để hút đầu tư dẫn đến sự lệch pha. Chưa kể đến việc nhà đầu tư sau khi khai thác hết ưu đãi lại rời đi tìm nơi ưu đãi khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc đua ‘trải thảm đỏ’ dẫn đến giảm thu ngân sách