Một quan chức hàng không Indonesia tiết lộ, trong chuyến bay vào buổi tối trước khi xảy ra tai nạn, chiếc máy bay Boeing 737 Max của Lion Air đã gặp trục trặc, phi công thông báo khẩn cấp cho trạm kiểm soát không lưu qua radio nhưng sau đó vẫn quyết định tiếp tục hành trình từ Bali đi Jakarta.
Chiếc máy bay xấu số của Lion Air đã gặp sự cố từ chuyến bay đêm trước khi xảy ra tai nạn. (Ảnh minh họa: Newsday).
Cuộc gọi khẩn cấp
Herson, người đứng đầu ban quản lý cảng hàng không khu vực Bali-Nusa Tenggara, cho biết phi công của máy bay Boeing 737 Max 8 của Lion Air từ Bali đi Jakarta tối 28/10 đã thông báo trục trặc chỉ vài phút sau khi cất cánh. Tuy nhiên, ngay sau đó, phi công thông báo lại cho trạm kiểm soát không lưu rằng có thể khắc phục tình hình và tự tin máy bay có thể hoạt động bình thường. Do vậy, máy bay đã không quay trở lại sân bay ở Bali như yêu cầu ban đầu.
"Phi công tự tin rằng có thể điều khiển an toàn chiếc máy bay từ Denpasar (Bali) đến Jakarta", ông Herson nói.
Phi công của một máy bay khác đáp xuống sân bay Bali không lâu sau khi máy bay Lion Air cất cánh cho biết, ông được đề nghị cho máy bay bay lòng vòng trên không trước khi được hạ cánh, lúc này ông cũng nghe được toàn bộ cuộc trò chuyện qua radio giữa phi công Lion Air với trạm kiểm soát không lưu.
"Do có cuộc gọi Pan-Pan (cuộc gọi thông báo tình huống khẩn cấp của các phi công cho trạm không lưu) nên chúng tôi được lệnh cho máy bay lòng vòng bên trên. Máy bay Lion Air đề nghị trở lại sân bay Bali khoảng 5 phút sau khi cất cánh nhưng sau đó phi công nói rằng vấn đề đã được giải quyết và máy bay sẽ tiếp tục đến Jakarta", phi công trên cho biết.
Cuối cùng máy bay Lion Air đã hạ cánh an toàn ở Jakarta lúc 10h55 tối cùng ngày. Trước khi cất cánh vào 6h20 sáng hôm sau, chiếc máy bay được cho là đã trải qua các bài kiểm tra đánh giá an toàn và khắc phục trục trặc. Tuy nhiên, chiếc máy bay chở 189 người đã rơi xuống biển chỉ khoảng 13 phút sau khi cất cánh sáng 29/10.
Giám đốc điều hành Lion Air Edward Sirait khẳng định, chiếc máy bay xấu số đã gặp sự cố trong chuyến bay đêm trước, nhưng sự cố đã được khắc phục trước chuyến bay định mệnh sáng 29/10.
Một hộp đen được tìm thấy còn khá nguyên vẹn. (Ảnh: Reuters).
Tìm thấy hộp đen và càng máy bay
Không lâu sau khi thông báo đã tìm thấy dữ liệu ghi hành trình chuyến bay (một trong các hộp đen của máy bay) còn nguyên vẹn dưới đáy biển, Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ quốc gia Indonesia cho biết, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy càng, bánh xe và một mảnh vỡ lớn trên thân của chiếc máy bay xấu số.
Đại diện cơ quan này, ông Muhammad Syauqi, cho biết các thợ lặn của cơ quan tìm kiếm cứu hộ, Hải quân, cảnh sát đã được điều động đến khu vực máy bay rơi. Họ dự định dùng tàu gắn cần cẩu để trục vớt càng máy bay và một số mảnh vỡ khác của máy bay.
Lực lượng tìm kiếm đã trục vớt được nhiều mảnh vỡ máy bay. (Ảnh: Reuters).
Nói về hộp đen trục vớt được hôm qua, Phó Giám đốc Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia Haryo Satmiko cho biết, đây là dữ liệu ghi hành trình chuyến bay. Các chuyên gia sẽ mất từ 2-3 tuần để đọc dữ liệu từ thiết bị này, trong khi cần thêm tới 2-3 tháng để phân tích nó nhằm xác định nguyên nhân khiến máy bay của Lion Air gặp nạn.
Những vật dụng của hành khách trên chuyến bay xấu số. (Ảnh: Reuters).
Máy bay Boeing Co. 737 Max mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air chở 189 người lao xuống biển vào sáng 29/10, khoảng 13 phút sau khi cất cánh. Theo truyền thông địa phương, chỉ khoảng 2-3 phút sau khi cất cánh, phi công của máy bay đã đề nghị cho máy bay quay đầu trở lại sân bay ở Jakarta. Tuy nhiên, kể từ khi đó đến khi rơi xuống biển, máy bay không có dấu hiệu quay đầu lại, mà chỉ thay đổi độ cao, tốc độ bất thường.
BBC dẫn tài liệu kỹ thuật trong lịch sử bay của máy bay này cho thấy, tối trước đó, máy bay gặp lỗi về hiển thị tốc độ và tọa độ trong chuyến bay đêm trước.