Ngày 18/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (Hà Nội), Ban Quản lý Di tích Phố cổ Hà Nội, Chiếu Xẩm Hải Phòng và Nhóm Đình làng Việt phối hợp tổ chức chương trình tọa đàm và biểu diễn “Nghệ thuật hát Xẩm - Từ hè đường đến sân khấu”.
Một tiết mục trong chương trình “Nghệ thuật hát Xẩm - Từ hè đường đến sân khấu”.
Chương trình đã dẫn khán giả đi theo từng chặng đường phát triển của xẩm. Từ một hình thức đàn hát dân gian dành riêng cho những người khiếm thị để mưu sinh nơi đầu đường góc chợ, bến nước… nay đã trở thành một loại hình nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu, thực sự là một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Đó là câu chuyện của NSND Xuân Hoạch, người được xem là “trưởng lão” của làng xẩm Việt Nam đương đại với nhiều năm nghiên cứu, kế thừa và phát triển tinh hoa của các thế hệ đi trước. Ông còn được biết đến là người có công phục chế các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn nguyệt... sử dụng dây tơ theo lối cổ, thay vì dùng dây kim loại như hiện nay.
Hay nghệ nhân dân gian Lê Minh Sen (Thanh Hóa)- người được xem là “cây đa, cây đề” trong làng xẩm, đã từng ôm cây đàn nhị cùng với giọng hát xẩm của mình ra mặt trận, mang những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái động viên tinh thần các chiến sĩ, thôi thúc ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa.
Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của cụ Nguyễn Thị Lạt, sinh năm 1923 ở Tứ Kỳ (Hải Dương). Khoảng 75 năm về trước cụ đã dắt người anh trai mù loà của mình đi hát xẩm. Đến nay, tuy bị nặng tai nhưng cụ còn minh mẫn, vẫn có thể vừa hát vừa đánh trống và sênh. Riêng vốn lời ca về xẩm thì là một kho tư liệu. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của các nghệ nhân “ẩn mình”, chưa được phong tặng danh hiệu như bà Nguyễn Thị Mận (con gái của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu), ông Lê Văn Vượng cùng đến từ chiếu xẩm mang tên cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tại Yên Mô, Ninh Bình và một số nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ triển vọng đến từ nhiều nhóm, hội, địa phương khác nhau.
Nhìn lại hành trình phát triển của nghệ thuật hát Xẩm từ hè đường đến sân khấu, nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh (Linh Xẩm) cho biết: “Nghệ thuật hát xẩm hết sức đặc biệt. Bởi đứng trước bất cứ một vấn đề gì xẩm đều có đầy đủ các cung bậc từ vui vẻ đến châm biếm, mỉa mai. Trước cách mạng có xẩm dân vận, trong quá trình xóa mù chữ có xẩm bình dân học vụ, hay xẩm tàu điện. Bên cạnh đó, hát xẩm có môi trường diễn xướng đặc biệt, thường ở nơi kẻ chợ, tập trung đông người như ở hội đình, hội làng, hội chùa… Như vậy, các nghệ nhân đã đặt vào từng câu hát xẩm rất nhiều tình cảm và loại hình nghệ thuật này cũng rất gần gũi với đời sống nhân dân”.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đặc biệt đó, theo nghệ sĩ Bạch Linh: Trong quá khứ xẩm thường hát ở những nơi đông người qua lại như bến sông, bãi chợ, sân đình và hát để kiếm kế sinh nhai thì ở giai đoạn hiện nay môi trường trình diễn này đã không còn. Thay vào đó là những môi trường trình diễn mới, ít nhiều có ảnh hưởng bởi yếu tố chuyên nghiệp hóa. Việc phục dựng các làn điệu cổ, việc giữ được cái cổ truyền của nghệ thuật hát xẩm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. “Để giữ được nghệ thuật hát xẩm, đầu tiên phải làm nó sống lại với đúng khuôn mặt của nó; để phát triển nghệ thuật hát xẩm hơn nữa thì không chỉ bản thân chúng tôi phải nỗ lực mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng phải hỗ trợ chúng tôi biểu diễn, giao lưu, đồng thời có sự đầu tư thật xứng đáng”- nghệ nhân Bạch Linh bày tỏ.
Mặc dù chỉ diễn ra trong một buổi chiều, nhưng chương trình “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu” có thể xem như một cuộc hội ngộ của làng xẩm Việt Nam đương đại khi có sự tham dự của đại diện nhiều hội, nhóm, Câu lạc bộ đang thực hành truyền dạy hoặc biểu diễn hát xẩm. Ở đó, với sự góp mặt của Chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Chiếu xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội), CLB Ca nhạc Truyền thống UNESCO Hà Nội, CLB Còn duyên (Vĩnh Phúc), Đoàn nghệ thuật Đông Đô (Hà Nội), CLB Liên Hoa, CLB Sen Tây Hồ... dường như đã và đang minh chứng về sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật xẩm trong đời sống hiện đại.