Sống trong một khu doanh trại chật chội và không được học hành, đây là cuộc sống của những đứa trẻ kiếm được 6 USD mỗi ngày tại một trong những công ty giấy có lợi nhuận cao nhất Indonesia.
Những tháng ngày tại đồn điền
Mặt trời còn khoảng nửa giờ nữa mới mọc khi âm thanh của bản nhạc ‘dangdut’ phá vỡ bầu không khí im lặng của buổi sáng phía trong doanh trại đồn điền bạch đàn.
Các công nhân thức dậy sau giấc ngủ dài, hối hả chuẩn bị. Khoảng 7h sáng, những người lao động đã sẵn sàng và đứng thành hàng trước các lán gỗ, hai xe tải túc trực để đưa họ đến đồn điền ở Bắc Sumatra.
Công việc của họ cho một trong những công ty giấy và bột giấy lớn nhất Indonesia - Toba Pulp Lestari - bao gồm gieo hạt, rải phân bón và phun thuốc trừ cỏ dại. Hầu hết người lao động là phụ nữ và nam giới trưởng thành, một số đã có gia đình. Tuy nhiên, cũng có cả những đứa trẻ.
Mới 14 tuổi, cô bé Sita vẫn chưa thành niên và không được phép làm việc hợp pháp theo luật của Indonesia. Nhưng cô bé vẫn được thuê để làm việc cho công ty giấy.
Sita là một cô gái nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàng, cao không quá mét rưỡi, đi đôi ủng cao su và thường mặc xà rông để che nắng. Cô bé đã làm việc trên đồn điền được một năm.
“Nhưng chúng cháu thường phải trốn trong khi làm việc”, cô bé kể lại. “Khi khách từ bên ngoài công ty đến thăm đồn điền, người giám sát sẽ bảo chúng cháu nấp sau những tán cây để tránh bị bắt gặp”.
Ngôi làng nơi Sita sống rất hẻo lánh và rất khó để tìm việc làm. Thực tế đó đã đưa cô bé đến Toba Pulp Lestari, một công ty giấy và bột giấy trị giá hàng triệu USD có diện tích gần 168.000 ha.
Với doanh thu ròng 126 triệu USD vào năm 2020, chủ yếu thông qua xuất khẩu sang Trung Quốc, Toba Pulp được xem là công ty giấy có lợi nhuận cao nhất Indonesia.
Nhưng trong khi công ty Toba Pulp có liên quan đến nạn phá rừng bất hợp pháp, chiếm đất của cư dân bản địa và gây ô nhiễm khu vực xung quanh, vai trò của lao động trẻ em trong việc tạo ra lợi nhuận hàng triệu USD của công ty lại không được biết đến nhiều hơn.
Những đứa trẻ tại đồn điền
Sita đã làm việc cho Toba Pulp kể từ khi cô bé nghỉ học vào đầu năm 2021 và được dì của cô, người cũng sống và làm việc ở đó, gợi ý làm việc tại đồn điền.
Cha mẹ cô bé đã đồng ý và Sita rời làng của mình trên đảo Nias ngoài khơi bờ biển Sumatra, di chuyển 12 giờ bằng thuyền đến Sibolga và sau đó đi xe buýt trong 5 giờ đến Toba Regency, sống trong điều kiện thiếu thốn, làm những công việc độc hại không có bảo hiểm y tế và không được học hành.
Kể từ đó, Sita đã trở thành một trong hơn tám nghìn công nhân hàng ngày làm việc trên đồn điền bạch đàn của công ty. Mỗi ngày, Sita bắt đầu các công việc vào lúc 6h sáng và kết thúc lúc 4h chiều - trừ khi thời tiết xấu hoặc cô bé không đủ sức khỏe để làm việc.
“Nếu như trời mưa, chúng cháu sẽ không thể làm việc và không được trả lương”, cô bé nói. “Nếu chúng cháu bị ốm, chúng cháu cũng không thể làm việc và sẽ phải tự trang trải các chi phí y tế”. Đương nhiên, giống như hầu hết các công nhân khác tại đồn điền, cô bé không có bảo hiểm y tế.
Sita nhận mức lương hàng ngày là 6 USD. Có những tháng cô bé có thể làm việc 25 ngày và sẽ nhận được 150 USD - thấp hơn mức lương tối thiểu ở vùng Bắc Sumatra khoảng 175 USD và chỉ thấp hơn mức chuẩn nghèo quốc gia của Indonesia là 151,06 USD - mức thu nhập tối thiểu cần thiết cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Nhưng trên thực tế, do thời tiết, đặc biệt là trong mùa ẩm ướt của Indonesia từ tháng 10 đến tháng 2, cô bé thường làm việc trung bình 20 ngày một tháng.
Sita sống trong khu trại do công ty cung cấp, bao gồm 30 phòng rộng 4x5 mét, mỗi phòng có 4-6 người, thường là cả gia đình và điện chỉ đủ mạnh để cung cấp năng lượng cho một bóng đèn.
Trong các khu trại không có phòng ngủ và ban đêm những người ở trong mỗi khoang ngủ thành từng dãy. Chỉ có một phòng tắm cho khoảng 40 gia đình thay phiên nhau sử dụng.
“Đó là cách chúng cháu ở đây”, cô bé kể lại. “Chúng cháu đã quen với điều đó”.
Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia, năm 2020 có 1,17 triệu lao động trẻ em ở nước này, tăng khoảng 320.000 người so với năm trước. Con số này có thể được giải thích một phần là do tình trạng đói nghèo ngày càng gia tăng do nền kinh tế và hệ thống giáo dục của Indonesia bị gián đoạn do đại dịch.
Trong những thập kỷ gần đây, Mạng lưới Phòng chống Lao động Trẻ em (JARAK) đã ghi nhận số lượng lao động trẻ em tăng mạnh trong các đồn điền trồng cây thuốc lá và cọ dầu, du lịch, nông nghiệp, ngư nghiệp và sản xuất của Indonesia, nhưng việc sử dụng lao động trẻ em trên các đồn điền bạch đàn cho đến gần đây ít được ghi nhận hơn.
Sita chỉ là một trong số những đứa trẻ vị thành niên tại đồn điền bạch đàn. Làm việc cùng cô bé là mẹ Ida và những đứa con chưa đủ tuổi thành niên của bà.
Ida đã làm việc tại đồn điền hơn 5 năm, cùng với các con của bà bắt đầu tham gia vào năm ngoái để kiếm sống. Họ sống cùng nhau trong một căn phòng duy nhất tại doanh trại, những đứa trẻ giúp mẹ trồng trọt, bón phân và phun thuốc trừ sâu bệnh.
“Cháu đăng ký làm lao động bình thường hàng ngày ở đây và được trả lương hàng ngày khi đi làm. Nhưng nếu cháu không làm việc, cháu sẽ không được trả lương, bởi cháu được tuyển dụng bởi một nhà thầu chứ không phải trực tiếp bởi công ty”, một người con của Ida kể lại.
Những đứa trẻ được quản đốc đưa đến đồn điền lúc 7h sáng mỗi ngày. Những đứa trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên thường phun chất độc trừ cỏ dại dưới gốc những cây bạch đàn mới mọc.
Chúng đi ủng, mặc quần áo bình thường và khoác áo mưa bằng nhựa phía bên ngoài để bảo vệ da khỏi cây thường xuân độc khi phun thuốc, nhưng giống như hầu hết các công nhân trong lĩnh vực này, chúng không đeo kính bảo hộ hoặc khẩu trang để tránh hít phải hóa chất.
Sita từng mơ ước trở thành giáo viên. Nhưng kể từ năm ngoái, cô bé đã bỏ học để làm việc tại đồn điền. Những ngày tháng của cô bé thật mệt mỏi khi mắc kẹt trong một thói quen làm việc trì trệ - thế giới của
Sita mỗi ngày chỉ xoay quanh doanh trại và đồn điền. Cô bé hiếm khi nghĩ về trường học trong những ngày này, tất cả chỉ có công việc.
Những đứa trẻ làm việc trên đồn điền quá lâu sẽ dần mất đi động lực để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn… Chúng không có ước mơ. Cách suy nghĩ của chúng ngắn gọn và đơn giản. Không chỉ cuộc sống mà tâm trí của những đứa trẻ cũng hạn hẹp vì thường bị cô lập.