Những nghệ nhân đang tham gia sinh hoạt ở Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Làng) tại Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) mong muốn được bám Làng để khơi dậy giá trị và quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Trước tình hình bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn đề cao tinh thần chủ động thực hiện nhiệm vụ kép “chống dịch và đảm bảo hoạt động”. Với việc chủ động thực hiện các kịch bản đón tiếp khách tham quan trong tình hình dịch bệnh như đã được xây dựng, Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam hứa hẹn là một điểm đến an toàn cho du khách.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Trước đây khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi vẫn thực hiện chỉ thị của các cấp chính quyền. Khi các điều kiện siết chặt chúng tôi lại đóng cửa không đón khách. Song trước tình hình hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kịch bản để chủ động ứng phó.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lập danh sách công chức, viên chức, người lao động và đồng bào hiện nay đang hoạt động ở làng đề xuất để tiêm vaccine. Đối với những du khách không thực hiện quy định phòng chống dịch sẽ bị từ chối phục vụ.
Ghé thăm khu làng của người dân tộc Xơ Đăng đến từ tỉnh Kon Tum những ngày này, chúng tôi được trải nghiệm, tìm hiểu về những nét văn hóa đặc biệt. Đồng bào người dân tộc Xơ Ðăng có những làn điệu dân ca vô cùng phong phú, cuốn hút người nghe. Trong mỗi làng đều có các bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi tình yêu đôi lứa.
Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Xơ Đăng còn có những bài hát ru với giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu những lời ca gắn liền với đời sống lao động sản xuất của đồng bào. Không chỉ sâu sắc về nội dung mà những giai điệu của từng nhạc cụ còn mang trong mình tiếng nói, lời tâm sự của họ với mọi người xung quanh về cuộc sống của buôn làng. Được xem những tiết mục mà chính người dân Xơ Đăng biểu diễn, ta như đang đứng giữa đất rừng Tây Nguyên.
Nghệ nhân Y Sinh, người dân tộc Xơ Đăng đến từ tỉnh Kon Tum cho biết: Trong thời gian đóng cửa tạm dừng đón khách, bà con đồng bào luôn thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch. Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, các khu làng bà con vẫn tăng gia sản xuất phục vụ cuộc sống hàng ngày. Cùng với đó là thường xuyên tập luyện các tiết mục văn nghệ truyền thống để sẵn sàng biểu diễn khi đón khách trở lại.
“Cán bộ của Ban Quản lý Làng thường xuyên ghé thăm, động viên và nhắc nhở bà con nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Vừa rồi, chúng tôi được hỗ trợ mỗi khu làng 50 kg gạo và tiền mặt là 5 triệu đồng. Làng Văn hóa mới chỉ mở cửa những ngày gần đây vì thế lượng khách du lịch vẫn còn thưa thớt. Nhưng dù ít hay nhiều người vào tham quan, điều đầu tiên chúng tôi sẽ nhắc nhở các biện pháp phòng dịch. Đồng thời sẵn sàng biểu diễn những tiết mục văn nghệ để quảng bá giá trị văn hóa của người Xơ Đăng chúng tôi”, nghệ nhân Y Sinh chia sẻ.
Cách làng của đồng bào dân tộc Xơ Đăng không xa là khu làng của đồng bào dân tộc Tày. Ngay từ ngoài cổng, chúng tôi đã cảm nhận được những âm thanh của làn điệu hát then mạng đậm bản sắc văn hóa.
Tại không gian sinh hoạt của người dân tộc Tày, chị Nguyễn Thị Xuyến đến từ Thái Nguyên cho biết: Do dịch bệnh nên lâu rồi không có khách ghé thăm. Cuộc sống bà con ở đây thời gian qua gặp phải những khó khăn nhất định. Cũng mừng là ở đây bà con đồng bào được cán bộ của Làng rất quan tâm động viên, thăm hỏi và có những hỗ trợ trong cuộc sống. Nhờ sự quan tâm đó nên chúng tôi cảm thấy được an ủi và có niềm tin để ở lại.
“Chúng tôi về đây sinh hoạt với mong muốn bảo tồn và giới thiệu những bản sắc dân tộc của mình. Nhưng do dịch bệnh nên không có khách thăm quan. Những ngày không đón khách, chúng tôi tăng gia sản xuất. Người dân tộc Tày chúng tôi có nghề đan lát truyền thống. Những sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt. Chỉ mong dịch bệnh mau qua để du khách đến đây tham quan đông hơn và khi đó bà con chúng tôi lại được giới thiệu đến cho mọi người những làn điệu hát then và sản phẩm đặc trưng”, chị Xuyến chia sẻ.
Khi trò chuyện với các nghệ nhân, chúng tôi nhận thấy được tâm huyết và tình yêu mà họ dành cho “ngôi nhà chung”. Hơn ai hết, họ mong muốn văn hóa của chính dân tộc mình được bảo tồn và nhiều người biết đến. Nhưng khi nhắc tới những chính sách và sự quan tâm của cấp tỉnh, sở ngành, địa phương thì họ tỏ ra thất vọng.
Nghệ nhân Y Sinh mong muốn lãnh đạo tỉnh Kon Tum và Sở văn hóa quan tâm tới những bà con ra đây làm nhiệm vụ quảng bá văn hóa: “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) vừa qua, tôi ngóng mãi không thấy cán bộ nào của tỉnh Kon Tum ra thăm nom bà con. Tôi không cầm được nước mắt vì tủi thân khi thấy bà con dân tộc khác được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Chúng tôi chưa đòi hỏi về hỗ trợ vật chất mà chỉ là thi thoảng gọi điện hỏi thăm tình hình bà con ra đây sinh sống ra sao, sức khỏe thế nào. Đó là sự động viên rất lớn cho bà con đang ở tại Làng...”, nghệ nhân Y Sinh nói.
Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Chung cho biết: “Đúng là trong thời gian vừa qua cũng có một vài địa phương chưa có sự quan tâm một cách cần thiết đối với bà con đang hoạt động tại Làng. Về việc này, trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương để chia sẻ động viên bà con. Đặc biệt những lúc khó khăn dịch bệnh như hiện nay”.