Venezuela đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tồi tệ nhất từng thấy tại lục địa này.
Những tháng ngày tăm tối
Một tấm áp phích tươi sáng với nụ cười rạng rỡ của Tổng thống Hugo Chávez – người lãnh đạo Venezuela từ năm 1999 đến năm 2013, được dán ở phía ngoài để chào đón bệnh nhi tại một trong những bệnh viện uy tín nhất thủ đô Caracas. Thế nhưng trái ngược với điều đó, phía bên trong lại là một cảnh tượng kinh hoàng: thiếu găng tay, khẩu trang, thuốc kháng sinh, oxy và thậm chí cả nước trong những phòng tắm bẩn thỉu. Thức ăn tại bệnh viện đạm bạc đến mức nhiều người bệnh đã được chẩn đoán suy dinh dưỡng. Ngay cả ánh sáng cũng thường xuyên phụt tắt, khắp hành lang ngập trong bóng tối.
Bức chân dung của trung tâm y tế xuất sắc một thời, nơi người dân khắp châu Mỹ Latinh bay đến để chữa trị, giờ chỉ còn là tấm gương đáng buồn phản chiếu một đất nước Venezuela khủng hoảng trầm trọng. Ở đó, nguồn nước máy, nguồn điện, khí đốt dồi dào, tất cả những thành tựu văn minh cơ bản thời hoàng kim đã trở thành những thứ xa xỉ trong cuộc sống hàng ngày vốn đã cực khổ của đại đa số dân chúng, những người đang kiệt quệ trước những nhu cầu sống sơ đẳng nhất.
Hơn 3 triệu người Venezuela đã rời khỏi quê hương trong những năm gần đây, giữa bối cảnh lạm phát tăng vọt và tình trạng thiếu lương thực và thuốc men. Các quan chức chính quyền Mỹ đã cảnh báo rằng thêm 2 triệu người dân dự kiến sẽ tiếp tục bỏ trốn nếu cuộc khủng hoảng ở quốc gia giàu dầu mỏ này không chấm dứt.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Khảo sát Điều kiện Sống Quốc gia được thu thập mỗi năm bởi ba trường đại học lớn trong nước, 94,5% người dân Venezuela đang sống ‘dưới mức nghèo khổ’, với mức sống chỉ vỏn vẹn 3,2 USD một ngày.
“Đó là cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tồi tệ nhất từng xảy ra ở châu Mỹ Latinh”, Paulo Velasco, một chuyên gia trong khu vực nhấn mạnh.
Vòng xoáy đói nghèo vô tận
Luôn có một cảnh tượng quen thuộc trong những ngôi nhà lụp xụp ở thị trấn Tocoron, cách thủ đô Caracas hai giờ đồng hồ. Tủ lạnh trống trơn cùng những đồ đạc hoen gỉ được mua đã từ rất lâu, 5 anh em trong độ tuổi từ 5 đến 11 đều nhẹ cân và nhỏ xíu. Chúng ăn bất cứ thứ gì chúng có – và nếu không có gì, chúng sẽ nhịn đói. Đại dịch và sức ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thị trường lao động đã góp phần gia tăng đói nghèo, nhưng virus chỉ là một trong số những yếu tố đã kéo Venezuela vào hố sâu của cuộc khủng hoảng.
Venezuela, cựu “Arab Saudi của Mỹ Latinh” dưới chủ nghĩa độc đoán, sự vô trách nhiệm về tài chính, tham nhũng, một môi trường thể chế không chắc chắn đã dần đi đến bước đường khủng hoảng. Các lựa chọn kinh tế sai lầm và sự phá sản của ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn đã đưa quốc gia này vào danh sách các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đã không còn nữa.
PDVSA, công ty dầu mỏ quốc doanh vào những năm 2000 với sản lượng hơn 3 triệu thùng một ngày, hiện chỉ còn ở mức 500.000 thùng một ngày. Mọi thứ cạn kiệt đến mức nhân viên phải bán phế liệu từ máy móc không hoạt động và xăng phải nhập khẩu từ Iran.
Ngay cả khi có nhiều thay đổi tại thời điểm đó, cuộc sống của người dân vẫn tiếp tục được cải thiện do giá dầu tăng cao, nhưng ngay lập tức lại giảm mạnh vào năm 2014, năm đầu tiên trong chặng đường suy thoái trầm trọng của Venezuela. Kể từ cột mốc này, GDP đã giảm xuống khoảng 70%, giống như một người nặng 100 kg chỉ còn lại 30 kg. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại thời Tổng thống Chávez, nhà kinh tế học Victor Alvarez đã định nghĩa thời kỳ đồng USD hóa dầu chỉ là một trong những “sự thịnh vượng ảo tưởng”.
“Chúng tôi đã không tận dụng cơ hội để phát triển bất kỳ ngành công nghiệp nào khác”, ông nhấn mạnh. Sự bất tài nhuốm dầu tràn ra phía đường phố, nơi người dân phải xếp những hàng dài vô tận chờ để đổ đầy bình do nguồn cung cấp xăng đã cạn kiệt và chính phủ không còn trợ cấp nhiên liệu cho mọi trạm. Ở một vài nơi khác, một thùng đầy xăng sẽ có giá khoảng 30 USD, gấp 12 lần mức lương tối thiểu của họ. Tại thủ đô Caracas, người ta có thể thấy hàng trăm chiếc ô tô chất đống mỗi ngày và nuốt chửng các con đường.
Nỗ lực vùng vẫy khỏi cuộc khủng hoảng
Sống bằng nghề lái xe ôm, Enderson Briseño, 30 tuổi, là ví dụ điển hình về sự sa ngã trong cuộc khủng hoảng đã kéo 9/10 gia đình thuộc tầng lớp trung lưu rơi vào cảnh nghèo đói cách đây một thập kỷ. Anh từng là thành viên của một hợp tác xã nhỏ, cho đến khi cuộc khủng hoảng ập đến với người dân nơi đây. “Tôi đã phải chật vật xoay sở để giữ tài sản và kiếm sống, nhưng có những ngày tôi còn không kiếm đủ tiền để mua thức ăn”, ông bố 4 con thở dài. “Nếu có ít thức ăn, chúng tôi để lại cho con”.
Có thể nói, quốc gia này đang hành động tuyệt vọng để cố gắng kiềm chế lạm phát trầm trọng, thể hiện rõ nhất với con số 32 triệu Bolivar, bạn có thể mua được một chiếc ‘arepa’, loại bánh mỳ dạng dẹt làm từ bột ngô đặc trưng của Venezuela.
Đời sống kinh tế mỗi ngày một hỗn loạn. Trong mỗi giao dịch tài chính, người dân Venezuela đều bị nhấn chìm trong đồng Bolivar, USD, thẻ ghi nợ và chứng từ. Đôi khi họ sẽ phải trả tiền cho một lon nước ngọt bằng cả hai loại tiền. Bằng cách này hay cách khác, mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn khi đồng USD vào cuộc, một hiện tượng điển hình ở những nơi bị lạm phát tàn phá đến mức họ không giữ được “ký ức về giá”, như các nhà kinh tế thường nói.
Maria Jose Gonzalez, Giám đốc điều hành Tổ chức phi chính phủ Cáritas ở Los Teques, cách thủ đô Caracas 30 km, lo ngại: “Người nghèo ngày càng nghèo hơn và khoảng cách xã hội ngày càng mở rộng”.
Ở tuổi 11, Santiago Chireño, sống cùng mẹ và 6 anh chị em trong khu ổ chuột San Agostin ở thủ đô Caracas, đã nuôi ước mơ được rời khỏi Venezuela. Cậu bé rất yêu thích bóng rổ, bộ môn thể thao du nhập vào đất nước từ bàn tay của người Mỹ. Với cái bụng đói, cậu bé vẫn không vì thế mà đánh mất mục tiêu của cả một thế hệ. Người hâm mộ nhí của huyền thoại bóng rổ LeBron James quả quyết: “Một ngày nào đó con sẽ được Lakers gọi đến và giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói này”. Mọi thứ đều có thể thiếu thốn, nhưng sẽ vẫn luôn có ước mơ.