Thời điểm cuối năm, nhu cầu buôn bán, sản xuất, lưu thông hàng hóa của người dân, cơ sở sản xuất tăng cao cùng với khí hậu hanh khô cũng là lúc nguy cơ cháy, nổ rình rập.
Gia tăng các vụ cháy
Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phớt lờ các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hoặc chủ quan lơ là dẫn đến cháy nổ.
Mới đây nhất, khoảng 17h ngày 4/12, một xưởng gỗ rộng hàng nghìn m2 trên xa lộ Hà Nội, thuộc phường Linh Trung (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bùng phát đám cháy lớn. Đến hơn 19h cùng ngày, lực lượng chức năng mới dập tắt được đám cháy. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng khiến toàn bộ tài sản, máy móc trong xưởng gỗ bị thiêu rụi hoàn toàn.
Cũng trong ngày 4/12, tại tỉnh Nghệ An liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy nhà dân gây thiệt hại lớn về tài sản, mà nguyên nhân xuất phát từ việc người dân thắp hương cúng ngày mùng 1 đầu tháng.
Tại Hà Nội, cũng vừa xảy ra một vụ cháy tại một ngôi nhà 5 tầng ở phố Đông Tác (phường Kim Liên, quận Đống Đa) khiến chính gia chủ tử vong. Nạn nhân được xác định là ông N.T. (SN 1956). Thời điểm xảy ra vụ cháy, ông T. ở nhà một mình. Cơ quan chức năng xác định, có thể do nạn nhân hút thuốc lào và dẫn đến vụ cháy, bởi nạn nhân là người hay hút thuốc lào. Tại hiện trường, khu vực đệm giường nạn nhân nằm bị cháy hoàn toàn, có thể là nơi bắt nguồn ngọn lửa.
Hỏa hoạn không chỉ xảy ra ở khu vực nhà dân mà còn xảy ra đối với các doanh nghiệp lơ là việc PCCC. Đơn cử, ngày 14/11, tại nhà kho thuộc Công ty TNHH Jufeng New Materials Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) xảy ra một vụ cháy lớn thiêu rụi toàn bộ tài sản, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Công ty Jufeng có khoảng 2.000 công nhân làm việc, nhưng rất may do vụ cháy xảy ra vào lúc công nhân đã tan giờ làm nên không gây thiệt hại về người.
Nghiêm trọng hơn, vụ cháy xảy ra tại Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam (xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) vừa qua không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn khiến 3 công nhân tử vong. Theo đó, khi một số công nhân đang kiểm tra tại xưởng sản xuất thì bất ngờ phát hiện đám cháy tại khu vực tầng 2 với diện tích gần 1.000 m2. Vụ cháy làm 3 công nhân tử vong gồm chị Đ.T.T.H. (quê tỉnh Bắc Ninh), anh M.V.K. (quê tỉnh Tuyên Quang) và anh N.V.T. (quê tỉnh Thái Bình).
Theo số liệu của Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), 10 tháng đầu năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 2.015 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 74 người, bị thương 109 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính 343 tỷ đồng.
Phải lấy phòng ngừa là chính
Theo giới chuyên gia đánh giá, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy thương tâm là do thờ ơ trong PCCC. Nhiều cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp nơi sản xuất, kinh doanh phớt lờ, không quan tâm đúng mức đến công tác tác PCCC. Nhiều trụ sở, khu chung cư, tòa nhà khi xây mới thì tìm mọi cách để lách luật, không tuân thủ chặc chẽ các phương án PCCC.
Trước tình hình hỏa hoạn diễn biến phức tạp, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã khuyến cáo đối với hộ gia đình cần thực hiện 14 biện pháp an toàn PCCC. Các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị. Kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ. Khi để ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy...
Đối với cơ quan, doanh nghiệp, cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC, quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, duy trì các điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động, sản xuất. Sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy theo quy định. Thường xuyên vệ sinh công nghiệp, làm sạch thiết bị máy móc và bụi trong dây chuyền công nghệ sản xuất. Kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện PCCC, công cụ phá dỡ để kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra. Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra…
Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an với Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đánh giá kết về công tác PCCC vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhấn mạnh, trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ phải lấy phòng ngừa là chính, có giải pháp đồng bộ để kiềm chế sự gia tăng các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TGS (Hà Nội) đã có quy định pháp luật về PCCC (tại điều Điều 28 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP), tuy nhiên Bộ luật Hình sự chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng gây cháy nổ hậu quả nghiêm trọng. Vì thế trên thực tế rất ít đối tượng gây cháy nổ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), quy định về tội vi phạm quy định về PCCC, chỉ khi nào xảy ra hậu quả chết người, gây thương tích từ 61% trở lên, hoặc gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng, mới xử lý hình sự.
Theo quy định này, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến tối đa 12 năm tù giam.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (khóa XIV): Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC
Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, đầu tiên là cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và chủ doanh nghiệp. Mỗi người phải có ý thức tự bảo vệ mình. Tiếp đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC.
Hiện nay, chúng ta chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nên hạn chế việc thanh, kiểm tra đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có quy định 1 năm không tổ chức không quá 3 cuộc thanh tra, đây là điểm tôi thấy là cần phải nghiên cứu làm sao tích hợp các hoạt động thanh tra, kiểm tra để phối hợp cho chặt chẽ. Chúng ta vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng cũng phải đảm bảo thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện ra các vi phạm về PCCC. Tránh vì quá ưu tiên cho việc phát triển kinh tế mà không bảo đảm công tác PCCC, nhất là thời điểm như hiện nay.
Đức Sơn (ghi)