Cả TP Đà Nẵng bị cúp nước sinh hoạt giữa nắng nóng lên đến 40 độ C. Cúp nước diện rộng không chỉ khiến 1 triệu dân cư Đà Nẵng cùng vài trăm ngàn du khách điêu đứng, lao đao mà còn khiến dư luận lo lắng trước bất ổn về an ninh nguồn nước nói chung và nước sinh hoạt nói riêng ở các TP, đô thị đông đúc.
Thiếu nước hoặc không có nước sinh hoạt, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân được dư luận lo lắng, quan tâm nhiều nhất, chính là việc có hay không sự độc quyền, độc tôn của doanh nghiệp khai thác, cung cấp nước.
Sông Cầu Đỏ - nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 2/3 dân số Đà Nẵng.
Chiều 17/5, trao đổi với Đại Đoàn Kết; ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, đã thông báo đến khách hàng về việc Công ty này ngừng cung cấp nước sạch. Trên website của mình, Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) chỉ thông báo ngắn gọn: “Từ 13 giờ đến 17 giờ ngày thứ bảy 18/5/2019, Dawaco thực hiện đấu nối hệ thống điện và mạng lưới đường ống cho dự án nâng công suất tại nhà máy nước Cầu Đỏ. Do đó sẽ tạm ngừng cung cấp nước trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian trên. Do thời gian ngừng sản xuất kéo dài, nên vào khoảng 24 giờ cùng ngày việc cấp nước mới được phục hồi hoàn toàn. Dawaco sẽ tăng cường công suất để khách hàng lấy nước dự trữ trước thời gian ngừng cấp nước. Kính mong Quý khách hàng thông cảm. Dawaco xin chân thành cảm ơn”.
Cùng với thông báo cúp nước toàn TP là hàng loạt thông báo tạm ngừng (cúp) nước sinh hoạt các quận, huyện. Đơn cử: Ngày 15 – 16/5, cúp nước một số khu vực trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; ngày 22/4 cúp nước một số khu vực thuộc địa bàn quận Hải Châu; ngày 13 – 14 /4 cúp nước một số khu vực thuộc địa bàn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Từ đầu năm 2019 đến nay, website của Dawaco dày đặc thông báo cúp nước. Đằng sau các thông báo cúp nước vô cảm, là sự im lặng nhẫn nhịn của vài trăm ngàn hộ gia đình hàng tháng đều đặn đóng tiền mua nước sinh hoạt. Theo thông tin trên website của Dawaco, doanh nghiệp này đang quản lý 3 cơ sở sản xuất (nước sinh hoạt) với tổng công suất thiết kế là 155.000m3/ngày đêm, hiện đang được khai thác ở mức 130.000 đến 140.000m3/ngày đêm.
Trong đó Nhà máy nước Cầu Đỏ là một trong những Nhà máy lớn với dây chuyền xử lý nước công suất 120.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Sân Bay 30.000m3/ngày đêm là nhà máy có qui mô vừa và Trạm cấp nước Sơn Trà có công suất 5.000m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch trong 6 quận nội thành của Đà Nẵng là trên 65%, có 130.000 hộ gia đình với khoảng 500.000 nhân khẩu được dùng nước sạch, tính bình quân mức độ tiêu thụ nước của người dân thành phố đạt 128 lít/người/ngày.
Có gì đó hết sức mâu thuẫn khi trên website đăng tải từ tháng 4/2017, Dawaco khẳng định đã đáp ứng được nhu cầu dùng nước sạch của người dân Đà Nẵng với áp lực nước trong mạng lưới hệ thống cấp nước ở mức từ 0,5 – 2,7 bar (tương đương 5 – 27 mét cột nước) và chất lượng nước được cung cấp đạt Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống được ban hành kèm theo Quyết định số 1329/2002/BYT-QĐ ngày 18/4/2002 nhưng tình trạng thiếu trầm trọng nước sinh hoạt lại liên tục diễn ra ở TP Đà Nẵng trong cả năm 2018 và đầu năm 2019. Mỗi khi xảy ra thiếu nước sinh hoạt, người dân Đà Nẵng lại được cá nhân có trách nhiệm của Dawaco đề cập đến thủy điện ở thượng nguồn tích nước dẫn đến sông Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn. Tháng 11/2018, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản gửi Đảng đoàn HĐND TP và Ban Cán sự Đảng UBND TP yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; báo cáo về đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước; báo cáo về hoạt động sản xuất, kinh doanh, vốn và nhân sự chủ chốt của Cty cổ phần cấp nước Đà Nẵng sau khi được cổ phần hóa.
Ngày 13/11, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, tiếp tục ký văn bản gửi sở ngành liên quan - đặc biệt là Dawaco, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo, giải trình về nguyên nhân thiếu nước sạch trên địa bàn TP; xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý, vận hành hệ thống nước sinh hoạt đồng thời yêu cầu các bên liên quan báo cáo về Dự án Nhà máy nước Hòa Liên (có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 1.243,7 tỷ đồng).
Trong khi câu hỏi “Có hay không nhóm lợi ích trong cung cấp nước sinh hoạt ở TP Đà Nẵng?” chưa được đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng trả lời thì việc cúp nước sinh hoạt ở TP này tái diễn với mức độ nghiêm trọng hơn, quy mô lớn hơn, trên địa bàn toàn TP. Phía sau những dòng thông báo cúp nước lạnh lùng, vô cảm, là khoảng trống mênh mông, im lặng đáng sợ bởi chưa bao giờ hàng triệu khách hàng của doanh nghiệp độc quyền Dawaco được cam kết bồi thường sau sự cố, cúp nước. Quý 1/2019, Đà Nẵng đón 1,8 triệu du khách. Nếu tiếp tục tái diễn tình trạng cúp nước toàn TP giữa mùa hè, rất nhiều du khách sẽ buộc phải cân nhắc khi lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến trong hành trình du lịch.