Khai báo tại tòa, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói, bản thân tôn trọng cáo trạng và chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Ngày 23/7, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác tiếp tục được diễn ra tại TAND TP.Hà Nội.
Tôn trọng cáo trạng
Trả lời những câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trịnh Văn Quyết nói: “Tôn trọng cáo trạng, đồng ý với cáo trạng”. Theo lời khai của bị cáo Quyết, Quyết là người chỉ đạo Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC) mua lại Công ty Green Belt (công ty tiền thân của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros) nhưng mua với giá bao nhiêu, Quyết không nhớ.
Cựu Chủ tịch FLC thừa nhận những nội dung nêu trong cáo trạng là đúng. Quá trình khai báo, cựu Chủ tịch FLC khẳng định chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Bị cáo Quyết khẳng định việc mua lại doanh nghiệp (DN) và thành lập DN là để làm về lĩnh vực xây dựng.
“Tôi luôn mong muốn có một công ty xây dựng để làm xây dựng cho Tập đoàn FLC. Nếu phát triển hơn nữa thì làm xây dựng cho các công ty ngoài hệ thống FLC”, bị cáo Quyết nói và cho biết, đến thời điểm trước khi bị bắt, bản thân bị cáo Quyết đã làm được việc đó. Trước khi dừng lời, bị cáo Quyết nói: “Hành vi của bị cáo như nào, cáo trạng đã mô tả. Bị cáo chấp nhận mọi phán quyết của HĐXX”.
Trong vụ án này, bị cáo Quyết bị truy tố về 2 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “thao túng thị trường chứng khoán”.
Chỉ làm theo chỉ đạo của anh trai
Tương tự anh trai, em gái của cựu Chủ tịch FLC là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế cũng bị Viện KSND tối cao truy tố 2 tội danh trên.
Cụ thể, về hành vi tăng vốn điều lệ Công ty Faros, theo lời khai của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, Quyết giao cho Huế chuẩn bị hồ sơ và đưa hồ sơ cho người thân, người quen ký, nhờ họ đứng tên cổ đông, nộp tiền, rút tiền.
“Anh Quyết đưa danh sách nhiều người trong đó có đánh dấu sẵn, ghi số lượng cổ phần. Bị cáo chỉ đánh máy lại danh sách và có thêm tiêu đề Danh sách cổ đông Công ty Faros, rồi đưa lại cho anh Quyết” - Huế khai.
Ở hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, bị cáo Huế cũng khai rằng bản thân đã thực hiện theo chỉ đạo của anh trai. Cụ thể, bị cáo Quyết bảo mượn CMND thì Huế làm, rồi báo cáo lại.
Các hành vi khác, Trịnh Thị Minh Huế đều nói thực hiện theo lời anh trai. Khi cần mua bán chứng khoán, đầu ngày, Quyết sẽ nhắn tin, gọi điện báo dùng tài khoản nào, mua mã nào, giá bao nhiêu, Huế đặt lệnh như vậy. Hàng ngày, bị cáo Quyết đều nhắn tin nhiều lần. Cứ khi nào nhận được tin nhắn, Huế sẽ thực hiện đặt lệnh ngay.
Theo cáo trạng, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi gian dối, tăng khống vốn chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.500 tỉ đồng, sau đó hoàn thiện thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán.
Bị cáo sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Để chiếm đoạt tiền, Quyết giao Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động, để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống, trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.
Với động cơ, thủ đoạn nêu trên, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.620 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo cáo trạng, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái mượn giấy tờ cá nhân của 45 cá nhân là người thân, nhân viên thuộc FLC để mở 500 tài khoản chứng khoán cá nhân, pháp nhân tại nhiều công ty chứng khoán.
Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế, để Huế chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga cấp khống tiền cho các tài khoản do Huế quản lý, sử dụng và để Huế thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Để thao túng các mã chứng khoán trên, các bị cáo đã liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở/đóng cửa, đặt lệnh mua/bán, sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả, thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu nói trên, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Em gái ông Trịnh Văn Quyết xin giảm nhẹ hình phạt
Trong phần xét hỏi trước đó, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS - em gái Trịnh Văn Quyết) thừa nhận hành vi phạm tội. Nga cũng thừa nhận có nhờ nhân viên cấp dưới cho mượn thông tin để đưa Huế mở tài khoản chứng khoán, lập hợp đồng ủy thác. Nội dung hợp đồng, bị cáo không nắm rõ vì lúc đó Huế mang hồ sơ đến phòng làm việc của bị cáo rồi nhờ nhân viên qua phòng ký.
Em gái cựu Chủ tịch FLC cho biết bản thân không được bàn bạc, không được hưởng lợi gì, chỉ là người làm công ăn lương và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Theo cáo buộc, bị cáo Nga đã giúp ông Quyết, bà Huế ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư để hợp thức hóa việc nâng khống vốn góp của Công ty Faros, giúp ông Quyết niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên sàn HOSE rồi bán chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Bị cáo Nga còn chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng để thao túng giá đối với 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, ART, FLC.