Ngày 6/3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án 2 bị cáo trong vụ “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội).
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt bị cáo Trương Quang Việt (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) 36 tháng tù treo về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo HĐXX, bị cáo Việt thông đồng với Công ty Việt Á khi mua kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại hơn 9 tỷ đồng, song đã nộp lại 500 triệu đồng nhận “cảm ơn” từ Công ty Việt Á.
Cùng tội danh trên, bị cáo Lê Minh Tuyến (cựu Trưởng phòng Tài chính CDC Hà Nội) bị tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Cả 2 bị cáo đều được đánh giá có nhiều thành tích trong công tác, ăn năn, thành khẩn. Riêng bị cáo Việt, tòa ghi nhận bị cáo được đào tạo chuyên ngành tim mạch, từng có thời gian chuyên trách theo dõi sức khỏe cho lãnh đạo, có nhiều đóng góp cho ngành y tế.
“Mặt khác, sai phạm của các bị cáo diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, các bị cáo thực hiện việc mua sắm với mong muốn có sản phẩm kit xét nghiệm để phục vụ phòng, chống dịch. Hơn thế, CDC Hà Nội cũng có đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho cả hai bị cáo. Do đó, việc tuyên án treo đối với các bị cáo là phù hợp, nhằm tạo điều kiện để cả hai được tiếp tục cống hiến cho xã hội...” - bản án nêu.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, tháng 6/2020, khi đang làm Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bị cáo Việt được điều động phụ trách CDC Hà Nội trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. CDC Hà Nội trước đó mua 61.100 kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á nhưng chưa trả tiền. Ngay khi về CDC Hà Nội, hai bị cáo Việt và Tuyến mời Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đến họp, thống nhất việc thanh toán và cách để đảm bảo Công ty Việt Á sắp tới trúng thầu bán kit xét nghiệm cho CDC Hà Nội.
Khi được báo cáo nhu cầu bổ sung hơn 45.000 kit xét nghiệm trong khi còn nợ Công ty Việt Á rất nhiều tiền, bị cáo Việt chỉ đạo cấp dưới xây dựng tính năng kỹ thuật của kit xét nghiệm khi đấu thầu để đảm bảo Công ty Việt Á trúng thầu, đồng thời “có lợi nhuận, bù vào số tiền CDC Hà Nội chưa thanh toán”. Công ty Việt Á cũng chủ động phối hợp CDC Hà Nội để cùng làm hồ sơ, cung cấp bảng chào giá, những tính năng bắt buộc phải đưa vào hồ sơ mời thầu, nhằm đảm bảo Việt Á trúng thầu.
Ngày 6/8/2020, khi có phiếu đề xuất mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trong đó có 38.300 kit xét nghiệm, đơn giá 470.000 đồng/kit xét nghiệm, tổng giá trị 18 tỷ đồng, bị cáo Việt ký duyệt. Dựa trên các thông số trước đó đã trao đổi với Công ty Việt Á, bị cáo Việt tiếp tục chỉ đạo cấp dưới cung cấp thông tin về kit xét nghiệm Công ty Việt Á cho cơ quan thẩm định giá để ban hành chứng thư thẩm định với thông số kỹ thuật đặc thù, chỉ Công ty Việt Á mới có.
Sau khi CDC Hà Nội đăng hồ sơ mời thầu, chỉ có Công ty Việt Á nộp hồ sơ và trở thành nhà cung cấp. Các kit xét nghiệm của Việt Á, theo nhà chức trách, có giá trị tối đa là 143.000 đồng/kit xét nghiệm. Do đó, thiệt hại của vụ án là số tiền chênh mà CDC Hà Nội đã trả cho Công ty Việt Á hơn 9 tỷ đồng. Sau khi đấu thầu thành công việc cung cấp vật tư, CDC Hà Nội được Công ty Việt Á “cảm ơn” 1,3 tỷ đồng. Bị cáo Lê Minh Tuyến là người nhận tiền từ Phó Tổng Giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp, rồi mang lên phòng làm việc của bị cáo Việt đưa 500 triệu đồng. Số còn lại, bị cáo Tuyến hưởng lợi 200 triệu đồng, còn chia cho các đồng nghiệp, song những người này phủ nhận, xin vắng mặt tại tòa.
Tại tòa, cựu giám đốc CDC Hà Nội khai suốt quá trình đấu thầu kit xét nghiệm, không gặp riêng với cá nhân lãnh đạo nào của Công ty Việt Á, mà chỉ 2 lần gặp ở trụ sở khi Công ty Việt Á tới gửi công văn đòi tiền. Bị cáo Việt khai, do chuyên môn tim mạch, không hiểu rõ các tiêu chuẩn của kit xét nghiệm nên đã giao phòng, ban chuyên môn, không nhận ra chỉ đạo vậy là có lợi cho Công ty Việt Á.
Cựu giám đốc CDC Hà Nội thừa nhận có cầm “quà cảm ơn” của Việt Á, do bị cáo Tuyến tiếp nhận.