Cựu quan chức đường sắt nhận lót tay bị đề nghị đến 13 năm tù

Lê Anh Đức 27/10/2015 00:59

Ngày 26/10, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm các cựu quan chức ngành đường sắt bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi. Dù các luật sư cố chứng minh các bị cáo không phạm tội vì không có nguyên đơn dân sự (bị hại), song đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố vẫn đề nghị các hình phạt nghiêm khắc cho từng bị cáo.

Cựu quan chức đường sắt nhận lót tay bị đề nghị đến 13 năm tù

Các bị cáo tại phiên xét xử.

Nhận hối lộ hay lợi dụng chức vụ?

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, ngày 9/9/2009, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến đường sắt đô thị tuyến số 01 với liên danh gồm 8 nhà thầu (JKT), trong đó 5 nhà thầu Nhật Bản và 3 nhà thầu Việt Nam, do JTC (Nhật Bản) đứng đầu.

Hợp đồng có tổng trị giá hơn 2,9 tỷ Yen Nhật và hơn 320 tỷ đồng bằng vốn vay ODA và vốn đối ứng của Việt Nam. Nhưng do tăng khối lượng công việc thiết kế cơ bản và thiết kế kỹ thuật, JKT đề xuất thay đổi một số thông số và nội dung của dự án, dẫn đến phải điều chỉnh giá trị hợp đồng tư vấn tăng 7,68% (tương ứng hơn 703 triệu yen và gần 84,5 tỷ đồng).

Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, Phạm Hải Bằng- nguyên PGĐ Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU), với tư cách là Chủ nhiệm dự án tuyến đường sắt số 01 nêu khó khăn của RPMU về chi phí triển khai thực hiện dự án nên được đại diện JTC đồng ý hỗ trợ.

Sau đó, JTC đã hỗ trợ khoảng 69,9 triệu Yên Nhật (tương đương khoảng 11 tỷ đồng) cho RPMU. Số tiền này, các bị can sử dụng vào các hoạt động liên quan đến dự án như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại, chi nghỉ mát, thưởng ngày lễ, tết cho cán bộ nhân viên...

Viện KSND tối cao đánh giá: Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của các bị cáo Phạm Hải Bằng và đồng phạm để thỏa thuận với nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng để sử dụng là đã làm trái công vụ được giao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam; ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA.

Tiền hỗ trợ hay chi phí trong hợp đồng?

Thẩm vấn tại tòa, bị cáo Phạm Hải Bằng rất lúng túng trong việc xác định khoản tiền 11 tỷ đồng là tiền JTC “hỗ trợ” RPMU khắc phục khó khăn, đẩy nhanh dự án, hay đó là khoản chi phí bắt buộc mà nhà thầu tư vấn phải chịu đã được nêu trong hợp đồng.

Vào buổi sáng, khi HĐXX hỏi thì bị cáo Bằng cho rằng khoản tiền 11 tỷ đồng là chi phí mà phía JTC hỗ trợ cho RPMU để đẩy nhanh tiến độ dự án. Song, đầu giờ chiều, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo này lại khẳng định khoản tiền trên là tiền chi phí bắt buộc đã có trong hợp đồng mà phía nhà thầu tư vấn phải chịu. Trước câu hỏi của HĐXX: Sáng trả lời một kiểu, giờ trả lời lại khác thì đâu là câu trả lời đúng, bị cáo Bằng lúng túng không giải thích được.

Theo quan điểm của các luật sư bào chữa, trong hợp đồng có điều khoản nêu rõ nhà thầu tư vấn phải chịu mọi trách nhiệm, trong đó có chi phí cho tới khi ra được tới sản phẩm cuối cùng. Do vậy, việc JTC chi thêm 11 tỷ đồng để Phạm Hải Bằng và các đồng phạm lo lót, đẩy nhanh tiến độ dự án là không vi phạm pháp luật.

Các luật sư trong lúc thẩm vấn bị cáo Bằng và một số bị cáo khác đã hướng tới ý là do UBND TP Hà Nội yêu cầu quá nhiều cuộc họp để lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện (có dự án đường sắt đô thị chạy qua) nên phát sinh chi phí, trong khi hợp đồng quy định nhà thầu tư vấn phải chịu trách nhiệm cho tới khi ra sản phẩm cuối cùng nên việc JTC phải chi thêm 11 tỷ đồng là đương nhiên.

Trước cách “dẫn dắt” hướng khai báo cho các bị cáo của luật sư, HĐXX đã đưa ra câu hỏi để kết thúc phần thẩm vấn: Bị cáo Bằng cho HĐXX biết khoản tiền 11 tỷ đồng mà JTC “hỗ trợ” RPMU như lời khai của bị cáo có được quyết toán trong sổ sách kế toán không?

Có phạm tội hình sự?

Ngoài việc đưa ra dẫn chứng về điều khoản hợp đồng có quy định nhà thầu tư vấn phải chịu trách nhiệm cho tới khi ra được sản phẩm cuối cùng, để chứng minh các bị cáo thực hiện đúng chức trách, không lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái công vụ dẫn tới vi phạm pháp luật.

Các luật sư còn khẳng định, để cấu thành tội phạm hình sự cần có nguyên đơn dân sự (tức bị hại) và nguyên đơn dân sự phải chứng minh được thiệt hại của mình. Song, trong phiên tòa này, không có bất cứ ai là nguyên đơn dân sự của vụ án.

Một số luật sư còn hỏi bị cáo Bằng là trong quá trình điều tra đã bao giờ CQĐT thông báo cho các bị cáo việc phía JTC của Nhật Bản có ý kiến đề nghị làm rõ khoản tiền 69,9 triệu Yen đã đưa cho RPMU để đẩy nhanh tiến độ dự án chưa?

Khi nhận được câu trả lời của Phạm Hải Bằng và đồng phạm là chưa bao giờ, các luật sư cho rằng như vậy là phía bị hại không yêu cầu làm rõ nghĩa là họ không bị thiệt hại. Mà đã không có thiệt hại và không có bị hại thì không thể xét xử vì không cấu thành tội phạm hình sự.

Tuy nhiên, đại diện Viện KSND TP Hà Nội được Viện KSND tối cao ủy nhiệm, giữ quyền công tố tại tòa vẫn bảo lưu quan điểm, hành vi kêu ca khó khăn để nhận khoản tiền 11 tỷ đồng ngoài hợp đồng từ JTC của Phạm Hải Bằng và các đồng phạm là đã cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt: Phạm Hải Bằng (46 tuổi) 11-13 năm tù giam, Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên Trưởng phòng Thực hiện dự án 3) 10-12 năm tù giam, Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên PGĐ RPMU) 8-10 năm tù giam, Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên GĐ RPMU) 6-8 năm tù giam, Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên Phó TGĐ VNR) 7-9 năm tù giam, Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên GĐ RPMU) 7-9 năm tù giam.

Sáng nay (27/10), phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Hải Bằng và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận giữa các luật sư và đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cựu quan chức đường sắt nhận lót tay bị đề nghị đến 13 năm tù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO