Ngày 16/9, Bệnh viện Đa khoa Trung ương (ĐKTƯ) Cần Thơ cho biết vừa tiến hành phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân bị áp xe trung thất nguy kịch.
Bệnh nhân Mai Qương đang được tiếp tục theo dõi.
Bệnh nhân nam tên Mai Qương, 59 tuổi, quê quán huyện Trần Đề tỉnh Sóc Trăng. Theo người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân bị sưng đau vùng cổ 2 bên, sau đó lan xuống ngực nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng 5 ngày sau đó chuyển đến Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ với chẩn đoán áp xe cổ-áp xe trung thất.
Khi nhập viện tại Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ bị cấp cứu suy hô hấp, nhiễm trùng nhiễm độc, cổ bạnh ra do tràn khí dưới da.
Sau đó bệnh viện tiến hành CT scaner ngực phát hiện tổn thương tụ dịch, khí vùng cổ đi từ xương móng, lan đến thất trước, khả năng áp xe vùng cổ; tràn dịch màng tim; tổn thương phế nang kèm xơ hóa đỉnh phổi (P), khả năng viêm; tràn dịch màng phổi hai bên. Sau đó siêu âm kết quả tràn dịch màng phổi 2 bên lượng ít chuẩn đoán: áp xe cổ lan xuống trung thất, tràn dịch màng tim tiên lượng rất nặng. Xác định đây là một ca cấp cứu ngoại khoa, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cấp cứu làm sạch áp xe cổ qua đường mở ngực.
Theo Bs.CKII. Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết đây là bệnh rất nặng kết hợp bệnh nội khoa tim mạch, tuy nhiên sau khi được phẫu thuật kịp thời, hiện tại, sau 11 ngày được điều trị và chăm sóc tích cực tại khoa Gây mê hồi sức bệnh nhân hồi phục tốt, hết sốt, tỉnh táo, ngưng thở máy, da niêm hồng, dấu hiệu sinh tồn ổn định, được chuyển đến phân khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu theo dõi, điều trị và chăm sóc.
Theo Ths Bs. Liêu Vĩnh Đạt: Áp-xe trung thất là một thể nhiễm trùng nặng, hậu quả của thủng thực quản do tai biến nuốt phải dị vật, sau soi thực quản hay bệnh lý vùng hầu họng như: do bệnh lý răng miệng (nhổ răng, viêm tấy sàn miệng lan tỏa), nhưng phát hiện muộn do người bệnh đến bệnh viện muộn gây thủng làm viêm lan tỏa vào trung thất, hoặc sau phẫu thuật vùng ngực như mổ tim mở gây viêm xương ức lan tỏa vào vùng trung thất. Mặc dù có những tiến bộ về chẩn đoán, điều trị phẫu thuật, thuốc kháng sinh... nhưng áp xe trung thất gây tỷ lệ tử vong còn rất cao.