Sáng 8/1, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương (ĐKTƯ) Cần Thơ cho biết: Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện vừa cứu sống một sản phụ còn rất trẻ sau sanh nguy kịch vì suy đa cơ quan với nguy cơ tử vong rất cao nhờ áp dụng cùng lúc 2 phương pháp điều trị là thay huyết tương và lọc máu liên tục.
Bác sĩ đang tiếp tục chăm sóc cho bệnh nhân
Bệnh nhân N.T.K.Ngân, nữ 19 tuổi quê ở Vị Thanh, Hậu Giang, trước đó được chuyển viện từ Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hậu Giang vào ngày 30/12/2019 với chẩn đoán: Suy đa cơ quan - Hậu phẫu mổ lấy thai ngày thứ 3 do suy thai cấp-Rối loạn đông máu- Song thai 33 tuần.
Bệnh nhân Ngân nhập viện Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ với tình trạng tỉnh, da niêm vàng, bụng chướng, xuất huyết da niêm. Tuy nhiên sau 8 giờ nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng khó thở tăng dần, bứt rứt trả lời sai câu hỏi, lâm sàng diễn tiến xấu.
Hội chẩn cấp bệnh viện thống nhất chẩn đoán: Nhiễm trùng huyết biến chứng suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng, giảm tiểu cầu, tràn dịch đa màng/Hậu phẫu mổ lấy thai N3– Theo dõi hội chứng HELLP. Trong đó, tình trạng suy gan cấp của bệnh nhân diễn tiến ngày càng nặng dẫn đến hội chứng não gan gây rối loạn tri giác. Đồng thời bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy hô hấp mức độ nặng cần can thiệp đặt nội khí quản và thở máy.
Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, Ê kíp lọc máu liên tục do Ths.BS Nguyễn Hoàng Du đã tiến hành thay huyết tương và lọc máu liên tục cho bệnh nhân ngay trong ngày 1/1/2020.
Sau 7 ngày điều trị tại khoa Hồi Sức Tích Cực của Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ, bệnh nhân Ngân đã hồi phục dần, ngưng thở máy và đã rút ống nội quản. Đến sáng 8/1 bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, sinh hoạt gần như bình thường.
Theo Bác sĩ CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ, suy đa cơ quan là tình trạng diễn biến cấp tính của một quá trình bệnh lý có căn nguyên nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng trong đó có suy ít nhất hai cơ quan trở lên và tồn tại ít nhất trong vòng 24 giờ. Riêng suy đa cơ quan mà nguyên nhân có liên quan nhiễm trùng chiếm tỉ lệ 60-81,5%. Trong đó biến chứng suy gan cấp được xem là biến chứng nặng có tỷ lệ tử vong cao 50 -90% nếu không điều trị hợp lý.Và cho dù bệnh nhân được can thiệp lọc máu liên tục là phương pháp kỹ thuật cao điều trị bệnh lý này thì tỉ lệ tử vong vẫn ở mức cao 60,9%...