Tòa án Tối cao Thái Lan hôm 25/8 cho hay, họ đã đưa ra lệnh truy nã đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau khi bà không xuất hiện trước tòa để nghe tuyên án trong vụ xét xử về tội tắc trách đã diễn ra suốt 2 năm qua.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xuất hiện trước những người ủng hộ hôm 21/7 vừa qua. (Nguồn: CNN).
Luật sư của bà Yingluck, Norawat Larleang, đã nói trong phiên tòa hôm thứ Sáu rằng bà Yingluck bị ốm nên không thể nghe tuyên án, nhưng lại không đưa ra được giấy tờ khám sức khỏe để chứng thực điều này, khiến cho tòa án bác bỏ lời giải thích trên. Vị luật sư sau đó nói rằng ông không biết bà Yingluck đang ở đâu, trong nước hay đã ra nước ngoài.
Khoản tiền bảo lãnh 30 triệu baht (900.000 USD) của bà, được đưa ra khi phiên tòa xét xử bắt đầu cách đây hơn 2 năm, đã được sung công.
Cựu Thủ tướng Thái Lan đối mặt với 10 năm tù gian vì tội tắc trách khi đưa ra chương trình trợ giá lúa gạo, điều khiến cho quốc gia này thất thu hàng tỷ USD. Toàn án đã đặt ra thời hạn chót mới là ngày 27/9 để tuyên án.
Hàng trăm người ủng hộ bà Yingluck, những người đã chờ đợi bên ngoài tòa án hôm thứ Sáu vừa qua, đã nhanh chóng giải tán ngay khi nghe tin bà không xuất hiện.
Cảnh sát đã triển khai 3.000 sỹ quan trên các tuyến phố trước buổi tuyên án để ngăn chặn các vụ biểu tình có thể xảy ra. Có thời điểm cảnh sát đã phải dàn hàng ngang trước tòa án để đảm bảo an ninh.
Trong sáng 25/8, có khoảng 1.000 người ủng hộ đã tụ tập bên ngoài tòa án để nghe bản án cho bà Yingluck. Họ đứng sau rào chắn của cảnh sát và đứng trên các tuyến phố gần đó. Nhiều người còn vận đồ đen để tưởng nhớ Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người qua đời vào tháng 10 năm ngoái.
Những người biểu tình vẫn quyết tâm đến phiên tuyên án này bất chấp lời kêu gọi mà bà Yingluck đưa ra trên Facebook trước đó rằng họ nên ở nhà do các vấn đề về an ninh. Nhiều người còn bất chấp quy định khu vực được biểu tình mà cảnh sát lập sẵn để tới khu vực tòa án tối cao.
"Bất ngờ lớn"
Việc bà Yingluck không xuất hiện trước tòa được xem là một "bất ngờ lớn" đối với hầu hết người dân ở Thái Lan, ông Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Chulalongkorn, nhận định. "Xem cách mà bà ấy phản kháng đến cùng thì đáng lẽ ra bà đã phải luôn sẵn sàng đối diện với bản án này. Nhưng giờ bà ấy lại nghĩ tới việc bỏ trốn", ông Thitinan nói.
Ông Thitinan nói rằng quyết định của bà Yingluck trong việc không xuất hiện trong buổi tuyên án sẽ khiến cho chính phủ nước này buộc phải mạnh tay hơn.
"Họ đáng lẽ không muốn tống bà ấy vào tù trong bối cảnh hiện nay, nhưng việc bà ấy không xuất hiện ngày hôm nay đã cho họ lý do để làm vậy" - ông Thitian nói.
Thêm vào đó, theo vị chuyên gia này, có rất ít khả năng sự việc này sẽ gây ra tình trạng bất ổn ở Thái Lan. "Chính phủ đã sớm ngăn chặn các cuộc biểu tình. Trong khi đó người ủng hộ của bà Yingluck lại rải khắp đất nước này nên rất khó để họ huy động biểu tình", ông Thitinan nhận định.
Rời bỏ quyền lực
Khi tuyên thệ nhậm chức năm 2011, bà Yingluck đã trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan và cũng là Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong vòng 60 năm tại đất nước này.
Là em gái của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, bà Yingluck đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014 và sau đó bị Quốc hội được quân đội chỉ định của nước này luận tội.
Vào thời điểm bị lật đổ, bà Yingluck từng nói rằng bà đã hành động với lòng trung thực trong lúc còn là Thủ tướng. "Tôi cam kết rằng tôi đã tuân thủ đúng các quy định cảu Hiến pháp, luật pháp của đất nước", bà viết trên tài khoản mạng xã hội.
Chương trình trợ giá lúa gạo, được áp dụng năm 2011, cam kết sẽ thu mua lúa gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường, nhưng cuối cùng lại làm thất thoát hàng tỷ USD.
Nhiều nhà phê bình cho rằng chương trình này đã làm tiêu tốn ngân sách quốc gia để làm hài lòng các cử tri vùng nông thôn, ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo và để lại cho chính phủ các kho dự trữ lúa gạo khổng lồ mà không thể bán ra mà không chịu lỗ.
Trong khi đó, bà Yingluck khẳng định rằng chương trình này "có lợi cho người nông dân và cho đất nước" và tuyên bố cho rằng nó gây thất thoát là sai trái, có động cơ chính trị nhằm chống lại bà.
Bà Yingluck cuối cùng bị Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan (NACC) điều tra vì vấn đề này và bị đem ra xét xử. Tiến trình này đã kéo dài suốt 2 năm qua.
Ngay trước cuộc đảo chính năm 2014, một tòa án ở Thái Lan đã ra lệnh cho bà Yingluck phải rời nhiệm sở sau khi kết luận bà vi phạm Hiến pháp trong việc điều chuyển một quan chức an ninh cấp cao năm 2011.