Xây dựng pháp luật để ngăn chặn tội ác, tuy nhiên làm sao ngăn chặn, cứu vớt từ gốc, đó là việc xây dựng đạo đức con người.
Ảnh minh họa.
Thời gian qua, nhân dân ta đang tích cực góp ý kiến tiếp tục xây dựng, sửa đổi Bộ luật Hình sự, mục đích để ngăn chặn tội phạm, giáo dục, cứu vớt con người, đảm bảo sự yên bình xã hội. Cũng thời gian qua, các vụ trọng án, đau lòng vẫn liên tục xảy ra, không ít liên quan đến đạo đức con người. Thậm chí nhiều vụ án với những nỗi đau tột cùng: con hại cha mẹ, vợ chồng, anh em hại lẫn nhau. Xây dựng pháp luật để ngăn chặn tội ác, tuy nhiên làm sao ngăn chặn, cứu vớt từ gốc, đó là việc xây dựng đạo đức con người.
Vụ án tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) vừa được đưa ra xét xử phúc thẩm (ngày 11/9). Tòa đã y án sơ thẩm đối với kẻ từng được coi là có học- bác sĩ, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Mạnh Tường với 19 năm tù giam. Và rồi dù cho án 19 năm tù giam, hay án có nặng hơn đi chăng nữa, dư luận xã hội cũng không mấy ai băn khoăn, ái ngại cho kẻ ác, mất nhân tính này.
Chuyện hành vi lập Trung tâm trái pháp luật, sơ suất vì nghiệp vụ gây chết người khi hành nghề người ta còn có thể thông cảm, nhưng việc đã gây chết người, còn ném xác xuống sông thì không ai có thể chấp nhận được.
Ngay sau ngày xử vị bác sĩ mất nhân tính, ngày 12/9, người dân thành Nam (Nam Định) lại kinh hoàng khi hay tin Đỗ Đức Mạnh Hùng (ở phường Trần Quang Khải, TP Nam Định) đã sát hại cả cha và mẹ y. Đành rằng, hành vi gây tội ác tột cùng này từ sự tiếp tay, dẫn dắt của ma túy, nhưng không thể bỏ qua sự xuống cấp đạo đức trong con người y. Không ít kẻ cũng đã nghiện ma túy, cũng phê thuốc, nhưng trong vô thức, trong hành vi vẫn còn có tính người, tình người. Còn như kẻ thủ ác như Hùng thì y đã mất tất cả, từ tình người đến tính người.
Cũng lại đêm 13/9, vì giận vợ mà Nguyễn Hoài Tâm ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã phóng hỏa đốt nhà. 4 người đã chết trong đó ngoài Tâm còn có 3 con ruột của anh ta. Những đứa trẻ tội nghiệp đã chết oan uổng trong cơn lửa giận của người cha...
Có thể nói, ngày nào cũng xảy ra những vụ án liên quan đến đạo đức con người, nhân cách, nhân tính. Các vụ án liên quan đến đạo đức con người này đều là những vụ án hết sức đau lòng. Hậu quả của những vụ án do những kẻ thiếu đạo đức, mất hết nhân tính gây ra luôn là những vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, hết sức nghiêm trọng. Nếu như kẻ thủ ác còn chút tình người, tính người, thì mọi sự đã khác.
Câu chuyện về pháp trị hay đức trị từng đã là đề tài nhiều đời tranh luận, được nhiều các thể chế xã hội áp dụng, chứng minh. Mọi hình thái đều có những mặt tích cực, mặt hạn chế, bất cập.Việc áp dụng sáng tạo, hài hòa vào trong mỗi xã hội, điều kiện, hoàn cảnh là bí quyết thành công của các nhà quản lý xã hội. Tuy nhiên, pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng ở bất cứ xã hội nào dù cho có đề ra các chế tài nặng hay nhẹ, ngoài mục tiêu chính là bình ổn xã hội thì vẫn phải là mục tiêu giáo dục, răn đe, cứu vớt con người.
Nước ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng cuối cùng cũng vì mục tiêu hạnh phúc của dân, mọi người dân. Và như vậy, vấn đề giáo dục, cải tạo con người, bảo vệ, nâng cao xây dựng đạo đức con người vẫn phải là cái vế được xem trọng. Đây là việc triệt tiêu cái ác, tội ác từ trong gốc rễ.
Việc xây dựng đạo đức con người, nâng tính thiện con người, đưa con người từ cõi xấu sang cõi tốt thật chẳng dễ dàng.Trách nhiệm của nhà quản lý, trách nhiệm của các đoàn thể, của họ hàng, gia đình, người thân. Ai sẽ chăm lo đến “phần hồn” cho họ? Khi người ta vô trách nhiệm với nhau, thiếu trách nhiệm khi làm việc, thiếu trách nhiệm với người thân để mặc họ trượt ngã thì hậu quả sẽ khôn lường. Không chỉ kẻ sa ngã sẽ nhận hậu quả mà chính những người vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm cũng nhận hậu quả liên đới.
Xây dựng pháp luật đồng bộ, chặt chẽ là việc cần phải làm. Để cho pháp luật đến với mọi người dân, thấm vào mỗi người dân lại càng quan trọng. Làm sao để pháp luật luôn là ngọn roi giơ lên, để cho người ta phải nhìn thấy để đi cho đúng đường, nhắc nhở con người đi vào đường tốt? Làm sao tránh tình trạng, luật vừa làm xong, người dân chưa kịp hiểu đã lại phải sửa? Sự hạn chế của con người, của cơ quan làm luật đã đành, nhưng hạn chế trong công tác tuyên truyền, đưa luật đến với mỗi người dân cũng là một thực tế.
Tổng kết công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật mới đây, chính Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật đã đánh giá, việc phổ biến giáo dục pháp luật còn theo phong trào, chưa đi vào chiều sâu, thiếu thực chất, chưa sát với nhu cầu của người dân tại cơ sở. Ngay cả những hội đồng, cán bộ làm công tác này cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa thực sự quan tâm, sát sao...
Rất khó là khi việc tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ lại chỉ mang tính xã hội, không mang tính lợi nhuận trước mắt, chưa thấy được những hiệu quả tức thời.
Chỉ khi mỗi vụ việc xảy ra, hậu quả xảy ra, người ta mới lại giật mình, mà rằng, giá như...