Đa dạng hóa hoạt động bảo tàng

Minh Quân 24/05/2021 06:30

Để thích ứng và giới thiệu những di sản văn hóa tới công chúng một cách hiệu quả, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (LSQG) đã có những điều chỉnh tiếp cận với khách tham quan trên cơ sở tích hợp và đa dạng hóa các hoạt động.

Giờ học Lịch sử online của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Theo thống kê về thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19 của Bảo tàng LSQG, số lượt khách tham quan Bảo tàng trong giai đoạn hiện nay giảm khoảng 93% so với trước đại dịch. Đây là một tổn thất to lớn của Bảo tàng trong việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, trong điều kiện khách không thể tham quan trưng bày, Bảo tàng đã có những thay đổi về hình thức trưng bày phù hợp để tiếp cận với khách tham quan, nhất là đối với các trưng bày chuyên đề, đó là kéo dài thời gian trưng bày chuyên đề, đến khi dịch bệnh được kiểm soát, khách tham quan trở lại tiếp tục phục vụ khách.

Đồng thời, Bảo tàng cũng chuyển hướng xây dựng trưng bày online, cụ thể là 2 chuyên đề “Di tích Bãi Cọi- nơi gặp gỡ các nền văn hóa” và “Đảng Cộng sản Việt Nam - từ Đại hội đến Đại hội”. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, kinh nghiệm thực hiện xây dựng Bảo tàng ảo 3D, Bảo tàng đang tiếp tục nghiên cứu, cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng trưng bày chuyên đề mới, đó là trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng LSQG”.

Bên cạnh việc duy trì hoạt động dành cho khách đến tham quan trực tiếp, Bảo tàng còn tổ chức nghiên cứu, xây dựng các chương trình Giờ học Lịch sử online (tính từ tháng 7/2020 đến hết năm 2020, Bảo tàng đã tổ chức 88 buổi Giờ học lịch sử online cho 1.370 học sinh, trong đó có cả trẻ em sinh sống tại nước ngoài).

Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm bên cạnh các hoạt động nghiên cứu thường xuyên tại Bảo tàng. Các đoàn cán bộ chuyên môn của Bảo tàng đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, kết hợp và tiến hành điều tra, khai quật những di chỉ khảo cổ học quan trọng như phối hợp với Sở VHTTDL Đắk Lắk, Bảo tàng Đắk Lắk khai quật di chỉ Thác Hai (huyện Ea Sup); phối hợp với Sở VHTTDL Bắc Giang, Bảo tàng Bắc Giang tổ chức khảo sát, lập kế hoạch nghiên cứu, khai quật di tích chùa Bình Long (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang)... Đặc biệt là việc kịp thời tiếp cận, sưu tầm những tài liệu, hiện vật về dịch Covid-19 được thực hiện trên cả 3 miền Bắc, Trung Nam.

Bảo tàng cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác tài liệu hóa, số hóa tài liệu, hiện vật phục vụ quản lý và trưng bày phát huy giá trị hiện vật; triển khai chương trình số hóa các sưu tập hiện vật gốc làm cơ sở, tiền đề cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trưng bày và phát huy giá trị di sản; nghiên cứu, thẩm định, xác minh và bổ sung thông tin, hoàn thiện hồ sơ quản lý hiện vật để hình thành các sưu tập, bộ sưu tập hiện vật theo chủ đề hoặc theo chất liệu hiện vật. Việc tư liệu hóa tài liệu, hình ảnh cũng được triển khai nhằm làm cơ sở để tiến tới xây dựng Thư viện số.

Theo TS Nguyễn Văn Đoàn- Giám đốc Bảo tàng LSQG, mặc dù Bảo tàng LSQG là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19. Nhưng hoàn cảnh không cản trở được sự nỗ lực chủ động thích ứng và khôi phục hoạt động của Bảo tàng. Việc phối hợp với các đơn vị theo phương thức hỗ trợ, hợp tác chia sẻ, đặc biệt là các hoạt động trưng bày, giới thiệu trưng bày, giáo dục, trải nghiệm, tương tác… được chú trọng.

Đây không chỉ là hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19 có thể kéo dài mà còn là xu hướng tất yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan không hoặc chưa thể đến Bảo tàng mà Bảo tàng vẫn giới thiệu được trưng bày, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đến rộng rãi công chúng.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Đoàn, để thực hiện hiệu quả hướng hoạt động này, trước hết, Bảo tàng sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ theo định hướng hoạt động mới, đồng thời phối hợp với các đơn vị về công nghệ để đẩy mạnh hoạt động số hóa tài liệu, hiện vật; ứng dụng công nghệ trong trưng bày và giới thiệu trưng bày.

Hơn nữa, trên cơ sở thực tiễn hiện nay cũng như xu hướng phát triển chung của các bảo tàng hiện đại, Bảo tàng tiếp tục hiện đại hóa (ứng dụng công nghệ, số hóa, điện tử hóa) đồng bộ trong các hoạt động khác của Bảo tàng như nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, quản lý, bảo quản tài kiệu, hiện vật, giáo dục, truyền thông, hợp tác quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đa dạng hóa hoạt động bảo tàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO