Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các bộ, ngành và địa phương đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên kết quả vẫn còn chưa đạt như kỳ vọng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ từ cơ chế điều phối, huy động nguồn lực cũng như sự phối hợp chủ động của các bộ ngành địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã trả lời phỏng vấn về những nhiệm vụ đang triển khai để khắc phục hạn chế, thúc đẩy khu vực ĐBCSL phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP.
PV:Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, theo quan điểm của Bộ trưởng, cần có những cơ chế tài chính, thu hút gì, để thu hút nguồn lực khác nhau vào khu vực ĐBSCL?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Để giải quyết căn cơ các vấn đề cấp bách của ĐBSCL (biến đổi khí hậu, hạ tầng kết nối giao thông, nguồn nước...) cần có các cơ chế, giải pháp dài hạn và ngắn hạn, huy động tổng hợp từ nhiều nguồn lực khác nhau như ngân sách Trung ương, ODA, trái phiếu Chính phủ, FDI, nguồn vốn ngoài ngân sách của khu vực tư nhân và cả sự tham gia của người dân.
Đối với nguồn vốn đầu tư công, trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, ngân sách Trung ương đã ưu tiên bố trí cho vùng ĐBSCL với tỷ lệ tương ứng với từng giai đoạn là 17% và 18,2% tổng kế hoạch nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ KH&ĐT đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ)... nghiên cứu, xây dựng khung và cơ chế tài chính thu hút nguồn lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất bổ sung 2 tỷ USD để đầu tư cho một số công trình, dự án cấp bách để thích ứng với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn, dự án giao thông liên kết vùng.... Ngoài ra, Bộ KH&ĐT sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội dành nguồn lực hợp lý hỗ trợ ưu tiên cho các mục tiêu như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, Bộ KH&ĐT đang chủ trì tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó,Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các đối tác quốc tế xây dựng Dự thảo cơ chế và chính sách ưu tiên để khuyến khích đầu tư tư nhân ở ĐBSCL. Cụ thể là một số giải pháp như xây dựng các chính sách tài chính, thuế ưu đãi, giải quyết khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng cho các dự án, điều chỉnh luật đất đai theo hướng đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, đảm bảo khả năng tiếp cận lâu dài đối với đất đai và các quyền sử dụng hợp pháp của các nhà đầu tư, tăng tính kết nối giữa các vùng chuyên canh, các cụm liên kết ngành với các trung tâm thương mại... Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đã hỗ trợ các địa phương trong Vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án theo các hình thức FDI, hợp tác công-tư (PPP)...
Xin Bộ trưởng cho biết, việc phê duyệt, giao vốn đầu tư công, thẩm định các dự án đầu tư cho các dự án trọng điểm, quy mô liên vùng được triển khai như thế nào? Hiện có vướng mắc gì cần giải quyết?
- Việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư của các dự án trọng điểm, quy mô liên vùng sử dụng vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Theo đó, tùy vào tính chất, quy mô của từng dự án, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng liên ngành hoặc giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đồng thời có những dự án giao cho Bộ, ngành, địa phương thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao đơn vị có chức năng để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Thời gian vừa qua cơ bản công tác này được triển khai tương đối tốt.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật đầu tư công sửa đổi số 39/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo đó, có nhiều đổi mới trong công tác thẩm định nguồn vốn, quyết định chủ trương đầu tư, giao kế hoạch các dự án đầu tư công theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, phân cấp triệt để cho các Bộ, ngành, địa phương tự tổ chức thẩm định nguồn vốn và phê duyệt chủ trương đầu tư của phần lớn các dự án.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn chế thì cần phải lựa chọn được các dự án trọng điểm, liên kết vùng xác đáng, có tác động lan tỏa tích cực và được sự đồng thuận của các địa phương trong vùng.
Vậy qua những vướng mắc hiện tại, Bộ KH&ĐT có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả các công việc cần triển khai, sự phối hợp của các bộ ngành như thế nào trong thời gian tới?
- Trước tiên cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật liên quan theo hướng minh bạch rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong triển khai thực hiện. Vừa qua, Bộ KH&ĐT đã tiên phong tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi nhiều văn bản pháp quy theo hướng phân cấp, phân quyền cho các địa phương.Ví dụ như việc sửa đổi Luật Đầu tư công như đã đề cập ở trên.
Thứ hai, sớm ban hành Quy chế điều phối vùng thông qua việc sửa đổi Quyết định 593/QĐ-TTg để xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các bộ, ngành và các địa phương trong thực hiện các nội dung liên kết, cơ chế đề xuất và thông qua các dự án liên kết vùng...
Cuối cùng, việc quan trọng là thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL có chất lượng, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững Vùng ĐBSCL./.
Xin cám ơn Bộ trưởng!