Giới chuyên gia cho rằng cách tính điểm nhân hệ số hiện không còn phù hợp, phần nào gây tâm lý học lệch cho học sinh. Mặc dù đã đề cập đến nhiều ở những mùa tuyển sinh vào lớp 10 trước, nhưng năm nay, nhiều địa phương vẫn giữ cách tính điểm nhân hệ số 2 môn Toán và Ngữ văn.
Lo ngại tình trạng học lệch
Thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024. Hầu hết các địa phương đều quyết định phương thức thi tuyển với 3 môn: Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ, trong đó có Hà Nội. Thông tin UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án đề xuất của Sở GDĐT về việc tổ chức thi 3 môn thay vì 4 môn để tuyển sinh lớp 10 trường công lập không chuyên năm học 2023 - 2024 đã giải tỏa tâm lý của học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.
Theo kế hoạch, kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11/6, sớm hơn so với năm học trước. 3 môn thi trong kỳ thi này gồm: Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ; trong đó môn Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2, môn Ngoại ngữ hệ số 1. Đây cũng là phương án tuyển sinh lớp 10 được nhiều địa phương lựa chọn. Tuy nhiên, cách tính điểm này đang nhận nhiều ý kiến không đồng tình, nhiều người cho rằng việc nhân hệ số điểm thi không còn phù hợp với chương trình giáo dục hiện nay.
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga, phụ huynh có con đang học Trường THCS Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, việc nhân hệ số môn Toán, Ngữ văn sẽ khiến học sinh có tâm lý dành thời gian ôn luyện vào các môn nhân đôi điểm, dẫn tới tình tình trạng luyện thi, dạy thêm, học thêm. Trong khi đó, ngoại ngữ là môn học rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Cô Nguyễn Mỹ Hảo - giáo viên Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm: “Trong xã hội hiện đại, ngoại ngữ đã trở nên rất phổ biến và quan trọng. Thậm chí một số trường đại học đã xét tuyển thẳng nếu học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 6.5 trở lên. Trong khi học sinh muốn đạt loại giỏi thì điểm trung bình các môn phải đạt yêu cầu. Việc nhân đôi hệ số môn Toán và Ngữ văn khiến học sinh chỉ tập trung 2 môn đó, xem nhẹ môn ngoại ngữ, dẫn tới tình trạng học lệch. Với sự phát triển của xã hội thời đại 4.0, mức độ quan trọng của các môn học phải là ngang nhau”.
Cần giải pháp tăng cơ hội học tập ở bậc THPT
Đã có một số địa phương bỏ cách tính điểm nhân hệ số 2 môn Ngữ văn, Toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. TPHCM, từ kỳ thi năm 2022 đã áp dụng cách tính điểm nhân hệ số 1 nhưng kết quả tuyển sinh vẫn đạt chất lượng tốt. Điều này cho thấy, dù cách tính điểm nhân hệ số 1 hay 2 cũng không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các kỳ thi.
TS Đỗ Viết Tuân - Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, việc nhân hệ số 2 điểm thi môn Toán và Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại nhiều địa phương có những điểm hợp lý riêng. Điều này có thể xuất phát từ việc số tiết học của 2 môn này trong chương trình phổ thông nhiều hơn các môn khác. Tuy nhiên, việc nhân đôi điểm Ngữ văn, Toán cũng nảy sinh tình trạng học sinh chạy đua học tập, học thêm các môn này nhiều hơn các môn còn lại, dẫn đến tình trạng học lệch, hay những thí sinh học tốt môn thứ 3 sẽ thiệt thòi hơn.
Ông Tuân cũng cho rằng, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng đến lớp 9 với cách kiểm tra đánh giá mới, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại các địa phương có thể sẽ thay đổi lớn. Tương tự như xét tuyển đại học hiện nay, nhiều trường đã không còn xét dựa vào các tổ hợp môn thi thông thường, thay vào đó là các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để đánh giá toàn diện người học.
Còn TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, không nên nhân hệ số 2 điểm số môn Toán và Ngữ văn. Lâu nay các địa phương vẫn nhân đôi điểm số 2 môn này đồng nghĩa với việc đang ngầm tăng mức độ quan trọng của 2 môn học này so với các môn học khác trong chương trình, trong khi bậc THCS nên để học sinh học đều tất cả các môn. Thi cử không nên làm thay đổi mục tiêu của giáo dục. Năng lực cần hình thành một cách toàn diện.
Mặt khác, với bậc THPT, không chỉ bàn về vấn đề tuyển sinh, mà cần nhìn rộng hơn là giải pháp nào để tăng cơ hội học tập ở bậc THPT cho học sinh ở độ tuổi này. Muốn vậy, ông Vinh cho rằng, Nhà nước cần xem xét mở rộng hệ thống các trường công lập, hoặc có các chính sách khuyến khích hơn nữa tư nhân tham gia vào giáo dục. Giáo dục THPT cần được nhìn nhận là sự cần thiết cốt yếu của phát triển bền vững. Những trường hợp học sinh không thể vào bậc THPT mới nên học nghề sau khi tốt nghiệp THCS.