Đã đến lúc chấm dứt dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á? - Bài 4: Khi nhà khoa học lên tiếng

NHÓM PHÓNG VIÊN 06/08/2023 07:22

Thời gian qua, xung quanh Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã có rất nhiều đánh giá những vấn đề được - mất của Dự án. Để có cái nhìn khách quan, toàn diện, khoa học về Dự án ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, chúng tôi xin trích lược một số ý kiến của nhà khoa học.

Sau 12 năm dừng khai thác, hiện tượng sa mạc hóa, tụt nước ngầm, sạt lở, cát bay, cát nhảy… đã ảnh hưởng đến người dân 5 xã vùng mỏ Thạch Khê.

Nhiều bất cập, sai sót

GS.VS Nguyễn Huy Mỹ - người trực tiếp tham gia nghiên cứu và tiếp cận nhiều tài liệu về Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê từ những ngày đầu đến nay, cho rằng: Các giai đoạn của quy trình thực hiện Dự án ở mỏ sắt Thạch Khê đã xảy ra nhiều bất cập, sai sót.

GS Nguyễn Huy Mỹ phân tích các vấn đề làm cơ sở khoa học để dừng Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê vào ngày 3/7/2023. Ảnh: BHT.

Theo GS Nguyễn Huy Mỹ, từ năm 1964, chuyên gia Nga và Việt Nam phát hiện mỏ quặng sắt ở xã Thạch Khê. Năm 1978, tiến hành khoan 43.000m thăm dò địa chất. Năm 1985, hoàn thành báo cáo về trữ lượng và chất lượng quặng sắt. Theo đó, mỏ quặng sắt ở Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, chất lượng quặng có hàm lượng Fe cao, hàm lượng kẽm Zn rất cao (xấp xỉ 0,07%), trong khi quặng sắt khác thường có chứa Zn khoảng < 0,01%.

Giai đoạn từ 1987 - 1997, các tổ chức ở Nga cho đến một số công ty của Đức, Nhật Bản, Úc, Mỹ… vào khảo sát, đặc biệt công ty của Đức đã khoan 3.000m và đưa về Đức 62 tấn quặng để xử lý, nhưng vì những lý do khác nhau, Dự án tiếp tục dừng nghiên cứu. Tháng 3/2007, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập. Sau đó, TIC đã tiến hành bóc đất tầng phủ ở Thạch Khê rồi thực nghiệm chạy xe trên cát... Việc triển khai vội vàng này đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý nhất là TIC triển khai công việc khai thác khi chưa có thiết kế kỹ thuật, thậm chí chưa có báo cáo khả thi.

Từ tháng 10/2010, TIC ký hợp đồng với liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp VIMCC, thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) - chủ đầu tư, Viện Khoa học Công nghệ mỏ và Luyện kim VIMLUKI - Việt Nam và Viện Tháo khô mỏ VIOGEM - CHLB Nga để lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật cho dự án. Công việc này được VIOGEM hoàn thành và bàn giao đúng tiến độ cho phía Việt Nam vào tháng 10/2011; tuy nhiên, các phần việc còn lại không hoàn thành theo đúng thời hạn. Do hợp đồng lập thiết kế kỹ thuật bị dừng nên Dự án cũng bị dừng lần thứ 3 (cuối năm 2011).

Từ cuối năm 2011, TIC đệ trình và thay đổi yêu cầu của dự án (gọi là dự án điều chỉnh), khác với dự án đã có báo cáo khả thi từ năm 2007; lập báo cáo khả thi mới của dự án điều chỉnh (do VIMCC và VIMLUKI thỏa thuận với TIC; không có phía Nga tham gia). Sau khi báo cáo khả thi mới được phê duyệt, VIMCC và VIMLUKI thực hiện tiếp việc lập thiết kế cho dự án điều chỉnh, trong đó lấy toàn bộ phần của VIOGEM cho thiết kế kỹ thuật của dự án cũ đưa vào. Về việc này, VIOGEM không đồng ý và đã có thư giải thích nếu lập thiết kế kỹ thuật mới cho dự án điều chỉnh thì phần công việc của VIOGEM sẽ thay đổi theo các mục và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, ý kiến này của VIOGEM không nhận được câu trả lời. Theo đó, phần thiết kế kỹ thuật của VIOGEM cho Dự án cũ được các đơn vị liên quan “bê” vào dùng cho dự án điều chỉnh.

Cuối năm 2015, hồ sơ thiết kế kỹ thuật mới do VIMCC, VIMLUKI thực hiện hoàn thành và được Hội đồng thẩm định Nhà nước phê duyệt.

Sau quá trình nghiên cứu, tiếp cận các tài liệu liên quan, GS Nguyễn Huy Mỹ hệ thống lại các bất cập, sai sót của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, tập trung vào các vấn đề chính sau:

Thứ nhất, khi làm báo cáo tiền khả thi: TIC không khoan thăm dò nước ngầm, không nghiên cứu caster; số liệu về thủy văn, nước ngầm chỉ là từ mô hình. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và dự báo khả năng tiêu thụ, sử dụng quặng cũng không được tiến hành (từ năm 2002 - 2004).

Thứ hai, khi làm báo cáo khả thi, phần dự báo, ĐTM, phía Việt Nam triển khai và phê duyệt, VIMLUKI là đơn vị thực hiện nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực này (từ 12/2006 - 12/2007).

Thứ ba, khâu thiết kế kỹ thuật, phần khai thác, ổn định bờ moong chắp vá, chủ yếu là “cắt - dán” trong báo cáo khả thi của Nga (báo cáo chưa xong và dừng lại từ cuối năm 2011).

Thứ tư, quá trình lập báo cáo khả thi cho dự án hiệu chỉnh, trong một số khâu, hồ sơ ghi có chuyên gia nước ngoài nhưng thực tế họ không được tham gia; đơn cử như trường hợp phần tuyển của VIMLUKI... và phần tháo khô mỏ của VIOGEM.

Thứ năm, sai sót cơ bản nhất khi lập thiết kế kỹ thuật cho dự án điều chỉnh là: Thiết kế kỹ thuật phần tháo khô mỏ của Nga làm cho dự án (khai thác đồng bộ từ đầu đến cuối), được các đơn vị phía Việt Nam đem vào dùng cho dự án điều chỉnh là hai nội dung khác nhau, thiếu tính tổng thể. Quá trình thẩm định thì đơn vị thẩm định, hội đồng và các chuyên gia sau này luôn nghĩ là do phía Nga đã làm đúng yêu cầu. Phần tuyển của VIMLUKI cũng vậy, không có sự tham gia của chuyên gia Nga.

GS Nguyễn Huy Mỹ cho hay, mới đây (ngày 3/7/2023), Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) đề xuất triển khai Dự án trung gian, chỉ khai thác đến mức -145m, trong quãng thời gian 10 năm, Dự án trung gian này chưa được TIC trình bày, nhưng khả năng vẫn giống Dự án cũ.

“Một việc đặc biệt quan trọng là từ trước năm 2002 cho đến suốt quá trình nghiên cứu, các chuyên gia Nga, Việt Nam và thẩm định viên của Đức đều khuyến cáo cần khoan thăm dò nước ngầm, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Cùng với đó, thiết kế kỹ thuật cho dự án điều chỉnh và cho Dự án trung gian (như đã phân tích ở trên) có thể nói là không có giá trị khoa học...”, GS Nguyễn Huy Mỹ khẳng định.

Nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đã hết hiệu lực từ năm 2016. Mặt khác, Hội Kinh tế Môi trường nhận định: Khu vực mỏ sắt Thạch Khê có điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn hết sức phức tạp, vừa sâu lại gần biển, nước dưới đất có quan hệ thủy lực với nước mặt (nước biển và nước sông). Lượng nước chảy vào moong khai thác rất lớn (khoảng 3.171.799m3/ngày). Do cấu trúc địa chất công trình, địa chất thủy văn hết sức phức tạp (thuộc nhóm V) nên cần phải tiếp tục nghiên cứu, khảo sát kỹ. Thực tế hiện nay chưa có quốc gia nào khai thác quặng sắt với độ sâu và sát bờ biển như mỏ Thạch Khê.

Liên quan đến vấn đề địa chất của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ nêu rõ: Mức độ nghiên cứu thủy văn - địa chất công trình ở độ sâu dưới -145m mỏ sắt Thạch Khê chưa đủ độ tin cậy để thiết kế khai thác, chưa xác định được số lượng và các vị trí cụ thể của hang caster và giải pháp xử lý khi khai thác giai đoạn 2 (từ -145m đến -550m); nếu có hang caster, việc khai thác trong hồ chứa nước có độ sâu từ -100m đến -550m sẽ tạo ra động đất kích thích hết sức nguy hiểm.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo nhiều hiểm nguy khi đổ thải lấn biển. “Việc đổ thải lấn biển sẽ ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái khu vực trong thời gian dài; phá hủy hoàn toàn diện tích hệ sinh thái ven bờ và một phần hệ sinh thái lấn biển gần bờ. Cùng với tác động đó, tất cả các quần xã sinh vật đáy bị tiêu diệt. Theo ước tính sơ bộ, trung bình cứ 7-10ha có sự xuất hiện của một loài sinh vật thì trong khu vực đổ thải (923ha) có sự phân bố của 100 loại sinh vật sống sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn” - báo cáo của Hội Kinh tế Môi trường nêu rõ.

Theo các nhà khoa học, báo cáo ĐTM của TIC xác định có nhiều độc tố, nước thải mỏ khối lượng lớn được bơm từ moong mỏ, đổ vào hồ chứa diện tích 2ha để lắng tự nhiên, theo kênh dẫn đổ thẳng ra sông Thạch Đồng, biển Thạch Hải. Trong quặng sắt Thạch Khê, ngoài kim loại chính được thu hồi, trong nước thải mỏ còn có lưu huỳnh, các kim loại nặng (Fe, Pb, Cr, Mn) và các nguyên tố vi lượng khác, trong đó có hàm lượng Zn trung bình là 0,071%. Nước thải mỏ không qua xử lý được đổ trực tiếp ra biển với khối lượng vô cùng lớn, đây là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển du lịch biển, các ngành kinh tế biển của các tỉnh miền Trung.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã đến lúc chấm dứt dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á? - Bài 4: Khi nhà khoa học lên tiếng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO