Đến thời điểm này, bản dự thảo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành và trình Thành uỷ Hà Nội.
Ngày 27/9, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức họp báo Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Là đơn vị Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, Trường Đại học Kinh tế quốc dân vinh dự khi được Thành uỷ, UBND TP Hà Nội giao là đơn vị Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô.
Ông Thọ chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi thực hiện bản quy hoạch Thủ đô là sức ép về thời gian hoàn thành khi quỹ thời gian không còn nhiều. Từ đó đem lại sức ép khiến sự phối hợp giữa các Liên danh phải hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nên sự nhịp nhàng trong phân công nhiệm vụ đảm bảo đúng chất lượng và tiến độ. Qua đó đến thời điểm này, bản dự thảo Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành và trình Thành uỷ Hà Nội.
“Dự thảo bản Quy hoạch Thủ đô sẽ được trình bày chi tiết tại Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra vào ngày 29/9 tới. Khi được tham vấn lấy ý kiến để xây dựng bản quy hoạch Thủ đô thì các đơn vị Liên danh đã nhận được sự tham góp rất lớn từ các bộ ngành, viện nghiên cứu, các nhà khoa học. Do đó chúng tôi tự tin về chất lượng dự thảo bản Quy hoạch Thủ đô để trình Quốc hội vào tháng 10 tới.
Ông Thọ cũng thông tin, các số liệu trong dự thảo bản Quy hoạch Thủ đô bảo đảm tính chính xác đánh giá trung thực hiện trạng đang có, cũng như gốc để dự báo, quy hoạch trong tương lai, dự báo các mô hình áp dụng, dữ liệu được khai thác đều đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, hiện đại có thể đưa ra dự báo trong dài hạn và trung hạn để có giải pháp tương ứng trong phân kỳ để thực hiện bản quy hoạch góp phần quan trọng trong việc dự báo mô hình phát triển Thủ đô trong tương lai.
Tại buổi họp báo, ông Lê Ngọc Anh, Thành ủy viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội cũng chia sẻ thêm, tại hội thảo tới đây các nhà khoa học sẽ cho ý kiến thêm về quan điểm về tổ chức không gian. Theo đó đề cập đến sự: hài hoà, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô di sản nghìn năm văn hiến; mở rộng không gian đô thị xanh, thông minh, hiện đại; giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa khu vực nông thôn mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng.
Các nội dung quan trọng về tổ chức không gian phát triển thì các chuyên gia gợi ý định hướng nghiên cứu các nội dung như: 2 thành phố trực thuộc Thủ đô: Thành phố tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và Thành phố phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).
Nhất là, 3 tuyến hành lang kinh tế gồm: hành lang (Côn Minh, Trung Quốc)-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; hành lang Điện Biên-Sơn La-Hòa Bình-Hà Nội; hành lang Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn -Bắc Giang-Bắc Ninh-Hà Nội;
Cùng với đó là 4 không gian chú trọng phát triển như: không gian số (môi trường quan trọng trong thời đại mới); không gian văn hoá (mở rộng không gian để khai thác hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô); không gian ngầm; không gian công cộng, chú trọng không gian xanh, đặc biệt là mặt nước sông, hồ.
Đặc biệt là 5 trục phát triển quan trọng gồm: Trục sông Hồng (Là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông); Trục Hồ Tây-Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (là trục giao thông đối ngoại, hướng tâm, tạo chuỗi đô thị xanh, hiện đại) và Trục Nhật Tân-Nội Bài (Trục đô thị thông minh-đối ngoại); Trục liên kết phía Nam (trục liên kết Vùng) và trục Hồ Tây-Cổ Loa (trục không gian văn hóa).
Cuối cùng là 5 tuyến vành đai đô thị cùng với các trục giao thông hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị sẽ tạo nên các không gian phát triển mới của Thủ đô.