Tối 28/1, tại Nghệ An, ngay sau khi kiểm tra thực địa dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi ở Hà Tĩnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện 10 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 (2017-2020) và giai đoạn 2 (2021-2025) từ Ninh Bình đến Quảng Trị; trong đó 1 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang triển khai.
Trước đó, Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra thực địa dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc giai đoạn 1 và dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi thuộc giai đoạn 2.
Như vậy là ngay trong những ngày đầu Xuân mới Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ đã đốc thúc tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc; với quyết tâm phấn đấu tới 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc và tới 2030 có ít nhất 5.000 km cao tốc.
Thủ tướng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất với các dự án cao tốc là vốn và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp; sự đồng thuận, hưởng ứng, vào cuộc tích cực của người dân. Qua khảo sát thực tế, Thủ tướng cho biết, người dân sẵn sàng nhường đất, vì thế giải phóng mặt bằng phải nhanh để ổn định cuộc sống cho người dân. Công tác giải phóng mặt bằng chính là khâu có ý nghĩa quyết định tới tiến độ các dự án.
Thời gian qua, nhiều đoạn tuyến dự án giao thông bị chậm trễ còn do thiếu nguyên vật liệu, không có sự thống nhất trong khai thác các mỏ đất, mỏ đá của các địa phương. Thủ tướng chỉ đạo cần kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các sai phạm, không để tình trạng tài nguyên là của đất nước nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng, từ đó bắt chẹt, nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Đất nước này không thể chấp nhận việc đó, không để kiểu kinh doanh như vậy, trong lúc người dân tích cực hưởng ứng và rất trông đợi - Thủ tướng nhấn mạnh tại cuộc họp tối 28/1 tại Nghệ An.
Về việc triển khai xây dựng các tuyến cao tốc, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng đã nhiều lần lưu ý cần theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, "qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi". Làm đến đâu chắc chắn đến đó, tránh tình trạng "ăn xổi ở thì", việc thi công các dự án bảo đảm an toàn; tiến độ; chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; không đội giá; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; quan tâm đời sống công nhân.
Đất nước ta trải dài từ Bắc tới Nam, trên 2.000km. Vì thế, phát triển cao tốc đường bộ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng hệ thống cao tốc Bắc - Nam vẫn chắp vá. Còn nhớ, ngày 3/2/2010, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam chính thức được đưa vào khai thác trong niềm hân hoan của người dân Tây Nam bộ. Tuyến đường dài 61km chỉ dành cho ô tô, vận tốc xe lưu thông 120km/h, kinh phí 9.880 tỷ đồng bằng vốn vay ODA. Đây là mức đầu tư cao kỷ lục thời đó do có hơn 20km đi trên cầu cạn. Quãng đường từ TPHCM đến Tiền Giang từ thời điểm đó chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì 90 phút chạy trên Quốc lộ 1 như trước đây. Cũng từ đó, phát triển đường cao tốc trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước. Dẫu vậy, khát vọng “phủ sóng” cao tốc từ đó đến nay vẫn là một bài toán khó giải. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (tháng 1/2011) đặt mục tiêu đến năm 2020 có 2.000km cao tốc, nhưng đến nay chúng ta mới xây dựng được 1.163km cao tốc.
Đáng chú ý, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cũng nhận thấy tốc độ xây dựng cao tốc ở Việt Nam chỉ đạt bình quân 74 km mỗi năm. Như vậy, mục tiêu đến năm 2025 có được 3.000km cao tốc là rất cao, đòi hỏi quyết tâm lớn. Đảng, Nhà nước quyết tâm, người dân kỳ vọng, vấn đề còn lại thuộc về Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ ngành, địa phương liên quan. Trên thực tế, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015-2020 (339.000 tỷ đồng/89.000 tỷ đồng).
Đất nước còn nghèo nhưng đầu tư số tiền rất lớn cho xây dựng cao tốc. Vì thế, không thể vì bất cứ lý gì làm chậm tiến độ, điều đó cũng chính là lãng phí. Lại càng không được trục lợi bằng cách bắt tay nhau làm ẩu, thay đổi vật liệu, rút ruột công trình… khiến cho chất lượng tuyến đường không bảo đảm.
Bài học từ Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư vẫn còn đó. Tuyến đường có tổng chiều dài chỉ gần 140 km nhưng đã “đưa” 36 bị cáo vào tù với tội danh “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại Điều 224 - Bộ luật Hình sự năm 2015.