Đà Lạt: Hễ trời mưa to là lo chạy lũ

Lê Ngọc 19/06/2015 13:54

Mưa lớn là ngập nhà, ngập úng hoa màu, thiệt hại nặng nề về kinh tế, thậm chí lũ quét gây chết người… Một sự thật đến khó tin này đã và đang xảy ra trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) trong thời gian gần đây.

Mưa to là ngập lụt, lũ quét!

Khoảng gần 3 năm trở lại đây, hễ mỗi khi trời đổ mưa to chừng một giờ đồng hồ thì TP.Đà Lạt lại ngập tràn trong nước. Các vùng chuyên canh rau và hoa trọng điểm như Thái Phiên, Mê Linh, Chi Lăng, Vạn Kiếp và khu dân cư Nam Thiên phải quáng quàng đối phó với nước lũ. Từ một thành phố du lịch nghỉ dưỡng thơ mộng, có khí hậu nhiệt đới ôn hòa nổi tiếng khắp thế giới, nay là nỗi lo của người dân mỗi khi mùa mưa đến.
Theo thống kê trong vòng hơn 1 tháng qua, những trận mưa đầu mùa đã liên tiếp gây ra tình trạng ngập lụt, lũ quét cướp đi 3 sinh mạng, hàng trăm căn nhà chìm ngập trong nước. Về sự việc xảy ra, nhiều chuyên gia đầu ngành cho rằng có lý do khách quan như “do trời mưa to quá, thời tiết khắc nghiệt, khí hậu biến đổi thất thường…?”. Nhưng nguyên nhân sâu xa thì do đâu? Trong khi gần đây có đến hàng chục ngàn ha rừng bị triệt hạ; hệ thống thoát nước quá nhỏ không đáp ứng được sự phát triển của đô thị; ý thức của một số người dân ngang nhiên vứt rác thải bừa bãi xuống những dòng kênh suối khiến ách tắc dòng chảy; hiệu ứng nhà kính trong việc chuyên canh cây nông nghiệp công nghệ cao.
Đơn cử, riêng trận mưa chiều ngày 29-4-2015, tuy kéo dài chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ nhưng các khu vực trũng thấp của Đà Lạt đã bị nhấn chìm trong nước sâu tới 3 m. Tại các con suối thoát nước trong nội ô Đà Lạt nước dâng cao, xảy ra lũ quét, chị Nguyễn Thị Duyên Anh (37 tuổi, ngụ tại đường Phan Đình Phùng, phường 2) và anh Đỗ Mạnh Cường (23 tuổi, đường Hà Huy Tập, phường 3, TP Đà Lạt) bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong. Chiều ngày 31-5-2015, trong lúc cùng bà con giáo dân dọn dẹp rác trên cầu Ngô Văn Sở, phường 9, TP.Đà Lạt, nước lũ bất ngờ tràn về, cuốn trôi cha xứ giáo xứ Chi Lăng là Trần Văn Định. Trong khi hàng trăm gia đình sinh sống tại những khu vực trũng thấp chưa hết bàng hoàng vì trận mưa lớn chiều ngày 31-5 thì vào chiều ngày 1-6-2015, tại Đà Lạt tiếp tục xảy ra lũ quét cục bộ. Nghiêm trọng nhất là khu vực gần thác Cam Ly, nước dâng nhấn chìm hàng trăm căn nhà sâu tới hơn 2m. Người dân phải phá hủy mái tôn để cứu cả ba mẹ con chị Đặng Thị Thanh Hằng (số 30/1, đường Hoàng Văn Thụ) bị nước lũ cô lập ra ngoài an toàn. Đó là còn chưa kể mưa lớn cũng đã làm nhiều héc ta hoa màu, nhà kính, nhà lưới và nhà dân bị ngập lụt, hư hỏng, thiệt hại trong chớp nhoáng ước tính lên tới hàng trăm triệu đồng.

Hơn 100 căn nhà tại TP Đà Lạt bị ngập úng trong nước lũ sau trận mưa to vừa qua

Vì sao?

Sau mỗi trận mưa to là để lại những hậu quả nặng nề. Nhiều chuyên gia đầu ngành đã đặt ra nhiều câu hỏi. TP.Đà Lạt đang đứng trước thách thức mưa lũ ngập úng, chết người… Làm thế nào bảo đảm không tiếp tục xảy ra tình trạng nói trên khi Lâm Đồng đang bước vào cao điểm mùa mưa? Theo thống kê của Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng, so với 10 năm trước, tỉnh Lâm Đồng đã giảm khoảng 8% về độ che phủ của rừng. Riêng TP.Đà Lạt có độ che phủ rừng đạt chỉ còn khoảng 47,6% nên khả năng giữ nước, phòng ngừa lũ lụt là rất hạn chế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Ngọc Tuấn - Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Đà Lạt, cho biết: “Có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng như thời gian gần đây. Một là, cường độ mưa xảy ra vừa qua quá lớn (khoảng 6mm/giờ) do biến đổi khí hậu. Hai là, sức chứa nước của các hồ bị giảm đáng kể. Ba là, khả năng thấm của mặt đất thấp. Bên cạnh đó là “Sự phát triển ồ ạt của phương thức canh tác nhà lưới, nhà kính (hiện nay đã chiếm trên 1/5 tổng diện tích canh tác). Về lý thuyết, hệ số thấm nước những vùng đất có nhà kính được coi bằng không. Khi mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilông rồi đổ ào ào ra suối, nước không có thấm vô đất giọt nào hết. Lượng nước không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn dẫn đến việc nước dâng cao đột ngột, tạo lũ với tốc độ chảy mạnh.” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Không chỉ là cho các yếu tố khách quan, ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Con người cũng làm ảnh hưởng đến môi trường không nhỏ. Nông dân không chịu thu gom rác thải nông nghiệp, rác sinh hoạt cũng bị thải ra môi trường bừa bãi, không khơi thông dòng chảy, đến khi mưa xuống với cường độ cao trong một thời điểm, rác ứ đọng nhưng không thoát kịp thì dễ ngập lụt”. Theo thống kê, nếu như năm 2011, diện tích nhà kính tại Đà Lạt là 1.200ha thì hiện nay đã tăng lên hơn 2.100ha.

Trước những lý giải của các nhà khoa học, người dân, nhà quản lý… thì giải pháp đặt ra lâu dài cho Đà Lạt, không chỉ là chấn chỉnh lại các hệ thống thoát nước, xử lý rác thải nông nghiệp, thay đổi ý thức người dân trong bảo vệ môi trường sống, tăng cường bảo vệ rừng… mà cần tính đến giải pháp quy hoạch Đà Lạt phát triển bền vững trong tương lai theo đúng lẽ tự nhiên của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đà Lạt: Hễ trời mưa to là lo chạy lũ