Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng yêu cầu DN viễn thông khi lắp đặt trạm BTS phải thông qua chính quyền địa phương, phải họp lấy ý kiến của người dân, tuyệt đối không được lắp đặt trạm BTS vào ban đêm.
Một trạm BTS đặt trên nóc nhà dân ở quận Cẩm Lệ. Ảnh: Thanh Tùng.
Ngày 16/6, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Đà Nẵng tổ chức họp báo về công tác quản lý trạm thu phát sóng viễn thông (trạm BTS) trên địa bàn TP này.
Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, tính đến tháng 4/2017, trên địa bàn Đà Nẵng có 1.345 trạm BTS, trong đó có 259 trạm BTS loại 1 (có cột ăng - ten cồng kềnh, đặt trên đất), 667 trạm BTS loại 2 (có cột ăng - ten cồng kềnh đặt trên nóc nhà), 446 trạm BTS thân thiện với môi trường (có cột ăng – ten nhỏ gọn, dưới 6 m, đặt trên nóc nhà), 63 trạm Indoor và 92 vị trí sử dụng chung để đặt trạm BTS cho nhiều nhà mạng khác nhau.
Việc xây trạm BTS hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do người dân lo ngại về ảnh hưởng sóng điện từ của trạm BTS đối với sức khỏe con người.
Trong năm 2016, Sở TT&TT đã xử lý 14 phản ánh của người dân. 6 tháng đầu năm 2017 đã có 12 phản ánh của người dân về trạm BTS gửi đến Sở TT&TT.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho biết trạm BTS trên địa bàn phường này đã phát sinh nhiều bất cập, trong đó có cả việc doanh nghiệp xây trạm BTS không họp lấy ý kiến của người dân quanh khu vực đặt trạm, tiến hành lắp đặt trạm BTS không minh bạch, thậm chí lắp đặt vào đêm khuya.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng xác nhận có tình trạng doanh nghiệp lắp đặt trạm BTS không minh bạch rõ ràng, dẫn đến bức xúc, dị nghị trong khu vực dân cư.
Ông Thanh cho biết, sẽ tham mưu cho UBND.TP điều chỉnh một số nội dung Quyết định số 64/2012/QĐ - UBND (ngày 25/12/2012) về quản lý trạm thu, phát sóng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Doanh nghiệp viễn thông khi lắp đặt trạm BTS phải thông qua chính quyền địa phương, phải họp lấy ý kiến của người dân, tuyệt đối không được lắp đặt trạm BTS vào ban đêm.