Ngày 4/8, TP Đà Nẵng đã siết chặt thêm việc cách ly xã hội tại 7 quận, huyện, 56 phường xã và khu dân cư trên địa bàn TP này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Cùng với việc yêu cầu người dân nghiêm túc chấp hành lệnh cách ly, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, TP Đà Nẵng cũng phong tỏa thêm một số khu vực dân cư có người nhiễm Covid-19.
Nếu như từ ngày 28/7, TP Đà Nẵng chỉ phong tỏa một phần khu dân cư thuộc 2 tuyến đường Nguyễn Duy Hiệu - Lê Hữu Trác (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) do có người lây nhiễm thì ngày 4/8, toàn bộ khu vực dân cư dọc tuyến đường Nguyễn Duy Hiệu và chợ An Cư (còn gọi là chợ An Hải Đông), được đặt trong rào chắn cách ly.
Từ chiều ngày 3 đến sáng ngày 4/8, nhiều tuyến đường lớn của Đà Nẵng được đặt các biển báo khuyến cáo mọi người chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Trước đó, vào các ngày 2 và 3/8, Đà Nẵng đã cách ly phong tỏa Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ và thôn Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) do tại đây 4 ca/ 5 ca dương tính được phát hiện trên địa bàn xã này.
Liên quan đến 2 ca dương tính (số 569 và số 495) là 2 phụ nữ mang thai, ngày 4/8, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết; đã nhận được công văn của Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) đề nghị có phương án chăm sóc, điều trị phù hợp cho thai phụ (và thai nhi sau khi ra đời) trên cơ sở các quy định của Bộ Y tế (về việc ban hành hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút SARS-CoV-2 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh cũng như các quy định khác về phòng chống dịch bệnh do Covid-19).
Công văn của Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng yêu cầu Bênh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (Bệnh viện dã chiến Hòa Vang) trong quá trình chăm sóc, xử lý tình huống bất thường khi sinh nở của 2 ca dương tính (số 569, mang thai 35 ở tuần thứ 35; số 495, mang thai ở tuần thứ 11), đặc biệt là không để xảy ra lây nhiễm chéo, đảm bảo tuyệt đối an toàn co y, bác sỹ và nhân viên y tế.
Về trường hợp tử vong của bệnh nhân (BN) số 496 (nam, 65 tuổi, trú ở huyện Hòa Vang,điều trị tại Khoa Nội thận Bệnh viện Đà Nẵng); sáng 4/8 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng) cho biết, BN có tiền sử suy thận mạn tính giai đoạn cuối, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm khuẩn huyết. Đây là BN thứ 8 ở Việt Nam tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát trở lại từ ngày 25/7 đến nay. Thứ trưởng Sơn cũng khuyến cáo, một số BN dương tính Covid-19 đứng trước nguy cơ tử vong cao trong thời gian tới do lớn tuổi và có tiền sử bệnh lý nền
Theo thông tin mà chúng tôi có được trong chiều 4/8, số lượng y, bác sỹ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại 3 bệnh viện lớn ở khu vực trung tâm Đà Nẵng (bị phong tỏa, cách ly kể từ 0 giờ ngày 28/7 do xuất hiện đầu tiên 3 ca dương tính Covid-19 (số 146, 418, 420) là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng. Các bệnh viên này đang thực hiện vệ sinh, khử khuẩn, chuẩn bị đón tiếp bệnh nhân mới sau khi lệnh phong tỏa, cách ly được dỡ bỏ.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở 3 bệnh viện nói trên đã lần lượt được đưa đến địa chỉ cách ly mới là Bệnh viện phổi, Bệnh viện 199 Bộ Công an, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và sắp tới là Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn (phường Hòa Cường, quận Hải Châu).
Nếu mọi việc suôn sẻ, Bệnh viện C sẽ là cơ sở điều trị đầu tiên trong số 3 bệnh viện nói trên được dỡ bỏ phong tỏa, cách ly kể từ ngày 7/8 tới đây. Chiều 4/8, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng cho biết, đã bố trí 2 chuyến bay đưa du khách bị kẹt lại Đà Nẵng sau lệnh cách ly vào 0h ngày 28/7 về Hà Nội và TP HCM. Sở du lịch đề nghị khách liên hệ với Trung tâm hỗ trợ du khách theo số điện thoại: 0236.3550.111/ 0901990691;0905029393;0905403221hoặc email: visitorcenter@danang.gov.vn trước 17h30 ngày 5/8 để được hỗ trợ
Sáng 4/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đi kiểm tra công tác sẵn sàng điều trị và thu dung bệnh nhân tại Bệnh viện Quân Y 17, Cục Hậu cần, Quân khu V. Tại đây,Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến- Phó Tư lệnh Quân khu V cho biết, lực lượng toàn quân khu đã chuẩn bị sẵn sàng ở mức cao nhất. Hiện này, Quân khu V đã tổ chức 12 điểm cách ly tập trung cho các đối tượng tiếp xúc gần (F1 và F2) với số lượng hơn 3.000 người. Các bệnh viện, bệnh xá trong toàn quân khu đã chuẩn bị các kịch bản trong mọi tình huống sẵn sàng cao nhất cho phòng chống dịch Covid-19. Thượng tá Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Bệnh viện Quân Y 17 cho biết, hiện bệnh viện có 200 giường bệnh, là bệnh viện tuyến 1 và sẵn sàng trở thành bệnh viện dã chiến số 3 khi có lệnh. Hiện nay, cán bộ chiến sĩ toàn bệnh viện đang ở tư thế sẵn sàng cao nhất và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Được biết, hiện Bộ Quốc phòng đã cử Đoàn công tác Viện Y học dự phòng Quân đội; Trung tâm Y học nhiệt đới Việt Nga cùng các trang thiết bị xét nghiệm Realtime PCR, phương tiện lấy mẫu bệnh phẩm và các thầy thuốc có kinh nghiệm phòng chống dịch vào tăng cường cho Bệnh viện Quân Y 17. (Đức Trân)
Chiều 4/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đến kiểm tra tiến độ lắp đặt bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Như vậy, sau 72 giờ kể từ khi nhận bản thiết kế, bệnh viện dã chiến đã cơ bản hoàn thành việc lắp đặt khung, giường, sàn nhà. Hiện các đơn vị thi công vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế Đà Nẵng để hoàn thiện nốt phần việc còn lại như lắp đặt labo xét nghiệm, vệ sinh bề mặt… Trong một diễn biến khác, với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ BV Bạch Mai ở các khoa Hồi sức tích cực, Thận nhân tạo, trong 1 tuần đã thiết lập được đơn vị thận nhân tạo của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Hiện trung tâm đang có 6 máy chạy thận nhân tạo và sẵn sàng tăng lên 10 máy khi có yêu cầu. Đây là nơi tiếp nhận và chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân Covid-19. Đến trưa 4/8, Trung tâm đã tiếp nhận và lọc máu cho 2 bệnh nhân. (P.Loan)