Trước tình trạng hơn 1 triệu dân cư TP Đà Nẵng đang lao đao vì thiếu nước sinh hoạt giữa thời tiết nắng nóng liên tục ở mức từ 36 đến 37 độ, ngày 21/8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng đã gửi văn bản lên lãnh đạo TP này, đề nghị báo cáo Thủ tướng về tình trạng căng thẳng nguồn nước có nguyên nhân từ các thủy điện ở thượng nguồn, dẫn đến sông Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn.
Cửa lấy nước Nhà máy nước sông Cầu Đỏ liên tục bị nhiễm mặn. Ảnh Bình Nguyên.
Huy động xe chữa cháy cung cấp nước
Trong các ngày 19, 20/8, Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), gửi tin nhắn đến các thuê bao di động của khách hàng, thông báo việc nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nên doanh nghiệp này sẽ giảm công suất cấp nước. Dawaco khuyến cáo người dân có biện pháp dự trữ, sử dụng nước tiết kiệm.
Doanh nghiệp duy nhất cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân cư TP Đà Nẵng cũng thông báo đến khách hàng địa chỉ 19 bồn nước lưu động đặt tại 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn nhằm giải quyết tạm thời tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt.
Theo quan sát của chúng tôi, tất cả các khu vực đặt bồn chứa nước lưu động luôn đông người chờ đợi hứng nước. Hình ảnh người dân kiên nhẫn chờ đợi lấy nước từ bồn chứa, không khác gì cảnh đợi hứng nước tại các TP, đô thị từ thời bao cấp khó khăn của hơn 40 năm về trước.
Không chỉ ở các khu vực tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng của quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, nhiều khu vực dân cư khác (đặc biệt là các khu chung cư) ở quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ cũng thiếu trầm trọng nước sinh hoạt do áp lực nước yếu.
Theo thông tin từ Dawaco, các khu vực dân cư của Đà Nẵng đều có áp lực nước yếu do thiếu từ 40.000-50.000 m3 nước/ngày. Thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng đến mức, Dawaco phải đề nghị Công an TP huy động xe chữa cháy, chở nước đến cung cấp cho các bệnh viện.
Cũng theo thông tin từ Dawaco, kịch bản ứng phó với thiếu nước sinh hoạt năm 2019 được lãnh đạoTP này phê duyệt từ cuối tháng 5 vừa qua, trong đó có việc cắt nước luân phiên các khu vực trong TP không khả thi trong hoàn cảnh hiện tại.
Ngày 19/8, thông tin từ Dawaco cho biết, khu vực cửa lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ (cung cấp 2/3 lượng nước sinh hoạt cho dân cư Đà Nẵng) đã bị nhiễm mặn 164 ngày với cường độ cao hơn và kéo dài hơn so với cùng thời điểm của năm 2018.
Nhiễm mặn ở cửa lấy nước Nhà máy nước sông Cầu Đỏ năm nay bắt đầu từ tháng 2 (sớm hơn với các năm trước) và diễn ra liên tục. Có thời điểm cả 30 ngày trong tháng đều bị nhiễm mặn với độ mặn cao nhất đo được lên đến 4.411 mg/l.
Báo cáo Thủ tướng về căng thẳng nguồn nước
Ngày 21/8, tin từ Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, sở này đã gửi văn bản lên lãnh đạo UBND TP đề nghị báo cáo Thủ tướng về tình trạng căng thẳng nguồn nước có nguyên nhân từ các thủy điện ở thượng nguồn, dẫn đến sông Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn.
Văn bản của Sở TN&MT Đà Nẵng cũng đề xuất lãnh đạo TP gửi công văn hỏa tốc đến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị chỉ đạo Sở, ngành liên quan, phối hợp với TP Đà Nẵng thống nhất phương án, báo cáo gửi Bộ, ngành Trung ương về điều tiết nước an toàn cho hạ du hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn.
Xuất phát từ thực tế nhiễm mặn kéo dài nhiều năm liền ở sông Cầu Đỏ, Sở TN&MT Đà Nẵng cũng đề nghị lãnh đạo UBND TP đề nghị Bộ TN&MT trình Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương điều tiết hợp lý nguồn nước từ các thủy điện ở thượng lưu sông Vu Gia – Thu Bồn nhằm đảm bảo nguồn nước cho Đà Nẵng và một số khu vực hạ du của tỉnh Quảng Nam cho đến ngày 15/9 khi bắt đầu mùa mưa.
Các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 cần có báo cáo kế hoạch vận hành cấp nước hạ du theo chu trình thời gian 3 ngày, gửi về Sở TN&MT Đà Nẵng và Sở TN&MT Quảng Nam nhằm ứng phó kịp thời khi xảy ra thiếu nước sinh hoạt.
Theo đó, Nhà máy thủy điện A Vương cần đảm bảo mực nước hồ (quy định tại quy trình 1537); không huy động phát điện nếu hạ du bị xâm nhập mặn cho đến cuối mùa cạn.
Chủ đầu tư các hồ thủy điện không bảo đảm giá trị mực nước hồ tại thời điểm tương ứng (quy định tại quy trình 1537), phải tuân thủ yêu cầu điều chỉnh lưu lượng, thời gian vận hành hồ của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhằm đảm bảo nước sinh hoạt của vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn trong đó có TP Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cùng hơn 4.000 ha lúa cùng đất đai canh tác ở 2 địa phương này.