Vương quốc Bhutan nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đất nước của đồi núi, nơi cao nhất lên tới 7000 mét so với mực nước biển. Bhutan được mệnh danh là Vương quốc Phật giáo với hệ phái Kim Cương Thừa hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn cho tới ngày nay. Tuy nhiên, Bhutan còn được biết đến với vị trí “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”.
1. Người ta gọi Bhutan là “Shangri La cuối cùng trên hành tinh”. Shangri La được coi là thung lũng huyền thoại, là thiên đường nơi hạ giới, nơi mà người ta coi hạnh phúc của người dân chính là sự thịnh vượng chung.
Bhutan bị vây bởi núi đồi, nhưng không vì thế mà nó trở thành cô độc. Đất nước chưa tới 1 triệu dân nhưng mỗi năm lại có vài triệu du khách ghé lại. Nó chỉ có duy nhất một sân bay quốc tế là Paro, nằm ở độ cao trên 6000 mét, được bao quanh bởi những ngọn núi của dãy Himalaya. Từ trên máy bay nhìn xuống, bát ngát điệp trùng núi non hùng vĩ và hoang vu. Nó cũng được coi là sân bay nguy hiểm nhất thế giới. Cũng ít ai biết rằng, cả thế giới chỉ có 8 viên phi công được cấp chứng chỉ đủ khả năng hạ cánh tại sân bay này. Vì thế, lương của họ cao nhất thế giới so với bất cứ một phi công nào, kể cả phi hành gia vũ trụ.
Đến Bhutan, du khách thích thú trước trang phục độc đáo của người dân. Trang phục nam - nữ khá rõ. Với nam, người ta mặc một chiếc áo tay rất rộng, dài tới đầu gối, có dải buộc thắt ngang hông. Trang phục thông thường này cũng là quốc phục, những ngày quan trọng không thể không mặc, nó được gọi là “Gho”. Ngoài chiếc áo dài rộng, bên trong người ta mặc quần short, tất cao tới đầu gối và đi giày. Trang phục của nữ lại không cầu kỳ như của nam giới: chỉ gồm áo dài tay và váy dài đến gót chân, gọi là “kira”.
Những em bé Bhutan
Tất nhiên, do tác động từ bên ngoài, đặc biệt là từ du lịch, nên nhiều thứ ở Bhutan đã thay đổi, trong đó có trang phục. Tới nay, công chức thường mặc Âu phục, riêng với nữ thì nhiều người mặc váy. Nhưng đặc biệt là với trẻ em, chúng vẫn được cha mẹ cho mặc trang phục truyền thống, cho đến khi xây dựng gia đình riêng thì chúng mới có quyền tự chọn quần áo cho mình.
Người ta cũng cho rằng Bhutan là quốc gia hiền hòa nhất thế giới. Thủ đô Thimphu là thành phố đông dân nhất thì cũng không cần đến tín hiệu giao thông, vì người ta không chen lấn, không giành giật, mà đi lại khoan thai. Cũng chính vì sự hiền hòa đó- sống theo tinh thần Phật học- nên ở Bhutan không có tội phạm. Nhà nào cũng có cửa nhưng không mấy nhà cửa được khóa vì không lo kẻ gian.
Ngôi chùa trên núi
Loren Decipano- một nhà thám hiểm gốc Italy kể: Bhutan là một quốc gia kỳ lạ nhất thế giới, quả đúng là thiên đường cuối cùng còn sót lại trên hạ giới. Tới đây, cả tuần lễ tôi không nghe một tiếng nói to, cũng tuyệt nhiên không thấy ai hút thuốc lá. Trên các con đường từ thành thị tới nông thôn, không hề thấy người nào cau có. Nhưng điều khiến người ta phải suy nghĩ nhất chính là người dân ở đây không hề có ham muốn vật chất nhưng họ vẫn sống rất hạnh phúc. Họ cũng không có nhiều lễ hội tưng bừng, môn thể thao quốc gia cung chỉ là bắn cung.
Không quốc gia nào trên thế giới có một Bộ mang tên là Bộ Hạnh phúc như Bhutan. Bộ này có trách nhiệm về chất lượng cuộc sống của người dân. Hễ có bất cứ người dân nào than phiền, thì lập tức nhân viên của Bộ Hạnh phúc xuất hiện, giải quyết kịp thời.
Cho tới nay, Bhutam vẫn kiên quyết không đưa thuốc tăng trưởng, bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp. Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách đặt mục tiêu loại bỏ các chất hóa học nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp để bào vệ nguồn lương thực thực phẩm gồm lúa mì, khoai tây và hoa quả đảm bảo 100% sạch; tất cả các sản phẩm phải thực sự thân thiện với môi trường.
Bắn cung là môn thể thao quốc gia của Bhutan
2. Tuy dân số ít nhưng Bhutan là quốc gia nhiều sắc tộc, gồm 3 nhóm chính. Nhóm chủ chốt là người Ngalop- một nhóm Phật giáo sinh sống ở phần phía tây đất nước, gần với xứ Tây Tạng. Còn người Sharchop sống ở phía đông đất nước. Hai nhóm này đông nhất, còn lại chừng 12% là sắc tộc Nepal và một số nhóm thiểu số khác. Tại trường học tiếng Anh là ngôn ngữ trong giảng dạy và Dzongkha được dạy như một ngôn ngữ quốc gia. Người ta thống kê, có tới 24 ngôn ngữ hiện đang được sử dụng tại Bhutan.
Đến Bhutan, không ai không ngạc nhiên trước lối kiến trúc đặc sắc theo phong cách thờ tự, mà ở đây đa số là kiến trúc Phật giáo. Những kiến trúc này lại có sự chung hòa với điều kiện địa lý: trên núi cao và khí hậu: khô lạnh. Nó vừa mang vẻ uy nghi của tôn giáo nhưng cũng lại như những thành lũy có khả năng phòng thủ và bao quát cả một khu vực rộng lớn. Hầu như bất cứ một ngôi chùa nào cũng chỉ có một đường lên xuống dành cho người hành hương cũng như các tu sĩ. Trong những dịp lễ, người ta tổ chức lễ hội, mà đặc biệt nhất là hình thức “Chaam” hay còn gọi là nhảy múa với mặt nạ.
Nhảy múa với mặt nạ
- Đó là một hình thức nhảy múa thần bí- Loren Decipano nhận xét. Người ta lên đồng trong mặt nạ mà không cảm thấy thế giới xung quanh mình. Có lẽ lúc đó người ta nghĩ rằng mình cũng chính là một vị thần.
Cách đây 40 năm, thế giới hầu như không biết đến Bhutan bởi sự khuất nẻo của nó giữa trập trùng rừng núi của dãy Himalaya. Nhưng rồi cả thế giới phải ghi nhận cách chọn lựa cuộc sống của họ với 4 tiêu chí của một quốc gia hạnh phúc, đó là: phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và lãnh đạo tốt. Thật cũng không có nơi nào trên thế giới lại có quy định: nếu đốn 1 cây xanh vì bất cứ mục đích gì thì đều phải trồng bù 3 cây mới.
Một khảo sát mới đây cho thấy, 45% người dân Bhutan cho rằng họ rất hạnh phúc, 52% cảm thấy hạnh phúc và chỉ có 3% chưa hài lòng về cuộc sống của mình. Nhưng kinh ngạc hơn khi biết rằng, Bhutan vẫn là một trong những nước thu nhập thấp với trung bình 1.800 USD/người/năm.