Đặc sắc gốm Chăm

MIÊN THẢO (tổng hợp) 20/06/2015 11:31

Đất nước ta có nhiều làng gốm nổi tiếng, gốm mỗi nơi một vẻ tạo nên sự phong phú, đa dạng. Trong đó, sản phẩm gốm của đồng bào Chăm là hết sức độc đáo.

Một địa chỉ gốm Bàu Trúc hiện nay

1. Đồng bào Chăm sống tập trung đông ở tỉnh Ninh Thuận. Nhiều cuộc khai quật khảo cổ học cho thấy đây là vùng đất ẩn chứa nền văn minh lâu đời, thuộc văn hóa Sa Huỳnh cách đây khoảng 2.500 năm. Nơi đây bà con có nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề làm gốm. Làng Bàu Trúc là làng gốm nổi tiếng bậc nhất.
Nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km, làng gốm Bàu Trúc được xác định là một trong những làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Cho tới nay, người Bàu Trúc vẫn dùng đôi tay của mình để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời, chứ không phải dùng bàn xoay như những phương cách làm gốm khác.
Để có thể có được những sản phẩm đặc sắc, trước hết người thợ rất coi trọng việc chọn đất. Loại đất này chỉ có bên bờ sông Quao. Lấy đất từ bờ sông mang về, người ta lại phơi khô rồi đập nhỏ ra, sau đó trộn với cát mịn, làm cho thật nhuyễn. Đây là khâu bước đầu nhưng cũng quan trọng bậc nhất đối với gốm Chăm Bàu Trúc.

Xoay tay là kĩ thuật đặc biệt trong nghề làm gốm của bà con dân tộc Chăm

Tiếp đó, phải kể đến việc trang trí hoa văn cho sản phẩm. Tới nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm gốm Bàu Trúc đa dạng hơn, cũng mới mẻ hơn, nhưng số sản phẩm hoa văn truyền thống vẫn áp đảo. Đó là những đường khắc vạch hình sông nước, hoa lá và đặc biệt có cả hình móng tay trên cổ gốm. Đó là lối trang trí rất mộc mạc, đem lại cảm giác gần gũi.
Gốm ở làng Bàu Trúc không nung trong lò, chủ yếu được nung lộ thiên, ở nhiệt độ khoảng từ 500 - 600 độ C trong vòng 6 giờ. Sau đó để nguội rồi phun màu lên. Màu của gốm Bàu Trúc một phần được chiết xuất từ trái dông, trái thị lấy về từ rừng, nên nó cho một vẻ đẹp khác lạ. Gốm Bàu Trúc chủ yếu bao gồm các màu vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu.


Truyền thuyết dân gian kể rằng, vợ chồng ông Poklong Chanh là tổ của nghề làm gốm ở Bàu Trúc. Hơn ngàn năm trước, ông đã dạy cho phụ nữ trong làng cách lấy đất, nắn, nung đất sét thành những dụng cụ phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tới nay, người làng vẫn tổ chức cúng tế Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê hàng năm, khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10.
Người dân trong làng nói rằng, tổ nghề dạy họ phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, vì mình làm trước hết là để cho mình và người thân của mình dùng. Sau khi nung, sản phẩm nào không đạt yêu cầu thì phải loại bỏ ngay. Cho tới nay, người làm gốm Bàu Trúc vẫn kiên trì như vậy nên gốm của làng không bao giờ bị chê trách hoặc trả lại. Theo nghệ nhân gốm Bàu Trúc, thì phải gõ để nghe âm thanh tiếng kêu của sản phẩm để biết chất lượng. Có 4 loại tiếng kêu sau khi gốm ra lò. Tiếng gõ kêu vang chứng tỏ đã nung đủ nhiệt. Nếu khi gõ nghe cóc cách thì sản phẩm chưa đạt về độ lửa và nhiệt nung. Còn khi gõ không có âm thanh cõ nghĩa là sản phẩm còn sống và thiếu lửa. Cuối cùng, tiếng kêu phát ra quá giòn có nghĩa là gốm đã bị nung quá lửa.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nhận diện được chất lượng sản phẩm thông qua âm thanh phát ra khi gõ. Đó phải là sự mẫn cảm riêng biệt của người làm nghề, cộng với việc tiếp thu kinh nghiệm một cách thấu đáo.
Cho dù sản phẩm gốm tới nay không bán thật chạy, nhưng nó vẫn là công việc nuôi sống người dân làng Bàu Trúc. Làng có 400 hộ dân thì gần 80% sống bằng nghề gốm, hoặc liên quan tới gốm. Tới nay, những em gái Chăm 13 tuổi ngoài giờ đi học lại được bà, được mẹ dạy cho cách làm gốm. Điều đó giúp cho cái nghề truyền thống này không bị đứt đoạn. Tuy nhiên, nghề gốm Bàu Trúc hiện không chỉ dành cho phụ nữ, mà đã có sự tham gia trong nhiều công đoạn của nam giới. Chính vì thế có thể nói sức sống của nó đã trở nên mãnh liệt hơn.

Càng ngày sản phẩm gốm Chăm càng trở nên đa dạng hơn

2. Tuy nhiên, nhìn thông thường là vậy, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào mô tả đầy đủ các công đoạn của nghề làm gốm nơi đây. Cùng với làng Bàu Trúc (Ninh Thuận) thì làng gốm Chăm Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) tới nay bà con vẫn làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống. Đầu tiên cũng là việc chọn đất. Cũng không ai giải thích rõ loại đất nào là phù hợp, nhưng theo kinh nghiệm bà con vẫn chọn loại đất sét có màu vàng nhạt. Nơi có loại đất này là làng Xuân Quang, cách làng gốm Bình Đức khoảng 3 cây số. Ra Giêng, khi trời khô ráo, người ta lại đi lấy đất. Có đất rồi lại phải đập, ủ, pha trộn. Công việc làm gốm chính thuộc về những người phụ nữ. Họ cũng làm bằng tay chứ không dùng bàn xoay, nên sản phẩm khá trau chuốt. Kinh nghiệm cộng với sự linh cảm, mẫn cảm của đôi tay đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, không trùng lắp.
Đáng chú ý, gốm ướt được để khô tự nhiên ở nơi có bóng mát, giúp cho sản phẩm ráo từ từ không bị nứt nẻ. Quá trình chỉnh hình và làm bóng sản phẩm khá đơn giản, bà con dùng vòng sắt, vòng tre, kể cả vỏ nghêu. Trước khi nung, người ta dùng đá mài chà lên thân sản phẩm để làm nhẵn lớp nước thổ hoàng bên trên thân gốm.

Gốm Chăm được nung tự nhiên, không sử dụng lò. Trong khâu này, quan trọng là phải xác định đúng hướng gió để chất củi và xếp gốm phù hợp. Hướng đốt luôn theo nguyên tắc ngược chính diện với chiều gió. Nhiên liệu truyền thống để nung là củi và rơm: củi làm chất đốt chính, rơm thấm nước để phủ kín lớp gốm trên cùng nhằm giữ nhiệt không cho hơi nóng thoát ra ngoài để gốm chín đều.
Tuy sản phẩm gốm Chăm truyền thống khá da dạng, nhưng cũng tập trung vào một số nhóm. Đồ đun nấu bao gồm trã, nồi, ấm, khuôn bánh xèo, bánh căn... Đồ đựng bao gồm: lu đựng gạo, chum lớn, chum nhỏ, chậu, ống nhổ… Như vậy, gốm Chăm xuất phát từ thực tế cuộc sống, phục vụ sinh hoạt hàng ngày, từ đó được đúc rút kinh nghiệm, nâng lên thành nghệ thuật chế tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặc sắc gốm Chăm