Đặc sắc kiến trúc lăng đá họ Ngọ

Minh Phúc 18/04/2017 09:40

Lăng họ Ngọ (Linh Quang từ) là một trong số rất ít các công trình lăng mộ tiêu biểu của các bậc quan lại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVII) còn tồn tại gần như khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Cổng vào Lăng họ Ngọ.

Lăng nằm trên địa bàn thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang. Lăng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1964. Những lăng đá cổ không phải chỉ riêng ở tỉnh Bắc Giang mới có, nhưng đúng là đi khắp đất nước hiếm có nơi nào mà một huyện lại có tới 26 khu lăng mộ cổ của các bậc quan lại, mộ tổ gia tộc danh giá song song tồn tại như ở huyện Hiệp Hoà.

Trước mặt lăng đá cổ có một cái hồ nước trong bốn mùa trong vắt, cây trái xanh um tùm, cảnh vật nên thơ. Ông Ngọ Văn Tuyến - hậu duệ đời thứ 13 của Phương quận công Ngọ Công Quế (người được táng ở lăng) trông giữ khu lăng mộ đá kể: Lăng được chính cụ Quế cho xây dựng vào những năm 1697 và tới nay chỉ trùng tu một lần vào năm 1714.

Phương quận công Ngọ Công Quế làm quan triều Lê, được vua Lê Hy Tông phong cho nhiều tước vị quan trọng như: Tổng Thái giám Bắc quân Đô đốc phủ, Phụ quốc Thượng tướng quân, Tả đô đốc Phương quận công. Còn trong con mắt của dân chúng, ông là vị Thành hoàng làng kính trọng, đức độ. Cụ lập được nhiều công trạng hiển hách như dẹp loạn, an dân. Khi có bổng lộc cụ thường đem ban phát cho dân nghèo, xây cầu cống, làm đường. Thân sinh Phương quận công Ngọ Công Quế là cụ Ngọ Công Tuấn từng được phong chức hầu, là trấn thủ đất Thái Nguyên.

Lăng họ Ngọ là công trình kiến trúc hết sức đồ sộ, uy nghi được chạm khắc bằng đá tinh xảo, mỹ nghệ, công phu, tỉ mỉ và vô cùng độc đáo. Dù trải qua rất nhiều thời gian song các cổ vật trong lăng đá đa phần vẫn giữa được nguyên vẹn hình hài như lúc ban đầu. Nếu những ai từng đi nhiều, trực tiếp khảo sát thực địa có thể thấy ở hầu hết các lăng tẩm ở vùng Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, thậm chí ngay cả các lăng vua thời Nguyễn ở Huế cũng đều có sự trùng lặp, pha trộn về các trang phục, song ở lăng mộ đá Ngọ Công Quế từ quan lại, binh lính cho đến lính hầu, cận vệ, đều không có sự trùng lặp về bất cứ bức tượng nào.

Theo ông Ngọ Công Tuyến, toàn bộ khuôn viên của khu lăng mộ đá ước tính khoảng 3.000 mét vuông. Lăng đá có hình chữ nhật chia làm hai lớp vây bọc, thiết kế theo lối chữ “công”, cửa lăng hướng về phía Nam. Trước cửa lăng có đôi chó đá, hình khắc hộ pháp trên đá rất bắt mắt. Sau cổng lăng lại này hai dãy tượng chầu, được bố trí cân đối hai bên trục thần đạo, khu vực trung tâm và cũng là quan trọng bậc nhất của lăng chính là hương án và mộ phần. Khu mộ phần có diện tích 188,75 mét vuông (12,5 x 15,1). Xung quanh có tường đá bao quanh cao 1,9 mét, dày cỡ 30 - 50 cm gồm những phiến đá lớn được đẽo gọt vuông vắn xếp chồng lên nhau vô cùng chắc chắn.

Đá xây lăng mộ là loại đá muỗi và đá ong lộ, được lấy từ vùng đất Y Sơn mà dân gian thường gọi là núi Ia ở xã Hoà Sơn bên cạnh. Ở đây có hai tấm bia niên hiệu Chính Hoà thứ 18 (1697) và niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705). Bia niên hiệu Chính Hoà cao 1,25 mét không kể mái, rộng chừng 1 mét, trụ bia dày 0,5 mét. Bia khắc chữ Hán tên “Linh Quang từ chi bi kí”. Ở dưới nói về cuộc đời, sự nghiệp, công đức của Ngọ Công Quế với nước, với dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặc sắc kiến trúc lăng đá họ Ngọ