Đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ rất phong phú. Hòa nhập với cộng đồng chung nhưng vẫn giữ lại những gì là bản sắc - đó là đặc điểm của văn hóa người Khmer ở vùng sông nước Cửu Long. Trong hệ thống lễ hội của đồng bào Khmer Nam Bộ, có nhiều lễ hội đặc sắc.
Lễ hội Dolta
Trước hết là lễ hội Chol Chnam Thmay. Đây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người Khmer. Theo tín ngưỡng, bà con tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời xuống hạ giới lo cuộc sống cho con người. Hết năm lại về trời để vị thần khác xuống thay. Vì thế, lễ hội Chol Chnam Thmay vừa là lễ hội đón năm mới, vừa là lễ tiễn thần cũ- đón thần mới.
Những ngày giữa tháng 4 dương lịch, bà con thường tổ chức Chol Chnam Thmay, trong 3 ngày 3 đêm. Đó là những ngày vui lớn của cộng đồng. Bà con thăm hỏi, chúc lẫn nhau, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao. Đáng chú ý, những ngày này các ngôi chùa Khmer luôn đông nghịt người. Đến chùa, bao giờ người ta cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Ngày thứ nhất của lễ Chol Chnam Thmay là ngày lễ trọng. Người ta tắm gội, mặc quần áo đẹp, đội cỗ lên chùa. Từ 7 giờ sáng cho đến 9 giờ sáng và từ 5 giờ chiều cho đến 6 giờ chiều, là quãng thời gian bà con tới chùa đông nhất. Ngày thứ hai, bà con dâng cơm cho các vị sư vào vào buổi sớm và trưa. Còn ngày thứ ba thì làm lễ tắm tượng Phật. Nghi thức này được tiến hành vào chiều tối, nhằm tỏ lòng biết ơn thương nhớ Đức Phật đồng thời gột rửa mọi điều không may của năm cũ, bước sang năm mới, mọi sự như ý.
Sau đó, bà con rước các nhà sư đến nghĩa trang để thực hiện lễ cầu siêu cho linh hồn những người quá cố. Sau nghi thức cộng đồng, khi trở về nhà bà con cũng tiến hành lễ tắm tượng Phật và dâng cỗ chúc phúc ông bà cha mẹ.
Tuy nhiên, lễ lớn nhất trong năm của bà con Khmer Nam Bộ lại là lễ hội Dolta. Đây là lễ cúng ông bà, còn được biết đến rộng rãi trong ý nghĩa là lễ “xá tội vong nhân”. Lễ mang đậm tinh thần vị tha, bao dung, biết ơn và thành kính. Không chỉ tạ ơn những người đã khuất mà còn có ý nghĩa chúc phúc cho những người còn sống.
Đua bò tại Bảy Núi (An Giang) trong lễ hội Dolta
Lễ Dolta cũng được tổ chức trong 3 ngày, từ 29-8 đến mùng 1-9 âm lịch. Ngày đầu tiên, bà con dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên. Chiều đến, gia chủ cúng linh hồn ông bà rồi sau đó mời ông bà cùng tới chùa nghe kinh Phật. Chiều ngày thứ hai, mọi người làm lễ rước linh hồn ông bà từ chùa về nhà để mời cơm và mời ở nhà chơi với con cháu đến khi lễ kết thúc mới trở lại chùa. Ngày thứ 3, cũng là ngày kết thúc, các gia đình đều chuẩn bị thức ăn, bánh trái như ngày đầu để cúng ông bà tại nhà trước khi tiễn linh hồn người quá cố ra đi. Đây được gọi là “cúng tiễn đưa”. Lễ Dolta chỉ kết thúc sau khi nghi thức này hoàn tất.
Trong lễ Dolta, bao giờ người ta cũng tổ chức đua bò. Đây đã trở thành nét đẹp trong cuộc sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ. Đua bò diễn ra hàng năm. Nơi tổ chức đua bò thường là bãi đất trống, bằng phẳng, dài 200 m và rộng 100 m, có nước xăm xắp, đảm bảo độ trơn của bùn. Những đôi bò thường ngày vẫn cày ruộng hoặc kéo xe, nhưng trước khi đua chừng một tháng chúng được chăm sóc kĩ lưỡng, đầy đủ sức khỏe cũng như rất hăng hái. Nhiều nơi trong vùng Tây Nam Bộ có tổ chức đua bò, nhưng hội đua bò Bảy Núi (An Giang) là nổi tiếng nhất. Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt. Gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30 cm, dài 90 cm, bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc một cây xà-lul lúc cần sẽ chích mạnh vào mông con bò khiến nó buộc phải lao nhanh về phía trước. Đua bò khác với đua ngựa. Nếu đua ngựa thì mỗi người cưỡi 1 con, còn đua bò thì một người phải điều khiển 2 con, nó có cái khó riêng của nó nhất là làm sao cho 2 con bò phải đạt tốc độ đồng đều.
Đua ghe Ngo lễ hội Ok om Bok
Lễ hội Ok om Bok cũng là một lễ hội khác của người Khmer, mang ý nghĩa của một lễ cúng trăng, tạ ơn và cầu mùa. Trong quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ hội này diễn ra hàng năm vào ngày Rằm tháng 10 âm lịch. Do là lễ cũng Trăng, nên thường được tổ chức vào buổi tối, khi không gian thanh bình vằng vặc ánh trăng. Bà con dâng lên thần Mặt Trăng các sản vật mùa màng để tỏ lòng biết ơn, đồng thời xin Thần phù hộ để mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong mâm lễ, bao giờ cũng có cốm dẹp, chuối và mía. Với lễ hội Ok om Bok, không chỉ có vầng trăng soi sáng mà không gian còn lộng lẫy, huyền ảo bởi những chiếc đèn nước, với niềm tin là mình đang gửi tới các vị thần mơ ước, khát vọng và sẽ được Thần biết đến.
Trong lễ hội Ok om Bok, người ta còn tổ chức đua Ngo. Ghe Ngo dài khoảng 22-24 m, ngang 1,2 m, có từ 50 đến 60 tay bơi. Mũi và lái của ghe cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe của mình. Việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ của chiếc ghe. Đây không chỉ là cuộc đua thể thao, mà sâu xa bên trong chính là nghi thức tiễn đưa thần nước về với biển cả. Đây cũng là một nghi thức tới thần rắn Nagar, với việc Thần đã biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông. Lễ hội Ok om Bok còn được là lễ “đút cốm dẹp”, với việc mọi người thưởng thức những hạt cốm nếp đầu mùa. Cùng đó, bà con còn tổ chức thả đèn nước dưới sông để cúng dấu chân còn lưu lại của Đức Phật trên sông.
Lễ Nhập hạ được bà con Khmer tổ chức nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình yên vui hạnh phúc. Đây cũng là dịp để bà con dâng vật dụng sinh hoạt cho các chư tăng tại chùa trong 3 tháng Nhập hạ. Trong 3 tháng Nhập hạ (từ ngày 15-6 đến 15-9 âm lịch), ngoài việc thắp đèn cầy, các chùa Khmer còn đánh trống vào 2 buổi sáng (bắt đầu từ 4 giờ - 5 giờ) và chiều (từ 16 - 17 giờ) để giúp cho đồng bào của phum sóc chủ động được thời gian trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Lễ hội của dân tộc Khmer Nam Bộ được xem là hệ thống di sản mang nhiều giá trị văn hóa - lịch sử, có sự cuốn hút không chỉ đối với bà con Khmer mà cả với bà con các dân tộc khác ở Tây Nam Bộ.