Nhắc đến bản sắc văn hóa vùng đất Hòa Bình, không thể nhắc đến Mo Mường. Đây là một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Mường nói chung và của người Mường tỉnh Hòa Bình nói riêng. Từ lâu, Mo Mường đã được các học giả trong và ngoài nước đánh giá là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử huyền thoại của dân tộc Mường. Vừa qua, di sản văn hóa "Mo Mường - Hòa Bình” đã đón nhận Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
Các vật dụng trong 1 "túi khót” của thầy mo (Tân Lạc - Hòa Bình) Giá trị văn hóa căn cốt Mo Mường là nét văn hóa đặc sắc có từ lâu đời trong đời sống người Mường Hòa Bình. Từ thời Pháp thuộc, việc nghiên cứu Mo Mường đã được bắt đầu tiến hành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với thời gian, nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về Mo Mường đã mang lại cái nhìn ngày càng đầy đủ, khoa học về giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa của Mo Mường. Theo các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, Mo Mường được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời được sáng tạo không ngừng cùng với tiến trình phát triển của dân tộc. Trên thực tế, Mo Mường được coi là di sản văn hóa phi vật thể "đang sống” và là biểu đạt sống do tổ tiên ông cha truyền lại cho con cháu. Vì thế, đây được coi là một giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc Mường nói chung. Ông Bùi Ngọc Lâm - Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, Hòa Bình được coi là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình và là tỉnh có đông người dân tộc Mường sinh sống. Cũng như các dân tộc khác, người Mường là một trong những dân tộc chịu ảnh hưởng trong ngữ hệ của nền văn hóa lúa nước, nền văn hóa Đông - Nam Á. Dấu ấn văn hóa dân tộc Mường được thể hiện qua các di chỉ hiện vật và văn vật nổi tiếng như các dấu tích của nền văn hóa "hang động”; dấu tích của nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới - "văn hóa Hòa Bình”, văn hóa thời kỳ đồ đồng với hệ thống trống đồng hê-gơ và không gian văn hóa cồng chiêng... và nhất là các áng mo sử thi của dân tộc Mường. Mo Mường bao gồm nhiều thành tố văn hóa: Phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, lối sống, ngôn ngữ, văn chương, diễn xướng… phản ánh đặc trưng riêng mang bản sắc văn hóa của người Mường. Trong nỗ lực thực hiện việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Đảng, Hòa Bình đang tích cực thực hiện kiểm kê Di sản Mo Mường, tiến tới lập hồ sơ khoa học về Mo Mường đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Trong ngày hội Mo Mường nhận Bằng bảo trợ Các nhà nghiên cứu dân gian cho biết, Mo Mường gồm các thể loại như Mo nghi lễ (thể hiện trong 7 nhóm nghi lễ), Mo kể chuyện (gồm sử thi "Đẻ đất, đẻ nước” và một số chuyện thần thoại kỳ vĩ) và Mo "nhòm” (một loại hình mo tả cảnh). Trong đó, thầy mo là một nhân vật độc đáo góp phần làm nên hồn vía sống động của Mo Mường. Bên cạnh đó, hình thức diễn xướng của Mo Mường cũng rất đa dạng, bao gồm cả âm nhạc, múa, sân khấu… Ngày 28-5 vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ đón nhận Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho di sản văn hóa "Mo Mường - Hòa Bình”. Phát buổi tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh: Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là sự đánh giá, ghi nhận, quan tâm, giúp đỡ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam với Di sản văn hoá Mo Mường Hoà Bình. Vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với việc cam kết giữ gìn, bảo tồn và phát huy Di sản văn hoá Mo Mường Hoà Bình. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Mo Mường. Nhân dịp này, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cấp giấy chứng nhận cho 20 nghệ nhân đã có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Mo Mường - Hòa Bình. Đây là một hoạt động nhằm tôn vinh những nghệ nhân góp phần bảo tồn, gìn giữ nét đặc sắc văn hóa Mo Mường ở Hòa Bình.
Một loại hình văn hóa dân gian độc đáo Một số liệu được ngành văn hóa Hòa Bình đưa ra: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 300 nghệ nhân Mo là người dân tộc Mường còn hành nghề. Qua kiểm kê, nghiên cứu và tra cứu tài liệu tổng số các bài Mo trong đám tang của dân tộc Mường được chia làm các phần Mo, trong đó được phân định thành các roóng Mo. Trong roóng Mo có các lớp huyền thoại, lịch sử, nghi lễ (chia theo cách của vùng Mường Lạc Sơn) và cát Mo (theo cách chia của người Mường Tân Lạc). Bên cạnh đó, trong các phần Mo có các đoạn chương hồi nhất định… Nội dung Mo Mường với hàng chục nghìn câu thơ, câu văn vần qua các bài mo, cát mo, roóng mo được sáng tác theo vần điệu, nghệ thuật và tuân thủ theo một nguyên tắc diễn xướng nhất định được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, là một sự độc đáo mà ít dân tộc nào bảo tồn được. Nội dung các áng Mo Mường gắn liền với đời sống tâm linh, thể hiện quan niệm nhân sinh quan, vũ trụ quan và lịch sử phát triển của một dân tộc về sự sống và cái chết, sự tồn tại vĩnh cửu của linh hồn con người, thể hiện sự cố kết cộng đồng, yêu hòa bình, hướng thiện, luôn ước mong hướng tới một tương lai tốt đẹp... Ngoài ra, các áng Mo còn được thể hiện qua tài ứng khẩu tài tình của các thầy mo căn cứ theo hiện tại, hoàn cảnh và điều kiện của từng gia đình, dòng họ, đối tượng... Hiện nay, quy định của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tổ chức đám tang, vì vậy việc tổ chức diễn xướng mo thu hẹp lại cho phù hợp. Về Hòa Bình, đi qua 4 vùng Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) ta dễ dàng bắt gặp những thầy mo đang ngày đêm bền bỉ "thắp lửa” giữ Mo Mường. Nếu may mắn tham gia một buổi Mo Mường, ngoài yếu tố thiêng liêng có chút huyền bí, ta còn được nghe những áng Mo Mường với khúc thức và ngôn ngữ cổ với sự hồn nhiên, chân thật của những cư dân của nền văn minh lúa nước. Trong quá trình diễn xướng, Mo Mường cho chúng ta thấy được phương thức cảm nhận thế giới rất đặc trưng; hình thái biểu hiện một cách tập trung và khái quát thế giới quan của người xưa. Các yếu tố tri thức và xúc cảm, lý trí và tín ngưỡng, hiện thực và tưởng tượng hòa quyện vào nhau. Đúng như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương đã nói: Mo Mường là loại hình văn hóa dân gian nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc, là món ăn tinh thần trong cuộc sống của người Mường. Trong lịch sử hàng ngàn năm, Mo Mường đã góp phần hình thành dưỡng nuôi cốt cách, tâm hồn các thế hệ. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ dân Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững những giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa vô cùng quý giá này. Bùi Phương |