Ở Hòa Bình, các lễ hội truyền thống đều mang tín ngưỡng dân gian sâu đậm, hoạt động lễ hội tại đây thường có 2 phần tương đối độc lập và trình tự: Lễ và hội. Lễ hội cũng là dịp để để mọi người ôn lại lịch sử truyền thống văn hóa, hoặc các tục lệ nhiều đời của cộng đồng dân cư mà mình là thành viên...
Dấu ấn Hòa Bình
Là quê hương của những làn điệu dân ca "ngọt như mật ong, trong như dòng suối"; Hòa Bình ghi dấu trong lòng du khách trong nước và quốc tế nhờ bản sắc của mùa lễ hội. Ở đó, bản sắc của các dân tộc được thể hiện rõ nét.
Đặc biệt, trong cộng đồng 7 dân tộc gồm Mường, Dao, Thái, Tày, Mông, Kinh và Hoa đang sinh sống trên mảnh đất Hòa Bình thì người Mường chiếm tới 63,3% và được gắn liền với những địa danh nổi tiếng là Bi, Vang, Thàng, Động, cùng áng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, người Mường Hòa Bình có những đặc trưng riêng về ngôn ngữ, trang phục, phong tục, tập quán... tạo nên vẻ đẹp phong phú và đặc sắc trong bức tranh văn hóa Hòa Bình.
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Mường Hòa Bình vẫn được lưu giữ và phát huy, trong đó, lễ hội được đánh giá là một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt có từ xa xưa của người Mường, bao gồm các mặt như tinh thần, vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật...
Đặc trưng chủ yếu của văn hóa Hòa Bình là các di tích văn hóa Hòa Bình chủ yếu là hang động hoặc mái đá, phân bố trong vùng núi đá vôi, rất ít di chỉ ngoài trời, bên thềm sông, suối. Đây là nét tiêu biểu chung của nền "Văn hóa Hòa Bình" trong khu vực Đông Nam Á lục địa. Những di vật thường gặp trong văn hóa Hòa Bình là bếp, mộ táng, tàn tích sau bữa ăn, công cụ lao động và các chế phẩm khác của người nguyên thủy. Những vết tích vỏ trai, ốc, xương răng động vật và vỏ, hạt một số loài thảo mộc còn giữ lại trong tầng văn hóa Hòa Bình là những tàn tích sau bữa ăn của người Hòa Bình.
Lễ hội ở Hòa Bình
Ở Hòa Bình không có những lễ hội quy mô, đồ sộ có sự tham gia của đông người với những trang phục, lễ vật, đồ tế khí, cùng những quy định bài bản như các lễ hội của người kinh dưới miền xuôi. Tuy vậy, cộng đồng các dân tộc sống trên đất Hòa Bình, đặc biệt là người Mường cũng có những lễ hội riêng mang đậm nét văn hóa. Do mật độ cư dân của các dân tộc Mường, Dao, Thái ở đây thường tập trung thành các khu riêng, có vẻ khép kín nên lễ hội của họ thường không có quy mô lớn, không nổi trội, vượt xa khỏi khu vực họ sống.
Thường vào mùa xuân, ở các vùng Mường trong tỉnh Hòa Bình bắt đầu tổ chức lễ hội, không chỉ để vui chơi mà còn là dịp để bà con thỉnh cầu ước nguyện với trời đất, thần thánh, tổ tiên cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Qua các lễ hội người ta gửi gắm hy vọng vào một mùa bội thu, một năm mới ấm no, hạnh phúc, bình yên cho cả bản mường.
Nét đặc trưng ở các lễ hội dân gian của người dân tộc Mường thường thể hiện sự kết nối của cộng đồng, tinh thần đoàn kết, gắn bó của một bản Mường, một vùng Mường.
Trong lễ hội, phần lễ thường được tổ chức rất trang trọng và linh thiêng. Theo quan niệm của người Mường, họ thường thờ cúng những vị thần, thánh, có thể là thần Đất, thần Nước, tổ tiên hoặc người có công lao dựng làng, dựng mường…
Là sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh sâu sắc, các nghi lễ thể hiện sự sống hòa mình cùng thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên của một cộng đồng Mường. Cả người Mường, Kinh, Thái, Dao, Mông ở Hòa Bình đều không có một lễ hội nào có quy mô to lớn. Song, những lễ hội của họ như lễ khuống mùa (xuống đồng), sắc bùa, chá chiêng, đu tre… không kém phần đặc sắc và bao hàm nhiều ý nghĩa nhân văn.
Lễ hội của các dân tộc ở Hòa Bình gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng dân cư tồn tại ở đây từ lâu đời. Những cộng đồng người Mường có những mối quan hệ hết sức gần gũi với người Việt và đã từng có một nền văn hóa khá phong phú mà nhiều sắc thái còn giữ được cho đến ngày nay. Nền văn hóa đó đã góp phần lớn vào nền văn hóa Hòa Bình, đã trở thành một hiện tượng văn hóa được thế giới công nhận.
Mỗi một lễ hội tại Hòa Bình đều biểu trưng cho một nét văn hóa không thể tách rời. Lễ hội tại Hòa Bình không chỉ bó hẹp trong phạm vi tỉnh thành, mà còn là nét đặc trưng riêng biệt đối với các dân tộc khác, đây cũng là nét mộc mạc và giản dị.
Nền văn hóa đặc sắc của người Mường cùng trường ca “Đẻ đất đẻ nước” đã được truyền lại qua bao thế hệ, để ngày nay mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền. Mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, những thế hệ đồng bào cùng nhau xây dựng bản làng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần, cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc… và cùng các dân tộc anh em xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh.