Thông báo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, các nghiên cứu cho thấy, người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 có khả năng tử vong cao gấp 11 lần so với người đã tiêm phòng - theo AP. Vaccine ngừa Covid-19 vẫn có hiệu quả cao trong việc chống lại các ca nhập viện và tử vong ngay cả khi xuất hiện các biến thể dễ lây lan.
“Siêu vũ khí vaccine”
Một cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ, theo dõi 600.000 ca nhiễm ở 13 bang của nước này từ tháng 4 tới giữa tháng 7/2021 đã đưa đến kết luận: Khi biến thể Delta xuất hiện, những người chưa tiêm vaccine dễ bị mắc Covid-19 cao hơn 4,5 lần, khả năng phải nhập viện cao gấp 10 lần và khả năng tử vong cao gấp 11 lần so với những người đã được bảo vệ bằng vaccine.
“Chúng ta có các công cụ khoa học cần thiết để vượt qua đại dịch” - Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC khẳng định trong một cuộc họp báo ngắn ở Nhà Trắng, được AP dẫn lời. Điều đó phần nào xua đi sự nghi ngờ về khả năng bảo vệ của vaccine chống lại sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 đã giảm bớt. Theo bà Walensky, hơn 90% số người nhiễm Covid-19 phải nhập viện ở Mỹ thuộc diện chưa tiêm phòng.
Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới vẫn đang hết sức phức tạp. Tại Pháp, Agnès Buzyn - cựu Bộ trưởng Y tế Pháp đã bị khởi tố vì thất bại trong việc quản lý, để dịch bệnh Covid-19 lây lan, khó kiểm soát. Bà Agnès bị cáo buộc “gây nguy hiểm đến tính mạng người khác” liên quan đến cách xử lý đại dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020. Bà Agnès Buzyn là quan chức đầu tiên bị cáo buộc tại một hồ sơ lớn liên quan đến các vấn đề xử lý đại dịch Covid-19, đến nay đã làm 115.000 người Pháp tử vong.
Bà Agnès là Bộ trưởng Y tế Pháp từ tháng 5/2017 đến tháng 2/2020. Vào thời điểm đầu năm 2020, cả thế giới bắt đầu thấy lo sợ về những thông tin báo động về dịch virus Corona bùng lên từ Vũ Hán (Trung Quốc). Tuy nhiên chính bà Agnès Buzyn đã phát biểu tại phủ Tổng thống Pháp hôm 24/1/2020 rằng: Nguy cơ lây lan virus Corona trong dân chúng là rất thấp.
Có lẽ chính từ ý kiến của người đứng đầu lĩnh vực Y tế Pháp, đã dẫn đến việc bị động, lúng túng của Chính phủ nước này. Nước Pháp rơi vào tình trạng thiếu trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế cũng như người dân. Và khi nhà quản lý Pháp ý thức được mức độ nguy hiểm của virus Corona, thì dịch đã lây lan không kiểm soát được. Hệ thống y tế bị quá tải do không có sự chuẩn bị trước.
Trong khi đó, tại Đan Mạch, Bộ trưởng Y tế nước này - Tiến sĩ Magnus Heunicke tuyên bố: “Dịch bệnh đã trong tầm kiểm soát; các biện pháp đặc biệt liên quan tới Covid-19 của chính phủ sắp kết thúc”. Chính phủ Đan Mạch cho rằng quốc gia này có thể chịu được tỷ lệ lây nhiễm cao hơn vì khoảng 95% người dễ tổn thương, người sống trong viện dưỡng lão, và người trên 60 tuổi đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng đã tuyên bố, vaccine là “siêu vũ khí đánh bại hết thảy”. Từ cuối tháng 8, Chính phủ Đan Mạch thông báo kế hoạch giảm dần cơ sở hạ tầng xét nghiệm và sẽ đóng cửa toàn bộ địa điểm xét nghiệm nhanh vào cuối tháng 9. Chính phủ cũng đã bỏ quy định giãn cách 1 m, tức là người dân không còn cần dành ra ghế trống trong rạp chiếu phim. Học sinh phổ thông và trẻ mẫu giáo sẽ không còn phải nghỉ học nếu bạn học hoặc giáo viên nhiễm Covid-19. Khách hàng tới quán bar và nhà hàng không còn phải trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Chuyên gia Andreasen - Trung tâm PandemiX thuộc Trường Đại học Roskilde cho rằng, hướng tiếp cận của Đan Mạch là đúng vì “siêu vũ khí vaccine” đã phát huy hiệu lực.
Cần một cách tiếp cận thực tế
Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Đến nay, sau hơn 16 tháng đương đầu với rất nhiều mất mát, nhiều người tự hỏi: Khi nào đại dịch sẽ kết thúc?
Bà Rachael Piltch-Loeb, nhà nghiên cứu tại Khoa Y tế công cộng T.H.Chan tại Đại học Harvard, nói với Reuters: “Ngay cả trong cộng đồng khoa học, bạn sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau. Hoàn toàn không có định nghĩa nào về “kết thúc đại dịch”.
Bà Piltch-Loeb nói: “Dỡ bỏ một số biện pháp phòng chống dịch khiến mọi người có cảm giác đại dịch đang giảm dần. Tuy nhiên virus này sẽ không biến mất cho tới khi nó được kiểm soát hoặc bị hạn chế trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa là tuyên bố đại dịch kết thúc vẫn còn là một điều rất xa xôi”.
Còn theo ông Saad Omer - nhà dịch tễ học tại Khoa Y tế toàn cầu thuộc Đại học Yale, SARS-CoV-2 sẽ trở thành virus gây ít hậu quả hơn khi con người hình thành miễn dịch. Trong lịch sử, chỉ có hai căn bệnh ảnh hưởng tới con người và động vật từng bị xóa sổ là đậu mùa và dịch tả trâu bò. Trong cả hai trường hợp, chiến dịch tiêm chủng toàn cầu đã giúp chặn đứng ca mắc mới. Lần xuất hiện ca bệnh dịch tả trâu bò gần đây nhất là năm 2001 ở Kenya. Còn ca đậu mùa gần đây nhất là ở Anh vào năm 1978.
Ông Joshua Epstein, Giáo sư dịch tễ tại Đại học nói với CNN rằng, xóa sổ một loại bệnh là chuyện hiếm. Nhất là với bệnh do virus gây ra, vì thế cần hướng suy nghĩ và những nỗ lực tới việc kiểm soát được nó nhờ những phát minh y tế. “Đó là cách tiếp cận rất thực tế, thay vì mơ đến lúc làm sạch sẽ một loại virus gây bệnh nào đó” - ông Joshua nói.
Theo Tiến sĩ Michael Osterholm (Đại học Minnesota, Mỹ), tính chất phức tạp của cuộc chiến chống virus đột biến nhanh SARS-CoV-2 có nghĩa là đôi khi con người phải tiến hai bước và lùi một bước. Theo đó, phải chấp nhận thực tế dịch bệnh, chịu thiệt hại nhất định để tiến về phía trước. Còn Jagpreet Chhatwal - nhà khoa học tại Viện Đánh giá công nghệ thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts, nói: “Nếu chúng ta có thể giảm ca tử vong xuống một mức nào đó và trở lại cuộc sống bình thường, thì lúc đó có thể nói là đại dịch đã kết thúc”. Mà muốn có được điều đó thì phải trông cậy vào vaccine.