Chuyên gia về thời trang Clara Vivien cho biết thời trang vintage đang sống lại và được thúc đẩy nhờ thái độ bất bình ngày càng lớn của người tiêu dùng đối với kiểu "thời trang nhanh gọn."
Tại phòng đấu giá Artcurial nhìn sang các gian hàng đóng kín cửa trên đại lộ Champs Elysees ở thủ đô Paris của Pháp, chuyên gia về thời trang vintage Clara Vivien đang giám sát cuộc bán đấu giá trực tuyến hàng trăm chiếc áo jacket, đôi giày và đồ trang sức của thương hiệu Chanel.
Paris có thể là kinh đô thời trang của thế giới, nhưng lệnh phong tỏa thứ ba nhằm chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã một lần nữa làm cho những tín đồ hàng hiệu thừa thời gian và tiền bạc chịu ngồi trước các màn hình máy tính hay điện thoại để tìm cho mình một chiếc váy Chanel hay một chiếc túi Hermes.
Bà Vivien cho biết thời trang vintage (phong cách thời trang mang hơi thở của những thập niên trước) đang sống lại và được thúc đẩy nhờ thái độ bất bình ngày càng lớn của người tiêu dùng đối với kiểu "thời trang nhanh gọn" và ý thức bảo vệ môi trường ngày càng cao.
Đại dịch Covid-19 đã đưa mọi thứ lên mạng Internet. Theo bà Vivien, "thời trang vintage khai thác thị trường đồ đã qua sử dụng". Những người đã từng mua một chiếc túi Chanel hoặc Hermes giờ cảm thấy vui mừng khi biết rằng khoản đầu tư của họ không ngừng tăng lên.
Trong bối cảnh dịch bệnh, mọi người không thể đến các cửa hiệu, vì vậy họ lên mạng để mua hàng đấu giá. Theo thống kê, doanh thu từ việc bán quần áo thời trang hoặc đồ vintage qua đấu giá trên mạng đã tăng gấp 4 lần tại Pháp trong năm 2020 so với mức 6,2 triệu euro thu được trước khi bùng phát dịch, và thu hút người mua nhiều gấp 5-10 lần.
Không tỏ ra bi quan trước tình hình đại dịch, nhiều thương hiệu thời trang cũng đang tận dụng cơ hội này mang lại những thay đổi đột phá về cách thức vận hành và tổ chức kinh doanh.