ĐH Việt-Đức được đánh là một trong những ví dụ thể hiện quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế. Việt Nam và Đức sẽ nỗ lực xây dựng trường ĐH này trở thành mô hình ĐH mới, xứng đáng là “ngọn hải đăng” trong quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị,
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam với sinh viên Trường ĐH Việt-Đức.
Chuẩn bị nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa
Ra đời năm 2008, sau 7 năm thành lập, đến nay Trường ĐH Việt-Đức đã triển khai tổng cộng 11 chương trình đào tạo, trong đó có 7 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 4 chương trình đào tạo trình độ cử nhân thuộc 5 khối ngành, trong đó có những ngành chuyên sâu về kỹ thuật – công nghệ và các ngành kinh tế và quản trị mũi nhọn của Đức. Nhà trường đã và đang đào tạo 1.403 sinh viên và học viên cao học, trong đó có 782 sinh viên bậc ĐH và 621 học viên cao học.
Năm học 2015- 2016, nhà trường tiếp nhận 240 tân sinh viên và 88 tân học viên viên cao học, nâng tổng số sinh viên và học viên đang theo học tại Trường lên 1.188 (708 sinh viên ĐH và 480 học viên cao học). Công tác đào tạo và giảng dạy của trường đến nay chủ yếu vẫn do đội ngũ giảng viên, GS của các trường đối tác Đức đảm nhận.
Một nét mới mà ít trường ĐH theo mô hình cũ ở Việt Nam làm được đó là tạo và giữ mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, thông qua đó nhiều sinh viên của trường được nhận học bổng, được tiếp nhận thực hành cũng như tiếp cận việc làm sau khi tốt nghiệp ngay tại các doanh nghiệp. Trong một báo cáo gần đây của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức về Trường, đại diện doanh nghiệp Đức ở Việt Nam đã đánh giá trường ĐH Việt-Đức là đơn vị dẫn đầu các trường ĐH ở TP.HCM với chất lượng đào tạo cao. Thực tế này cho thấy, ĐH Việt-Đức đã khẳng định hướng đi đúng đắn của mình.
Trong phần phát biểu của mình, GS.TS Juergen Mallon - Hiệu trưởng Trường ĐH Việt-Đức chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng và phát triển trường như một trường đại học mô hình mới tập trung vào nghiên cứu, và các kết quả đạt được cho thấy dự án này là khả thi. Trường đang tiến hành các nghiên cứu cơ bản và đồng thời ứng dụng nghiên cứu trong hợp tác với các doanh nghiệp để đóng góp cho sự phát triển về kinh tế và xã hội của Việt Nam và để hỗ trợ Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020”.
GS.TS Juergen Mallon cũng bày tỏ sự cảm kích đặc biệt đối với tâm huyết trong việc xây dựng và phát triển Trường ĐH Việt-Đức của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân: “Giáo sư đã có tầm nhìn xa và đã sáng lập dự án này để phát triển các trường ĐH mô hình mới ở Việt Nam với vai trò thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đổi mới cơ bản và toàn diện”.
Trong vài năm gần đây, sinh viên của Trường ĐH Việt-Đức liên tục gặt hái được những thành tựu đáng khích lệ, nhất là các giải thưởng trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo khoa học – vốn là thế mạnh đã được khẳng định của Trường.
Vừa qua, trong cuộc thi cuộc thi lập trình robot đá bóng SoccerBot lần thứ 2 năm 2015, Đội của Trường ĐH Việt-Đức đã đoạt giải Nhất. “Guardband” - vòng tay chống ngược đãi - sản phẩm sáng tạo khoa học có sinh viên của Trường ĐH Việt-Đức tham gia cũng được chọn vào vòng chung kết của cuộc thi có quy mô toàn cầu do Unicef tổ chức. Trước đó, sinh viên của Trường đã nhiều lần đăng quang trong các cuộc thi sáng tạo khoa học có quy mô quốc gia và quốc tế.
Dự án trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Phát biểu tại Lễ khai giảng, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đánh giá, thời gian qua Trường tiếp tục phát triển toàn diện, bước đầu hình thành nền tảng cơ bản của một trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: “Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy nhà trường đã xây dựng thành công 17 phòng thí nghiệm hiện đại cho 11 chương trình đào tạo của Trường như: phòng thí nghiệm robot, phòng thí nghiệm tự động hóa, phòng thí nghiệm mô phỏng tốc độ tính toán cao cho ngành Tính toán kỹ thuật và Mô phỏng trên máy tính, phòng thí nghiệm máy gia công và chế tạo khuôn mẫu, phòng thí nghiệm Công nghệ lắp ráp, phòng thí nghiệm nghiên cứu quản lý giao thông của Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải, phòng thí nghiệm thời gian thực”.
Đây là mô hình trường ĐH hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ ở nước ta: trường ĐH được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức quyết định cùng xây dựng, coi đây là dự án hải đăng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức.
Dịp này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đã gửi lời cảm ơn Ngân hàng thế giới, Chính phủ Đức, Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Hessen, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức, Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Baden-Württemberg (MWK BW), Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức, Tổ chức Hỗ trợ ĐH thế giới (WUS), các trường ĐH và các GS Đức đã tích cực giúp đỡ trong quá trình xây dựng và phát triển trường ĐH Việt-Đức. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hy vọng, chặng đường mà trường ĐH Việt-Đức đã trải qua, cũng như sẽ bước tiếp còn nhiều chông gai, nhưng với quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo của Chính phủ Việt Nam, với sự đóng góp nhân lực và tài lực của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ CHLB Đức, Bang Hessen và các bạn Đức, sự chung tay giúp sức của các ĐH thuộc bang Hessen cũng như trên toàn nước Đức, Dự án xây dựng trường ĐH Việt-Đức sẽ thành công tốt đẹp.
Chúng ta sẽ nỗ lực hết sức cùng xây dựng trường ĐH Việt-Đức trở thành mô hình ĐH mới, có vai trò thúc đẩy hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam đổi mới cơ bản, toàn diện và hội nhập quốc tế; sẽ góp phần nâng vị thế giáo dục đại học Việt Nam xứng tầm với khu vực và quốc tế. Những thành tựu mà Nhà trường, các cán bộ giảng dạy và các em sinh viên, học viên của Trường sẽ nỗ lực đạt được trong năm học 2015-2016 sẽ là món quà vô giá trong năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn và tin tưởng Lãnh đạo và các cán bộ, nhân viên nhà trường, những người đã dũng cảm tham gia vào một dự án mới mẻ cho tương lai sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xây dựng và phát triển ĐH Việt-Đức mà trong đó kết hợp hài hòa những giá trị tốt đẹp nhất trong truyền thống của Việt Nam và Đức, là cầu nối hữu nghị giữa 2 nền văn hóa. Trong những năm qua, các em đã được học tập, nghiên cứu trong một môi trường sư phạm hiện đại với chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn của Đức.
Tin tưởng rằng, với kiến thức chuyên môn, kỹ năng, vốn hiểu biết xã hội và ngoại ngữ tích lũy được trong thời gian theo học tại trường ĐH Việt-Đức, các em sẽ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống và dù ở bất kỳ vị trí công tác nào các em cũng sẽ phát huy được thế mạnh trên đây của mình. Sự thành công của các em chính là thành quả có ý nghĩa nhất của ĐH Việt-Đức.
Trước đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng dành thời gian thăm cơ sở vật chất của Trường ĐH Việt-Đức, các phòng thí nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên Trường.