Về Hậu Giang những ngày này, đường phố rợp cờ phướn, các cơ quan, nhà dân treo cờ Tổ quốc đỏ rực chào đón sự kiện trọng đại: Đại hội đảng bại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Từ nhiều tháng qua, khắp nơi trong tỉnh bước vào đợt thi đua sôi nổi chào mừng đại hội đảng bộ tỉnh với 23 công trình trong đó 14 công trình đã hoàn thành.
Cá thát lát Hậu Giang có thương hiệu trên thương trường
Nhận định về những thành tích nổi bật trong nhiệm kỳ XII (2010-2015), ông Huỳnh Minh Chắc, ủy viên Trung ương đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng: Nhiệm kỳ 2010-2015, Hậu Giang có nhiều bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực y tế, giáo dục đưa kinh tế xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, nông thôn khởi sắc. Trong qúa trình lãnh đạo, Đảng bộ đoàn kết, thống nhất cao, tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho cơ sở; chăm lo bồi dưỡng sức dân thông qua các chương trình an sinh xã hội. Cán bộ, đảng viên biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, phát huy dân chủ ở cơ sở nên đơn thư khiếu nại, tố cáo hầu như không có. Có một số việc không ghi trong nghị quyết nhưng Đảng bộ tập trung thực hiện là: hoàn thành việc xây dựng trường mầm non ở tất cả các xã trong toàn tỉnh; vận động xã hội hóa và đầu tư tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục nên đến nay có 38/74 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 30 trường học đạt chuẩn; công nhận 12 xã nông thôn mới trong đó thị xã Ngã Bảy là đơn vị đầu tiên ở ĐBSCL được công nhận hoàn thành chương trình nông thôn mới.
5 năm qua, Hậu Giang hoàn thành tất cả 20 chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong đó 8 chỉ tiêu vượt, 12 chỉ tiệu đạt. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 13,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa trong đó tỉ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng nhanh góp phần tăng tỉ lệ đô thị hóa từ 21,3% năm 2010 lên 24,7% năm 2015. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân/đầu người năm 2015 đạt 36,5 triệu đồng, tương đương 1.699 USD, gấp 2,3 lần năm 2010 và bằng 81% mức bình quân của vùng ĐBSCL. Ngay sau khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định giao thông vận tải là ngành mũi nhọn, tạo bước đột phá cho kinh tế - xã hội phát triển nên đã ưu tiên đầu tư phát triển giao thông, nhờ đó hạ tầng giao thông phát triển nhanh. Nếu hồi mới chia tỉnh, từ Cần Thơ muốn về trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang chỉ có Quốc lộ 61, đường gập ghềnh, mất gần 2 giờ đồng hồ mới tới nơi thì nay có thêm đường nối Cần Thơ – Vị Thanh chạy chưa đến 1 giờ. Ngoài ra, Trung ương đầu tư tuyến đường Nam sông Hậu đi Sóc Trăng, Bạc Liêu; tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp đi Cà Mau. Tỉnh đầu tư nâng chất, mở rộng các tuyến tỉnh lộ như: đường tỉnh 925, 926, 927, 928, 928B, 929, 931B, mở rộng các tuyến đường nội ô thành phố Vị Thanh cũng như các thị trấn, thị tứ ở các huyện, phá thế độc đạo và tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa góp phần thúc đây kinh tế xã hội phát triển. Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh phát động phong trào làm giao thông nông thôn gắn với thủy lợi nên chỉ tính trong 5 năm qua, đã xây dựng mới hơn 1.800 km đường, nâng cấp trên 600 km, xây dựng 1.300 cây cầu với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng. Nếu trước đây, từ trung tâm huyện về các xã đã khó và đường từ xã đến các ấp còn khó hơn nhưng nay toàn tỉnh có 69/74 xã có đường ô tô về trung tâm xã và 527/527 ấp có đường bê tông hoặc nhựa hóa đảm bảo cho xe 2 bánh đi lại thuận tiện cả 2 mùa mưa nắng. 12 xã nông thôn mới có đường bê tông từ 2,5 mét trở lên. 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 61.560 tỉ đồng, tăng bình quân 12%/năm trong đó nguồn vận động an sinh xã hội trên 1.000 tỉ đồng. Hậu Giang đã tạo điểm nhấn bằng việc hoàn thành bờ kè dọc hai bên sông Xà No vừa làm đẹp cảnh quan đô thị vừa giải quyết tốt vệ sinh môi trường thành phố Vị Thanh.
Đường nối Cần Thơ – Vị Thanh rút ngắn thời gian đến Hậu Giang chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tỉnh sớm hoàn thành qui hoạch vùng sản xuất thích hợp, xây dựng chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp theo mô hình “bốn cây, bốn con”, đầu tư hệ thống thủy lợi kết hợp với đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nên giá trị tăng thêm bình quân mỗi năm 3,86%. Một số sản phẩm nông nghiệp của Hậu Giang nay đã tạo được thương hiệu trên thương trường như: Bưởi Năm Roi, Bưởi hồ lô, cá thát lát, khóm Cầu Đức, lúa Hậu Giang,… Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5.200 ha là tiền đề để sản xuất nông. Toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực đàu tư 14.233 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, hình thành cánh đồng lớn qua đó đã công nhận 12 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
Để phát huy thế mạnh nông nghiệp của Hậu Giang, tỉnh đã chủ trương phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản và thuỷ sản, phục vụ xuất khẩu, ban hành nhiều chủ trương hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công và khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. 5 năm qua, tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng hình thành 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích là 1.529,7 ha, vận dụng linh họat các chính sách, cơ chế nên đã thu hút được 38 nhà đầu tư với 66 dự án; tổng vốn đầu tư gần 65.000 tỷ đồng và 664 triệu USD trong đó 32 dự án đi vào hoạt động. Tỉ lệ lấp đầy ở các khu, cụm công nghiệp đạt 71%, giải quyết việc làm cho trên 16.885 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 là 7.500 tỷ đồng, tăng bình quân 17,9%/năm. Công nghiệp phát triển góp phần tăng trưởng GDP của tỉnh đạt bình quân 13,5%. Tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển một số trung tâm thương mại quan trọng là thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, thị trấn Long Mỹ, các cụm kinh tế xã hội ở khu vực thị trấn, thị tứ, trung tâm xã; tập trung củng cố và phát triển thị trường nông thôn theo các tuyến, các cụm kinh tế - xã hội, các trục hành lang kinh tế để thu gom, tiêu thụ hàng nông - lâm - thủy sản cho nhân dân.
Bưởi hồ lô – sản phẩm độc đáo của Hậu Giang chưng ngày tết
Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân không ngừng tăng lên. Nếu năm 2010, bình quân thu nhập/đầu người/năm khoảng 15 triệu đồng, thuộc lọai thấp trong vùng thì nay, thu nhập bình quân/đầu người là 36,5 triệu đồng, tăng 2,3 lần. Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cùng các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho đồng bào dân tộc, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo được quan tâm đặc biệt nhờ đó tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 2-3% góp phần hạ tỉ lệ hộ nghèo đến nay còn 6,9% và hộ cận nghèo còn 5,68%. Nhân dân ngày càng ý thức chăm lo sự nghệp giáo dục, y tế, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân ở các khu dân cư. Nay, bà con biết giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Cuộc vận động “TDĐKXDĐSVHƠ KDC” gắn chặt với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện 57 mô hình qua đó xuất hiện ngày càng nhiều điển hình các khu dân cư có các tuyến đường đẹp như: khu dân cư ấp Bình lợi, xã Long Bình (huyện Long Mỹ); ấp 7, xã Vĩnh Thuận Đông (huyện Vị Thủy); ấp Láng Hầm A, thị trấn Rạch Gòi (huyện Châu Thành A); ấp Tân Phú B2, xã Tân Phước Hưng (huyện Phụng Hiệp); bảo đảm an ninh trật tự; bảo vệ môi trường; giúp nhau thoát nghèo; xóa nhà siêu vẹo, dột nát; xây dựng giao thông nông thôn; khu dân cư 3 không, 4 không, 5 không; mô hình cánh đồng mẫu lớn; mô hình khu dân cư hài hòa xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường; mô hình đảm bảo trật tự, an toàn tuyến đường giao thông.... Thông qua các cuộc vận động, toàn tỉnh đã công nhận và tái công nhận 179.918 hộ gia đình văn hoá, chiếm 94,01%, tăng 31.583 hộ (4,62%) so với đầu nhiệm kỳ; công nhận, tái công nhận 498 khu dân cư văn hoá, tăng 97 khu dân cư so với đầu nhiệm kỳ; Công nhận, tái công nhận 55 xã, phường, thị trấn văn hóa, tăng 28 xã, phường, thị trấn so với đầu nhiệm kỳ. Bà con tự nguyện hiến đất và đóng góp hơn 265,1 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và Chương trình an sinh phúc lợi xã hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp với UBMTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở phát động, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái của các tầng lớp nhân dân. 5 năm qua, quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được trên 450 tỷ đồng, tăng 130,628 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước trong đó giành trên 44,549 tỉ đồng xây dựng 2.504 căn nhà tình thương, sửa chữa 1.214 căn, đạt 500,80% chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ; xây dựng và sửa chữa 700 căn nhà tình nghĩa và phụng dưỡng 204 Mẹ Việt Nam anh hùng đến suốt đời.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh cho rằng những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015 gắn liền với việc không ngừng củng cố, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh nên Đảng bộ được công nhận trong sạch, vững mạnh 5 năm liền. Trong 4 chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì công tác đào tạo, bồi dương nguồn nhân lực đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp được đặc biệt coi trọng. Trung bình hàng năm có khoảng 15.000 lượt cán bộ được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện dự án hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL, UBND tỉnh xuất ngân sách dào tạo đội ngũ y bác sĩ theo địa chỉ sử dụng nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho tuyến dưới trọng tâm là tuyến y tế cơ sở qua đó đến nay đã công nhận 38 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế
Hậu Giang xây dựng mục tiêu, phương hướng và giải pháp thực hiện để đến 2020 vươn lên trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL.
Lê Quốc Khánh – Quốc Trung - ảnh: D.Khương