Mặt trận

Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ XV nhiệm kỳ 2024-2029: Ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới

TÙNG DUY - NGÔ HÙNG 24/06/2024 09:51

Những năm đại dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi mặt đời sống bị ảnh hưởng nặng nề, song các cấp Mặt trận tỉnh Phú Thọ với quyết tâm cao độ đã đạt và vượt mọi mục tiêu đề ra, để lại nhiều dấu ấn với những con số ấn tượng.

mt1.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh dự lễ ký giao ước thi đua năm 2024 của Cụm MTTQ các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và tặng Cờ thi đua 2023 cho Cụm trưởng MTTQ tỉnh Phú Thọ.

Chung sức hoàn thành mục tiêu

Là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Phú Thọ có hơn 1,5 triệu người, 34 dân tộc anh em chung sống, 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo, vấn đề đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân và quyền tự do tín ngưỡng được quan tâm đặc biệt.

Nhiều năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Phú Thọ luôn nỗ lực vượt qua thách thức, khích lệ động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước gắn phát triển kinh tế với mục tiêu xây dựng Đất Tổ vươn lên top đầu tỉnh phát triển nhất của vùng.

Theo ông Nguyễn Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, dù bối cảnh khó khăn do đại dịch, song với sự quyết tâm cao, chung sức đồng lòng, đến nay các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2019 – 2024 đều đạt và vượt.

Những năm qua, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu và chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết, đa dạng hình thức tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên nhất là ở cộng đồng dân cư. Tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền của MTTQ Việt Nam”.

Nắm rõ tình hình và phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan Đảng, Nhà nước tại các kỳ họp của Quốc hội và HĐND cùng cấp được Mặt trận triển khai kịp thời.

Lắng nghe tiếng nói của người dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, tôn giáo trên địa bàn, phát huy vai trò của các vị cốt cán, già làng, trưởng bản, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là công việc của người Mặt trận hằng ngày.

Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với Ngày Pháp luật Việt Nam được Mặt trận các cấp phối hợp thực hiện đã đi vào nền nếp, đạt nhiều kết quả quan trọng, được đông đảo nhân dân vui vẻ, nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều khu dân cư đã coi đó là ngày vui nhất trong năm khi con cháu đi công tác, làm ăn xa cùng trở về hội tụ liên hoan...

Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ và các tổ chức thành viên chú trọng triển khai sâu rộng đến các khu dân cư với nhiều nội dung cụ thể. Đây là hoạt động góp sức quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Từ một tỉnh nghèo, đến nay Phú Thọ đã có 6 huyện, thành, thị đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với 136/196 xã đạt chuẩn, trong đó có 14 xã đạt mức NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ấn tượng nhất là huyện Lâm Thao sớm cán đích trong 10 huyện đầu tiên toàn quốc.

Chăm lo cho người nghèo, các chương trình an sinh xã hội, cứu trợ nhân đạo, từ thiện được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ triển khai rộng khắp với kết quả đáng ghi nhận.

Từ năm 2020 đến nay, Mặt trận tỉnh Phú Thọ huy động, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội đạt trên 157,8 tỷ đồng - nguồn lực quan trọng hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 2.092 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 54,1 tỷ đồng; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, khám chữa bệnh, học sinh nghèo vượt khó 9.267 người với trị giá gần 5 tỷ đồng; hỗ trợ trên 75,5 tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Đáng chú ý, cùng cả nước chung tay vì Điện Biên, Mặt trận tỉnh Phú Thọ đã góp sức 2,55 tỷ đồng xóa nhà tạm giúp đỡ người nghèo nhân dịp hướng về ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chỉ tính riêng cuộc vận động nguồn lực phòng, chống Covid-19, Mặt trận các cấp đã huy động đạt trên 119 tỷ đồng và nhiều hàng hóa trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm khác. Các cấp Mặt trận đã kịp thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ trên 2 tỷ đồng cho các gia đình có người chết, người bị thương, nhà đổ sập do ảnh hưởng thiên tai. Người Mặt trận đã không quản ngại đi tới từng ngõ xóm, thôn bản, khu phố toàn dân Đất Tổ ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2021 đạt trên 21 tỷ đồng.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - một việc không dễ dàng, đã được MTTQ tỉnh Phú Thọ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, làm sâu, làm rộng, làm thiết thực tới đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức và nhân dân.

Có thể nhận thấy rõ nét thay đổi nhận thức, hành vi sản xuất và tiêu dùng, ưu tiên dùng hàng Việt, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã được Mặt trận tỉnh Phú Thọ tham gia sát việc, trúng việc, đảm bảo dân chủ, đúng quy định, tạo nên thành công tốt đẹp với tỷ lệ cử tri đạt 99,8%. Công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu để HĐND bầu Hội thẩm TAND cấp tỉnh và cấp huyện được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Giám sát và phản biện xã hội, một trong những hoạt động quan trọng nhất, Mặt trận các cấp đã tiến hành 6.529 cuộc, thành lập đoàn giám sát trực tiếp 1.228 cuộc, phối hợp giám sát cùng Thường trực HĐND, các ban của HĐND và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp 1.302 cuộc. Đáng chú ý, giám sát thông qua hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở lên tới 3.000 cuộc.

Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên cũng đã tổ chức trên 110 hội nghị phản biện và tổ chức phản biện nhiều dự thảo văn bản dưới hình thức gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Sau giám sát, phản biện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã tiếp thu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Mặt trận các cấp.

mt3.jpg
Lãnh đạo Tỉnh ủy và MTTQ tỉnh Phú Thọ cùng đại diện Mặt trận các cấp dự lễ khởi công xây 100 nhà Đại đoàn kết năm 2024 tại huyện Yên Lập.

Hướng tới nhiệm kỳ mới

Xác định rõ thuận lợi, khó khăn, rút ra kinh nghiệm thực tiễn, nhiệm kỳ vừa qua Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã đưa ra những phương hướng, giải pháp rất cụ thể.

Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị và trách nhiệm của Mặt trận, chính người Mặt trận phải chú tâm tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển nâng tầm diện mạo quê hương, đất nước. Mặt trận các cấp mạnh dạn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt vai trò cầu nối giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền với nhân dân qua việc xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp và chương trình hành động nhằm đáp ứng tình hình mới.

Việc đoàn kết, tập hợp và phát huy các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới của Đất Tổ và đất nước - đó chính là con đường đi tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

MTTQ tỉnh Phú Thọ xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới đây: Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; Tăng cường huy động các nguồn lực, hỗ trợ kinh phí hoàn thành xây dựng nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo; Vận động nhân dân xây dựng khu dân cư “Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.

Theo bà Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, nhiệm kỳ tới sẽ đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, như hỗ trợ xây mới ít nhất 500 nhà Đại đoàn kết, 100% khu dân cư thành lập và duy trì hiệu quả ít nhất 1 tổ nhóm hoạt động tự quản tại cộng đồng, 100% Mặt trận tham gia chuyển đổi số, trên 80% Ban công tác Mặt trận ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong sinh hoạt và hoạt động...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ XV nhiệm kỳ 2024-2029: Ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới