Ngày 29/5/2024 tại Hà Nội, Hiệp hội Sản xuất và Tiêu thụ thuốc lá Việt Nam đã tổ chức Đại hội tổng kết công tác nhiệm kỳ VII (2019 – 2023) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VIII (2024 – 2029).
Tham dự Đại hội có ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Ông Tạ Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ; Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị Trường trong nước Bộ Công thương; đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Nộp ngân sách nhà nước 103.108,9 tỉ đồng
Nhiệm kỳ VII (2019 – 2023) diễn ra trong giai đoạn vô cùng khó khăn, nhưng, Hiệp hội Sản xuất và Tiêu thụ thuốc lá Việt Nam đã phát huy tối đa tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững thị phần, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; đồng thời, bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động, gia tăng đóng góp ngân sách nhà nước, thực hiện tốt vai trò đầu mối tham vấn chính sách liên quan đến Ngành, là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp hội viên; thống nhất, định hướng các lĩnh vực hoạt động chung cho doanh nghiệp hội viên.
Trong giai đoạn 2019-2023, các hội viên Hiệp hội đã nộp ngân sách nhà nước tổng số tiền là 103.108,9 tỉ đồng, tăng 15,1% so với giai đoạn 2014-2018. Bình quân nộp ngân sách trong giai đoạn này của toàn Hiệp hội là 20.621,8 tỉ đồng, mỗi năm với điểm cao nhất là năm 2023 với số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 23.000 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 5,81%/năm.
Bên cạnh việc đóng góp ngân sách nhà nước, Hiệp hội cũng đóng góp vào các khoản thu khác như: Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá… Đặc biệt, với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, các doanh nghiệp hội viên đã đóng góp tổng số tiền là 2.109,8 tỉ đồng trong giai đoạn 2019 - 2023, tăng 67,8% so với giai đoạn 2014 -2018. Tổng hai giai đoạn, Hiệp hội đã đóng góp 3.366,8 tỉ đồng cho Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trong 10 năm qua.
Hiệp hội đã tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, các lực lượng chức năng, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá, nâng cao nhận thức của người dân; phối hợp với Ủy ban MTTQ các tỉnh Tây Nam tổ chức nhiều hội thảo tuyên truyền về hệ lụy của việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu với trên hàng ngàn lượt đại biểu tham dự, trong đó có nhiều cư dân các vùng biên giới giáp ranh với Campuchia…
Hiệp hội đã hỗ trợ các lực lượng chức năng thực hiện các chuyên án lớn, bắt giữ các đối tượng đầu nậu buôn lậu thuốc lá, kiểm tra kiểm soát các điểm kinh doanh nhỏ, lẻ; phối hợp tổ chức dán áp phích tuyên truyền về các nội dung tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ; các chế tài xử lý hình sự tại Bộ luật hình sự 2015 liên quan đến các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu…
Thực hiện các thông tư hướng dẫn cơ chế huy động kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và sản xuất, buôn bán thuốc lá giả, toàn Hiệp hội đã hỗ trợ kinh phí bắt giữ, tiêu hủy thuốc lá nhập lậu với số tiền hơn 281 triệu đồng.
Bên cạnh đó, những năm qua, các doanh nghiệp trong Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, trồng nguyên liệu đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm củng cố các vùng nguyên liệu chất lượng tốt và nâng cao chất lượng nguyên liệu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Điển hình là một số doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (các Công ty Cổ phần Hòa Việt, Công ty Cổ phần Ngân Sơn, Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá, Công ty Thuốc lá Bến Tre) cùng một số đơn vị khác trong Hiệp Hội: Tổng Công ty Khánh Việt, Tổng Công ty CNTP Đồng Nai, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn.
Trong những năm qua, ngành thuốc lá không chỉ tập trung phát triển năng lực sản xuất mà còn đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và quản lý chất lượng, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ vào sự đổi mới sáng tạo và chiến lược kinh doanh hiệu quả, các doanh nghiệp thuốc lá Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, chinh phục những thị trường khó tính, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế quốc gia và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp thế giới.
Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp hội viên cũng rất tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Giai đoạn 2019-2023, toàn Hiệp hội đã thực hiện phụng dưỡng 139 bà mẹ VNAH, thương binh nặng; tặng 232 căn nhà tình nghĩa; 142 căn nhà tình thương; hỗ trợ Quỹ phòng, chống dịch COVID, tặng học bổng, tài trợ Quỹ “Vì trẻ em”, tặng quà Tết cho người nghèo… Tổng trị giá các hoạt động giai đoạn này đạt 377.693,4 triệu đồng, tăng 2,5 lần so với giai đoạn liền trước.
Tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, giải quyết các vướng mắc
Đại hội đã xác định, nhiệm vụ của nhiệm kỳ VIII (2024 – 2029), Hiệp hội sẽ mở rộng, kết nạp các hội viên mới trong ngành nghề liên quan; rà soát và mạnh dạn đưa ra khỏi Hiệp hội các hội viên không tích cực đóng góp, không tuân thủ các quy định chung của Hiệp hội. Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh hoạt động của các ban chuyên môn để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, kiện toàn các cán bộ chuyên trách có trình độ, năng lực và nhiệt huyết cho các bộ phận trọng yếu của Hiệp hội.
Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các hội viên, sẵn sàng chia sẻ, trao đổi và giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện cho hội viên hợp tác trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng cường giao lưu trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của các bên. Song song đó, Hiệp hội tiếp tục chú trọng công tác hợp tác quốc tế và chấp hành pháp luật, tham gia tích cực vào công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá.
Những kiến nghị vì sự phát triển đất nước
Nhiệm kỳ VIII (2024-2029) đặt ra nhiều những thách thức mà mỗi hội viên của Hiệp hội cần nỗ lực, phấn đấu. Để hoạt động của Hiệp hội ngày càng hiệu quả, đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước và của ngành, Hiệp hội đề xuất một số kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý liên quan tới Ngành: Xem xét sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP phù hợp với tình hình hiện nay. Vì, Nghị định 67 đã bắt đầu thảo luận việc sửa đổi từ 5 năm trước nhưng tới nay vẫn chưa xong. Việc hành lang pháp lý không đầy đủ và thiếu rõ ràng tiếp tục làm khó các doanh nghiệp.
Xem xét, đẩy nhanh tiến độ cấp hạn ngạch nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá của Bộ Công thương bảo đảm kịp thời phục vụ sản xuất, tránh lãng phí, tổn thất cho Ngành.
Xem xét ban hành khung pháp lý quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới.
Cân nhắc về chính sách thuế đối với thuốc lá nhằm bảo vệ doanh nghiệp sản xuất hợp pháp có điều kiện đẩy lùi thuốc lá nhập lậu.
Bổ sung chức năng của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá để hỗ trợ cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu, cử Hiệp hội là thành viên của Ban quản lý Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động phòng, chống thuốc lá nhập lậu. Cụ thể: Đàm phán với các nước có chung đường biên giới nhằm ngăn chặn, phòng ngừa thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam; Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá, tập trung các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán thuốc lá nhập lậu từ biên giới đến cửa hàng bán lẻ.
Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các vùng trồng nguyên liệu thuốc lá.
Nhà nước cần có chính sách cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý nguyên liệu, đặc biệt là hoạt động mua, bán tại vùng trồng và chính sách hỗ trợ giá, bảo hiểm rủi ro, khuyến khích sản xuất để bảo hộ việc sản xuất trong nước.
Giai đoạn 5 năm (2019-2023), các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 59.637 vụ, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển. Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao.